Biên phòng - Đó là nội dung chủ đạo của Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2015 - 2025" vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tháng 5-2015 và giao cho Ủy ban Dân tộc (UBDT) chủ trì phối hợp với các Bộ, ban, ngành liên quan thực hiện. Mục tiêu của Đề án là phấn đấu đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS. góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng DTTS.
![]() |
Cán bộ Đồn BP Săm Pun và Hội LHPN xã Xín Cái phát tờ rơi tuyên truyền cho người dân. Ảnh: hagiang.gov.vn |
Phấn đấu giảm 3%/năm số cặp tảo hôn
Đề án phấn đấu trên 90% cán bộ làm công tác dân tộc các cấp, cán bộ văn hóa - xã hội xã được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng vận động, tư vấn, truyền thông thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS vào năm 2025; đồng thời, giảm bình quân 2% - 3%/năm số cặp tảo hôn và 3% - 5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn vùng DTTS có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao. Phấn đấu đến năm 2025, cơ bản ngăn chặn, hạn chế được tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS.
Chia sẻ với phóng viên báo Biên phòng về các nội dung xoay quanh Đề án, ông Phạm Tuấn Mạnh, Phó Vụ trưởng Vụ DTTS UBDT, đơn vị được UBDT giao trực tiếp phụ trách Đề án cho biết: "Hiện nay, chúng tôi đang tổ chức khảo sát thực tế ở các địa phương nhằm phát hiện và nhân rộng các mô hình hiệu quả ở cơ sở. Bên cạnh đó, chúng tôi phối hợp với UBND các tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện Đề án".
Theo ông Mạnh, trong thời gian tới, cơ quan làm công tác dân tộc các tỉnh sẽ chủ trì phối hợp với các Sở: Tài chính, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông; Ủy ban MTTQ tỉnh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các ngành có liên quan trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện nội dung Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2025".
Bên cạnh đó, Ban Dân tộc các tỉnh có trách nhiệm phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các ngành có liên quan xây dựng kế hoạch và kinh phí hàng năm, dài hạn triển khai thực hiện Đề án phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể của từng địa phương; định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo UBDT và các Bộ, ngành liên quan kết quả thực hiện Đề án theo quy định.
Tăng cường các hoạt động tư vấn, can thiệp
Để đạt được những mục tiêu trên, Đề án đưa ra giải pháp thực hiện là biên soạn, cung cấp tài liệu, sản phẩm truyền thông; tài liệu tập huấn về kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình trong vùng DTTS; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, giao lưu văn hóa, lễ hội nhằm tuyên truyền hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS.
Cùng với đó là tăng cường các hoạt động tư vấn, can thiệp, nghiên cứu, ứng dụng, triển khai nhân rộng các mô hình, bài học kinh nghiệm trong và ngoài nước phù hợp nhằm thay đổi hành vi, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin và huy động sự tham gia của cộng đồng nhằm thực hiện ngăn ngừa, giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS...
Xung quanh vấn đề này, bà Nguyễn Thị Tư, Vụ trưởng Vụ DTTS, chia sẻ: "Vấn đề giảm tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong đồng bào DTTS là việc làm thường xuyên của UBDT trong nhiều năm nay và hiện nay, UBDT đang có một số mô hình phát huy hiệu quả như mô hình "Can thiệp giảm tảo hôn và hôn nhân cận huyết".
Theo bà Tư, mô hình tập trung tập huấn cho cán bộ y tế về kiến thức, kĩ năng truyền thông tới người dân, người trưởng dòng họ mình để nói chuyện về vấn đề sức khỏe cho con cháu mình, từ đó, đưa nội dung này vào quy ước của dòng họ; kết hợp với mô hình còn có các đội văn nghệ huyện, văn nghệ xã tích cực tham gia biểu diễn tại các thôn, bản mà mình thấy có vấn đề về tảo hôn và hôn nhân cận huyết. "Hiện tại, mô hình này đang phát huy khá hiệu quả ở Điện Biên, Cao Bằng, Sơn La, chúng tôi đang nghiên cứu để nhân rộng các mô hình này trong cả nước", bà Tư cho biết thêm.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Xuân Lương: "Trong thời gian tới, chúng tôi hy vọng thông qua các kênh thông tin có thể khai thác thế mạnh của truyền thông, qua đó tác động lên dư luận, đồng thời vận động xã hội, tìm kiếm thêm nguồn lực hỗ trợ trong việc đấu tranh phòng chống nạn tảo hôn. Đây cũng chính là một diễn đàn để đồng bào DTTS có cơ hội trao đổi với các nhà chuyên môn trong và ngoài nước để họ có điều kiện trao đổi kiến thức về sức khỏe, nâng cao chất lượng dân số cho cộng đồng các DTTS ở Việt Nam, từ đó hoàn thành các mục tiêu mà Đề án đề ra". |
Theo số liệu thống kê, có đến 12% dân số thiếu những thông tin về sức khỏe nhất là các bệnh liên quan có thể là suy giảm thoái hóa chất lượng nòi giống. Đặc biệt, vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thì không có nhiều người dân hiểu trọn vẹn được vấn đề" - Thứ trưởng Hoàng Xuân Lương cho biết.