Biên phòng - Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), lao vẫn là một trong những căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao trên thế giới. Mỗi ngày có gần 28.000 người mắc và hơn 4.100 người tử vong vì bệnh lao. Số ca tử vong vì bệnh lao đã tăng lần đầu tiên vào năm 2020 sau hơn một thập kỷ được kiềm chế.

Việt Nam hiện là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Hàng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, có nghĩa là có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện và hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo trong cộng đồng.
Đặc biệt, báo cáo WHO năm 2020, tại Việt Nam có hơn 172.000 người đã mắc bệnh và 10.400 người chết vì bệnh lao. Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc; 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động.
Theo các chuyên gia y tế, kể từ năm 2000, với những nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại bệnh lao, ước tính khoảng 66 triệu người đã được chữa khỏi. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã đảo ngược nhiều năm tiến bộ đạt được trong cuộc chiến chấm dứt bệnh lao. Việc giảm khả năng tiếp cận với chẩn đoán và điều trị lao đã dẫn đến gia tăng số ca tử vong do lao. Ước tính năm 2020 có 1,3 triệu ca tử vong do lao và 214.000 ca ở những người dương tính với HIV.
Đại dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động phòng, chống lao của Việt Nam khi số người tới các cơ sở y tế phát hiện lao giảm mạnh, nhiều địa phương đã chuyển công năng bệnh viện chuyên khoa lao và bệnh phổi sang điều trị Covid-19, người bệnh lao không biết đến đâu để chẩn đoán, phát hiện, điều trị, làm gia tăng nguồn lây lao trong cộng đồng, tăng số người mắc và tử vong...
Kinh nghiệm từ việc đầu tư lớn vào nghiên cứu Covid-19, mang lại các loại vaccine và phương pháp điều trị hiệu quả, chính là nguồn cảm hứng cho cuộc chiến chống lại bệnh lao. Bởi vậy, WHO nhấn mạnh, cần đầu tư khẩn cấp để phát triển, mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ, công nghệ mới nhằm ngăn ngừa, phát hiện và điều trị bệnh lao, đặc biệt là bào chế các loại vaccine mới phòng lao.
Thực tế, vaccine BCG phòng lao đã có tuổi đời hàng thế kỷ. Do vậy, một vaccine mới sẽ đóng vai trò quan trọng. Hiện có 9 loại vaccine tiềm năng đang được nghiên cứu và phát triển cùng một loại vaccine mRNA khác đang được điều chế.
Muốn vậy, thế giới cần thêm khoảng 1,1 tỷ USD cho công tác nghiên cứu và phát triển các phương pháp chẩn đoán, điều trị, phòng ngừa bệnh lao. Có như vậy mới có thể cứu sống hàng triệu người trên thế giới mỗi năm, cũng như giảm đáng kể các thiệt hại về kinh tế do bệnh lao gây ra.
Thế nên, Ngày Thế giới phòng, chống lao năm 2022 trên toàn cầu nhấn mạnh chủ đề “Invest to end TB. Save lives” (Đầu tư nguồn lực để chấm dứt bệnh lao, cứu sống nhiều người), xác định nhu cầu cấp thiết hiện nay là tập trung mọi nguồn lực đầu tư nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống bệnh lao với các cam kết mạnh mẽ từ các nhà lãnh đạo toàn cầu. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến tiến trình chấm dứt bệnh lao bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hiện, tỷ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức trên 90% với bệnh nhân lao mới, xấp xỉ 70% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn. Các công nghệ mới, thuốc mới, tiếp cận mới trên thế giới đã được áp dụng hiệu quả cao tại Việt Nam, ngay cả với lao đa kháng và siêu kháng thuốc.
Vì vậy, đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của hơn 10.000 người một năm hiện nay và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao, để người dân Việt Nam được sống trong môi trường không còn bệnh lao.
Thanh Thảo