Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 12:52 GMT+7

Đẩy lùi nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn biên giới

Biên phòng - Trong nhiều năm qua, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn diễn ra phổ biến trong đời sống nhân dân ở địa bàn 2 xã Pa Nang và Tà Long, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Điều đó để lại hệ lụy lâu dài trong phát triển kinh tế, xã hội, cũng như duy trì giống nòi của đồng bào dân tộc nơi đây. Trước thực trạng đó, Đồn Biên phòng Pa Nang đã phối hợp với các cấp, các ngành, chính quyền địa phương để tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động nhân dân đẩy lùi nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

p9gm_19
Cán bộ Đồn Biên phòng Pa Nang tuyên truyền pháp luật về chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho bà con dân bản. Ảnh: Nguyễn Thành

Đồn Biên phòng Pa Nang được giao phụ trách địa bàn 2 xã Pa Nang và Tà Long thuộc huyện miền núi Đakrông, tỉnh Quảng Trị, tổng dân số trên 1.390 hộ/7.043 khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều chiếm tỷ lệ trên 85% dân số toàn xã. Đời sống của người dân trong xã chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp nên vẫn còn nhiều khó khăn. Không chỉ vậy, trình độ nhận thức của đồng bào dân tộc nơi đây vẫn còn nhiều hạn chế, phong tục còn lạc hậu. Nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn diễn ra phổ biến. Theo thống kê của chính quyền địa phương, năm 2018, trên địa bàn 2 xã Pa Nang và Tà Long có 58 trường hợp tảo hôn và 7 trường hợp hôn nhân cận huyết thống. 

Khi đến bản A La, xã Pa Nang, chúng tôi bắt gặp một phụ nữ với dáng người nhỏ con, ốm yếu dắt theo 3 đứa trẻ. Hỏi ra mới biết, đó là chị Hồ Thị Loàn, sinh năm 2002 và 3 đứa con của mình. Được biết, chị Hồ Thị Loàn “kết hôn” cùng chồng là anh Hồ Văn Tuân, cũng sinh năm 2002 từ khi cả hai người mới bước sang tuổi 14. Mặc dù không được chính quyền địa phương tiến hành các thủ tục pháp lí, nhưng cả hai vẫn về sống với nhau, đến nay đã có 3 người con. Tuy nhiên, cuộc sống của họ đang gặp muôn vàn khó khăn trong phát triển kinh tế, chăm sóc con cái. 

Nạn tảo hôn ở 2 xã Pa Nang và Tà Long đã tồn tại từ khá lâu và xuất phát từ nhiều lý do khác nhau. Trong đó, chủ yếu do quan niệm của người dân, chỉ cần bỏ tiền cưới vợ cho con để gia đình có thêm người làm nương, làm rẫy. Thêm vào đó là sự thiếu hiểu biết về pháp luật cũng như không lường được hậu quả của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống gây ra. Trước thực trạng trên, Đồn Biên phòng Pa Nang đã phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Trong đó, chú trọng việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để làm cho người dân hiểu rõ việc kết hôn khi chưa đủ tuổi vị thành niên là vi phạm pháp luật. Cũng như minh chứng sinh động để nhân dân thấy những tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gây ra. Cùng với tuyên truyền tập trung, cán bộ Biên phòng cũng đã đến từng gia đình để tuyên truyền trực tiếp cho những cá nhân có ý định kết hôn khi chưa đủ tuổi vị thành niên. 

Đồn Biên phòng Pa Nang cũng tranh thủ những già làng, người có uy tín tham gia vận động người thân, dòng họ và nhân dân nói không với nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Đồng thời, tham mưu cho chính quyền địa phương viết cam kết không tổ chức cưới hỏi khi con mình chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định. Đặc biệt, đơn vị còn phối hợp chặt chẽ với các trường học trên địa bàn tổ chức tuyên truyền để học sinh nhận thức rõ việc tảo hôn là vi phạm pháp luật. Đại úy Lê Bình An, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Pa Nang cho biết: “Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vốn tồn tại từ rất lâu trong đời sống người dân địa phương nên việc loại bỏ nó ra khỏi đời sống của cộng đồng gặp rất nhiều khó khăn. Trong năm 2019, chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương, đơn vị chức năng triển khai quyết liệt các biện pháp khác nhau và bước đầu đã thu được những kết quả nhất định. Năm 2019, cả 2 xã Pa Nang và Tà Long chỉ còn 16 trường hợp tảo hôn, còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống đã chấm dứt hoàn toàn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp, kiên quyết đẩy lùi vấn nạn tảo hôn tại địa bàn”. 

“Chỉ sau 1 năm, với sự vào cuộc của chính quyền địa phương và Đồn Biên phòng Pa Nang, tình trạng tảo hôn tại địa bàn đã giảm rất nhiều, còn hôn nhân cận huyết thống đã chấm dứt hoàn toàn. Tôi tin rằng, chắc chắn trong thời gian ngắn, xã biên giới Pa Nang sẽ đẩy lùi được hoàn toàn tình trạng tảo hôn” – Ông Hồ Văn Dung cho hay. 

Bà Pỉ Mi, ở bản Trầm, xã Pa Nang lấy chồng từ khi 15 tuổi và trải qua 12 lần sinh đẻ, nhưng chỉ nuôi được 6 người con, số còn lại đều chết vì bệnh tật. Được cán bộ BĐBP vận động, bà Mi trở thành người tích cực trong công tác tuyên truyền để đẩy lùi nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại địa phương. Bà Mi tâm sự: “Nhìn từ cuộc đời mình là rõ nhất, lấy chồng sớm khổ lắm! Không được học hành, suốt ngày chỉ biết lủi thủi trên nương rẫy, đẻ con ra chưa biết chăm sóc. Cho nên giờ mình bảo các con, cháu đừng lấy vợ, lấy chồng sớm, phải chăm lo học tập đã. Không chỉ trong gia đình, mình còn nói cho cả bọn trẻ ở trong và ngoài bản nghe theo”. Còn ông Hồ Văn Dung, Trưởng Công an xã Pa Nang cho biết:?Đã tích cực chỉ đạo lực lượng công an viên phối hợp với cán bộ, chiến sĩ BĐBP tuyên truyền, vận động nhân dân tránh xa nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. 

Cùng với các biện pháp tuyên truyền pháp luật, Đồn Biên phòng Pa Nang cũng đang triển khai nhiều mô hình giúp dân phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập, xây dựng nếp sống mới.

Nguyễn Thành

Bình luận

ZALO