Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:10 GMT+7

Đầu tư phát triển giao thông nông thôn, miền núi

Biên phòng - Ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Bảo trì Tổng Cục đường bộ Việt Nam (TCĐBVN) cho biết, từ nguồn vốn của Quỹ bảo trì đường bộ, TCĐBVN đến nay đã sửa chữa trên gần 77.000 m2 mặt đường; khắc phục trên 1.000 cây cầu yếu, xử lý trên 600 điểm đen, điểm mất an toàn giao thông; bổ sung, thay thế trên 13.000 biển báo hiệu đường bộ; sửa chữa cải tạo 137.000 m cống và 1.372.410 m rãnh thoát nước; gia cố lề, mở rộng hơn 1.000 km mặt đường 3,5 - 5 m thành mặt đường đường lớn hơn 5,5 m.

Cầu Mã Pì Lèng (Hà Giang) mới được nâng cấp, hoàn thành. Ảnh: CTV

Cũng theo thống kê của TCĐBVN, trước khi thành lập Quỹ, năm 2012, hệ thống đường bộ Việt Nam có tổng chiều dài gần 280.000 km. Trong đó, hàng chục nghìn km quá hạn, chưa được đầu tư do thiếu vốn. Nhiều tuyến đường đường hẹp, bán kính đường cong nhỏ, mặt đường không êm thuận, số lượng cầu yếu, tải trọng thấp, chưa đồng bộ với cấp đường còn nhiều. Khi Quỹ Bảo trì đường bộ đi vào hoạt động, ngân sách Trung ương và ngân sách các địa phương được chia sẻ khó khăn, giảm gánh nặng cho ngân sách trong việc cân đối bảo trì.

Cùng với đó, hệ thống giao thông ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo hiện vẫn còn nhiều khó khăn; cả nước còn 13 xã chưa có đường ô tô đi đến trụ sở UBND xã; 101 xã có đường ô tô đến trụ sở UBND xã nhưng không đi lại được 4 mùa; nhiều xã đường đến trụ sở UBND chưa được cứng hóa lớp mặt, nên việc đi lại còn khó khăn, nhất là trong mùa mưa lũ. Nguyên nhân là do các địa phương có địa hình khó khăn, nguồn lực của Nhà nước đầu tư và bảo trì hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu.

Theo ông Lê Hồng Điệp, giai đoạn 2021-2025, Bộ Giao thông vận tải đưa ra mục tiêu có trên 85% số xã đạt tiêu chí chuẩn về giao thông theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; hoàn thành việc xây dựng đường ô tô từ huyện đến trung tâm 13 xã còn lại; nâng tỷ lệ cứng hóa đường huyện đạt trên 90%, các loại đường từ đường xã trở xuống đạt trên 85% trên cả nước.

Bên cạnh nguồn vốn Quỹ Bảo trì đường bộ đã được hòa vào ngân sách Nhà nước, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục ưu tiên nguồn vốn trong nước và kêu gọi nguồn vốn ODA để đầu tư, tài trợ các địa phương trong quản lý, đầu tư phát triển giao thông nông thôn, miền núi.

P.V

Bình luận

ZALO