Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 03/10/2023 07:10 GMT+7

Đầu tư hình ảnh đẹp dành cho phụ nữ làng nghề

Biên phòng - Cuộc thi trực tuyến “Phụ nữ Việt Nam và làng nghề” với những hình ảnh, khoảnh khắc bình dị, đời thường của người phụ nữ các vùng thôn quê nhưng lại thu được ấn tượng bất ngờ. Được phát động chỉ vẻn vẹn vài tháng và cho đến tháng 8-2021, Ban Tổ chức cuộc thi đã có trong tay một tập hợp dày dặn những tác phẩm ghi hình về đề tài hấp dẫn này.

Phụ nữ dân tộc Thái ở Mộc Châu, Sơn La dệt vải thổ cẩm thủ công. (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). Ảnh: TTH

Dự án EWA (Empower Women Asia) thuộc tổ chức Keep it Beatiful Vietnam (KIBV), một tổ chức phi lợi nhuận hành động vì quyền lợi của phụ nữ đã phát động cuộc thi sáng tác các video, ảnh và nhóm ảnh về đề tài cuộc sống của phụ nữ Việt Nam trong các làng nghề truyền thống.

Ngoài ra, Tổ chức quốc tế KIBV hướng đến mục tiêu giúp phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số tại các làng nghề dệt của Việt Nam nâng cao kỹ năng, kiến thức và lợi thế cạnh tranh trong sản xuất các sản phẩm dệt may bền vững, giúp họ có thể kiếm sống bằng chính giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Việc bảo tồn các làng nghề phụ thuộc rất lớn vào ương lai của phụ nữ và trẻ em gái.

Vậy nên, để khuếch trương vai trò của phụ nữ, tôn vinh hình ảnh đẹp trong lao động và gắn với yếu tố văn hóa tạo nên sự hấp dẫn của các sản phẩm truyền thông. Nhờ yếu tố này, cuộc thi đã thu được nhiều sản phẩm nghệ thuật có chất lượng, vừa mang tính quảng bá, vừa có ý nghĩa xã hội rất đáng kể.

Mặt khác, cuộc thi được diễn ra trên nền tảng trực tuyến và vào thời điểm giãn cách xã hội chống dịch Covid-19 tại Việt Nam từ tháng 5 đến tháng 8-2021 nên đã thu hút rất nhiều nhiếp ảnh gia, giới trẻ, hội nhóm đam mê nhiếp ảnh, phim ngắn, video nghệ thuật, MV ca nhạc… tham gia. Họ có thời gian học hỏi trên mạng, tìm kiếm thông tin và chế tác video, sản phẩm âm thanh, hình ảnh trên nền những tư liệu có sẵn đã được quay chụp tại các làng nghề vào lúc các làng nghề bước chân vào phục hồi nghề truyền thống, làm du lịch cộng đồng và tham gia vào các dự án hỗ trợ bảo tồn văn hóa từ nhiều nguồn khác nhau.

Sự hoạt động đáp ứng thị trường mới một cách mạnh mẽ, mang lại sức sống cho các làng nghề và bản thân phụ nữ, trẻ em gái tại các làng nghề đó cũng có cuộc sống thay đổi, tâm lý ổn định và tự tin hơn trước. Điều này có thể tránh cho các địa phương khỏi nạn di cư, tảo hôn... Các nghiên cứu đều cho thấy, tỉ lệ các trẻ em gái càng có học thức, có việc làm và có hiểu biết nhiều hơn thì tỉ lệ tảo hôn càng ít đi, không cần phải chống mà vẫn giảm.

Khi cuộc thi “Phụ nữ Việt Nam và làng nghề” khép lại, cũng là lúc các chiến dịch truyền thông về vai trò của phụ nữ trong bảo tồn văn hóa làng nghề truyền thống được lan tỏa rộng rãi hơn, các sản phẩm dự thi được ra mắt đến đông đảo công chúng. Đằng sau các thước phim đẹp là nỗ lực truyền tải tình cảm, sự nâng đỡ của cả xã hội đối với bàn tay nghệ nhân, sự nỗ lực không ngừng nghỉ của thế hệ các bà, các mẹ, rồi đến các chị gái, em gái trong các gia đình, cộng đồng, dòng họ ở làng nghề.

Hàng trăm tác phẩm dự thi từ khắp mọi miền đất nước thể hiện sự phong phú, đa dạng của các làng nghề, màu sắc thổ cẩm các dân tộc hiện lên như một bức tranh đa sắc, đa phong cách. Phải kể đến các video được giải cao nhất của cuộc thi ghi lại cuộc sống của: Làng nghề thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp, Làng nghề bánh đa cua Hải Phòng, Làng quạt Chàng Sơn, Làng nón Chuông, Làng chuồn chuồn tre Thạch Xá... được ví như các hồ sơ thu gọn bằng hình ảnh của một làng nghề truyền thống. Trên trang web của dự án phát triển hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái các làng nghề, Ban tổ chức cuộc thi bày tỏ sự vui mừng khi các tác giả, nhà hoạt động nghệ thuật, những nhân vật có tầm ảnh hưởng tới cộng đồng và nhiều cá nhân, tổ chức xã hội đã chung tay với họ để lan tỏa ý nghĩa cuộc thi.

Hơn thế nữa, cuộc thi thể hiện được tinh thần vì cộng đồng, trân trọng tinh hoa văn hóa Việt thông qua làng nghề truyền thống. Một lần nữa, nghệ thuật lên tiếng về nhu cầu chính đáng được làm giàu, được phát triển nghề truyền thống bằng chính tài năng và vốn quý của văn hóa dân tộc. Vì tác phẩm truyền thông bằng hình ảnh rất dễ truyền tải nghệ thuật hình ảnh, sự lung linh của màu sắc, ánh sáng, kỹ thuật xử lý hình ảnh, âm thanh nên hình ảnh phụ nữ trong lao động được tôn vinh như những “nữ hoàng” trong không gian thuộc về họ, chỉ họ hiểu và họ nắm bắt kỹ thuật nhuộm, dệt, cắt may vải, làm đồ thủ công mỹ nghệ, với bàn tay khéo léo và vóc dáng, nụ cười, gương mặt Á Đông đặc trưng, thu hút. “Và đương nhiên, bản thân phụ nữ đã có quyền lực về sắc đẹp và thái độ tự tin trong lao động truyền thống rồi. Nhiệm vụ của truyền thông hình ảnh là ghi lại một cách sắc nét, nghệ thuật và đong đầy cảm xúc mà thôi” - một tác giả đoạt giải chia sẻ.

Tuy nhiên, cuộc thi này mới chỉ là một ví dụ về cuộc sống của phụ nữ trong môi trường làng nghề truyền thống. Đối với rất nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ của Việt Nam, phụ nữ chính là những người nắm giữ tinh hoa của nghề. Mà nghề là nền móng xây nên làng mạc, chòm xóm; nghề làm ra hàng hóa; nghề là yếu tố quan trọng làm nên nông thôn mới; nghề là cái neo giữ gìn văn hóa truyền thống. Du lịch, nông thôn mới, chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) đều đang hướng đến việc phát triển làng nghề nhưng lộ trình phát triển chưa thực sự coi trọng yếu tố quảng bá và giới thiệu sản phẩm. Nền tảng Internet trực tuyến là sân chơi để cho nghệ thuật trình diễn và đằng sau đó là mục tiêu kinh tế, xã hội. Đây là xu hướng truyền thông mới và dễ đạt được hiệu quả tốt, nhất là đối với quảng bá các sản phẩm văn hóa.

Thúy Hằng

Bình luận

ZALO