Biên phòng - Trên cơ sở điều kiện thực tế, một số địa phương đã chủ động xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể đồng bộ nhằm đưa các thôn, bản ra khỏi diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Nhờ đó, góp phần hoàn thành mục tiêu Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã ĐBKK miền núi và vùng sâu, vùng xa (còn gọi là Chương trình 135) theo Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg một cách thực chất và bền vững.

Tập trung cho thôn, bản đặc biệt khó khăn
Tỉnh Hòa Bình có 6 thành phần dân tộc sinh sống bao gồm: Mường, Kinh, Tày, Thái, Dao, Mông, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 73% dân số. Thực hiện Chương trình 135, giai đoạn 1998-2005, tỉnh Hòa Bình có 102 xã thuộc diện đầu tư; giai đoạn 2006-2010 có 73 xã và 94 thôn, bản ĐBKK thuộc diện đầu tư; giai đoạn 2010-2015 là 95 xã và 116 thôn, bản thuộc diện đầu tư; giai đoạn 2016-2020 có 99 xã và 99 thôn, bản thuộc diện đầu tư.
Trong 20 năm thực hiện Chương trình 135 (1998-2018), tổng vốn Trung ương phân bổ thực hiện trên 1.900 tỉ đồng, thực hiện đầu tư cho các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm và hỗ trợ phát triển sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi, máy móc, đào tạo nâng cao năng lực cán bộ xã, duy tu, bảo dưỡng các công trình sau đầu tư...
Ông Hoàng Quang Minh, nguyên Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình cho biết, để thực hiện hiệu quả Chương trình 135, tỉnh Hòa Bình đã rà soát các thôn, bản ĐBKK để phân bổ ngân sách đầu tư. Bên cạnh đó, Hòa Bình cũng huy động các nguồn vốn như vốn dự án giảm nghèo, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vốn của ngành điện... đầu tư cho các xã thuộc diện ĐBKK.
Bằng các nguồn vốn, tỉnh Hòa Bình đã đầu tư xây dựng 24 công trình hạ tầng, bao gồm giao thông, cầu treo, điện, thủy lợi, nước sinh hoạt, nhà sinh hoạt cộng đồng. Đến nay, tỉ lệ hộ được sử dụng điện lưới quốc gia là 100%; số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 99%; tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia cuối năm 2018 là 44,3%.
Hòa Bình cũng lồng ghép vốn từ các dự án giảm nghèo xây dựng 60 mô hình phát triển kinh tế, điển hình là mô hình nuôi dê sinh sản, bò lai Shin, nuôi lợn rừng Thái Lan và mô hình nuôi ngan thịt cho các thôn, bản khó khăn nhất. Đến nay, các mô hình đã mang lại hiệu quả cho người dân, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo.
Đặc biệt, từ năm 2014, tỉnh Hòa Bình có đề án riêng về đầu tư, hỗ trợ cho 36 thôn, bản khó khăn nhất năm 2018. Đây được coi là bước làm đột phá so với cách làm cũ là đầu tư dàn trải cho tất cả các xã.
Theo Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình, thu nhập của người dân ở 36 thôn, bản khó khăn rất thấp, chỉ đạt bình quân 4,5 triệu đồng/người/năm. Có những thôn cá biệt con số này dưới mức 3 triệu đồng/người/năm và tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo lên tới 100%. Ông Hoàng Quang Minh cho biết, đề án đầu tư trọng tâm cho 36 thôn, bản ĐBKK đã mang lại hiệu quả thiết thực, bước đầu đã có 6 thôn, bản đã ra khỏi diện khó khăn.
Với quyết tâm hoàn thành Chương trình 135 một cách thực chất và bền vững, năm 2016, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng Đề án đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK (gọi tắt là Đề án 196), đồng thời, ban hành nghị quyết về bố trí nguồn lực thực hiện đề án. UBND tỉnh Quảng Ninh đã bố trí gần 1.700 tỉ đồng, trong đó, riêng vốn ngân sách tỉnh là trên 1.300 tỉ đồng để thực hiện Đề án 196. Bình quân mỗi xã ĐBKK được đầu tư khoảng 14 tỉ đồng/năm. Bên cạnh đó, trong 3 năm (2016-2018), tỉnh Quảng Ninh đã bố trí 120 tỉ đồng để hỗ trợ đầu tư đối với 22 xã, 11 thôn ĐBKK thuộc Chương trình 135 theo cơ chế xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện Chương trình 135, Đề án 196, đến hết năm 2018, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có thêm 5 xã và 40 thôn đạt tiêu chí hoàn thành mục tiêu Chương trình 135, ra khỏi diện ĐBKK. Dự kiến, đến hết năm 2019, tỉnh Quảng Ninh cơ bản không còn xã, thôn ĐBKK, trong đó có 14 xã và 6 thôn được xác định ra khỏi diện ĐBKK sớm hơn so với lộ trình Đề án 196 được phê duyệt.
Cần tăng mức đầu tư cho các xã 135
Đánh giá hiệu quả Chương trình 135, ông Hoàng Quang Minh, nguyên Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình khẳng định: “Chương trình 135 cơ bản đáp ứng được mục tiêu tăng cường cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh ở các xã ĐBKK, xã an toàn khu, nâng cao đời sống cho người dân. Sau 20 năm thực hiện chương trình, vùng ĐBKK có sự thay đổi rất lớn. Tỉ lệ hộ nghèo các xã ĐBKK ở Hòa Bình giảm trung bình 3%/năm. Đến năm 2018, tỉ lệ hộ nghèo của vùng ĐBKK giảm còn hơn 30%”.

Cũng theo ông Minh, việc tiếp tục triển khai Chương trình 135 là cần thiết nhưng phải đổi mới cách làm, cơ chế thực hiện và tăng nguồn lực đầu tư. “Trong 20 năm qua, bình quân mỗi xã chỉ hơn 800 triệu đồng, trong khi nhu cầu rất lớn, nên có phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả của chương trình các xã. Theo tôi, trong giai đoạn tiếp theo, nên tăng vốn cho chương trình hoặc tập trung vào những thôn bản ĐBKK, tức là đầu tư cho những chỗ khó trước, làm những chỗ dễ sau. Bên cạnh đó, cần có chính sách đặc thù hỗ trợ vùng thiên tai, bão lũ, vùng ĐBKK nhất có tính chất đặc thù trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc và miền núi” - Ông Minh nói.
Đồng quan điểm, lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk đánh giá cao hiệu quả của Chương trình 135 và cho rằng, việc phân bổ 1 tỉ đồng/ xã/ năm từ trước đến nay không còn phù hợp nữa. Vì vậy, cần tăng mức đầu tư để cho ra tấm, ra món.
Còn theo ông Hoàng Xuân Thành, chuyên gia tư vấn, bên cạnh việc đẩy mạnh thực hiện cơ chế phân cấp - trao quyền phải tích hợp chính sách, tập trung nguồn lực với phương châm lấy thôn, bản làm trung tâm. Ưu tiên hỗ trợ mạnh hơn cho các địa bàn khó khăn nhất, dễ tổn thương nhất (theo hướng giảm phạm vi địa bàn) tăng nguồn lực hỗ trợ cho từng thôn, bản, nhất là nguồn lực phát triển sinh kế, ứng phó với biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai.
Thu Hằng