Biên phòng - Chia sẻ khó khăn với học sinh nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số biên giới là việc làm tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa nhân văn to lớn, góp phần nâng cao dân trí, tăng cường đoàn kết, gắn bó giữa BĐBP với bà con các dân tộc trong việc xây dựng thế trận biên phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc ở khu vực biên giới. Với ý nghĩa đó, từ năm 2014, lực lượng BĐBP đã nhận đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên biên giới, biển đảo qua Chương trình "Nâng bước em tới trường" như một sự đầu tư cho tương lai.
Chăm dưỡng những "chồi non"
Vượt qua quãng đường dài, từ sáng sớm đến cuối buổi chiều, Thiếu tướng Lê Như Đức, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP mới tới được Đồn BP Quang Chiểu, Mường Lát, Thanh Hóa, nơi có hai cậu học trò nghèo người Mông đang chờ đón. Đó là Tặng Văn Xụ và Tặng Văn Lầu, học sinh trường Trung học cơ sở (THCS) Quang Chiểu. Với hai em, Thiếu tướng Lê Như Đức như một người thân đi xa mới về. Bởi lẽ cả hai đều đã nhận được sự giúp đỡ kịp thời của Thiếu tướng trong lúc khó khăn nhất.
Tặng Văn Xụ hiện đang là học sinh lớp 9, trường THCS Quang Chiểu, Mường Lát, Thanh Hóa. Không may mắn như nhiều bạn học đồng lứa, em mồ côi cha mẹ từ nhỏ nên ông bà ngoại phải nuôi dưỡng. Ông bà của Xụ đều đã già, ruộng nương lại ít nên năm nào cũng bị thiếu đói, nhất là những tháng giáp hạt. Sống trong cảnh bữa đói, bữa no, việc học của Xụ bấp bênh như con thuyền nan giữa sóng cả.
Gia cảnh của cậu học trò nghèo lớp 8 Tặng Văn Lầu cũng vô vàn khó khăn. Bố em phải chịu án tù do liên quan đến việc buôn bán, vận chuyển ma túy. Em sống cùng mẹ trong cảnh thiếu ăn triền miên. Đói ăn, thiếu mặc khiến Xụ và Lầu đứng trước nguy cơ phải bỏ học giữa chừng. Thấu hiểu những khó khăn trong cuộc sống cũng như ước mơ được học tập của hai cậu học trò nghèo này, từ năm 2016, Thiếu tướng Lê Như Đức đã nhận đỡ đầu Xụ và Lầu. Đồng chí đã thăm hỏi tình hình học tập, cuộc sống của các em và căn dặn các em tiếp tục rèn luyện, học tập tốt. Ngoài ra, còn tặng mỗi em 6 triệu đồng để hai em có điều kiện học tập.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, bên cạnh sự hỗ trợ kinh phí của Thiếu tướng Lê Như Đức, chỉ huy Đồn BP Quang Chiểu còn thường xuyên tới thăm hỏi, giúp đỡ gia đình em Xụ và Lầu. Ngoài ra, đơn vị còn nhận đỡ đầu 4 em học sinh khác, trong đó có 2 học sinh nước bạn Lào cho tới khi học hết Trung học phổ thông. Hằng tháng, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) của đơn vị đều trích tiền lương, phụ cấp của mình để hỗ trợ mỗi em học sinh 500.000 đồng.
Tiếp sức 2.844 học sinh tới trường
Trong chuyến công tác tại Quảng Nam, chúng tôi may mắn được cùng những người lính Đồn BP Ga Ry vượt rừng tới thăm bà con bản A Bưn, cụm 6, huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, Lào. Dù đường đi lại hiểm trở, khó khăn, nhưng CBCS Đồn BP Ga Ry thường xuyên tới thăm, hỗ trợ vật chất và tinh thần cho bà con trong bản. Nhờ đó, tình đoàn kết, hữu nghị giữa đơn vị với bà con bản A Bưn ngày càng bền chặt. Điều đặc biệt là CBCS Đồn BP Ga Ry đã nhận đỡ đầu một học sinh nghèo trong bản. Đó là Zơ Râm Nhay, cậu học trò lớp 1 có nước da đen nhẻm với đôi mắt rất sáng.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Cơ Lâu Nhâm, Trưởng bản A Bưn chia sẻ: "Cán bộ Đồn BP Ga Ry thường tới thăm, tặng lương thực, thực phẩm, quần áo, thuốc men cho bà con trong bản. Các anh ấy còn nhận đỡ đầu học sinh của bản. Chúng tôi rất cảm động trước tình cảm của BĐBP Việt Nam".
Zơ Râm Nhay là một trong số rất nhiều học sinh người Lào sinh sống ở sát biên giới được lực lượng BĐBP Việt Nam nhận đỡ đầu. Theo tìm hiểu của chúng tôi, thực hiện Chương trình "Nâng bước em tới trường", đến hết tháng 1-2017, lực lượng BĐBP đã nhận đỡ đầu 2.844 em học sinh, trong đó có 73 em học sinh nước bạn Lào, 88 học sinh nước bạn Campuchia. Trong số các em học sinh được các đơn vị BĐBP đỡ đầu có 415 em mồ côi, nhiều em mồ côi cả cha lẫn mẹ, 19 em học sinh được nuôi dưỡng tại đồn BP.
Mỗi em học sinh được BĐBP đỡ đầu sẽ nhận được khoản kinh phí hỗ trợ 500.000 đồng/tháng cho tới khi học hết Trung học phổ thông. Số tiền này hoàn toàn do các CBCS trích từ số tiền lương và phụ cấp ít ỏi của mình. Các đơn vị tiêu biểu trong thực hiện Chương trình "Nâng bước em tới trường" là: BĐBP Kiên Giang nhận đỡ đầu 100 em, vượt chỉ tiêu 28 em; BĐBP TP Hồ Chí Minh nhận đỡ đầu 61 em, vượt chỉ tiêu 19 em; BĐBP Hà Giang nhận đỡ đầu 51 em, vượt chỉ tiêu 7 em; BĐBP Lào Cai nhận đỡ đầu 63 em, vượt chỉ tiêu 13 em…
Từ khi triển khai thực hiện chương trình, đã xuất hiện nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả như: BĐBP Phú Yên xây tặng công trình "Sân trường cho em", BĐBP Sơn La khánh thành công trình "Mái ấm nâng bước em tới trường" tạo chỗ ăn nghỉ riêng biệt cho các em học sinh được nuôi dưỡng tại đơn vị. Ngoài ra, BĐBP Sơn La còn cử cán bộ công tác địa bàn kèm cặp, hướng dẫn các cháu học sinh của trường nội trú ôn tập bài.
Đặc biệt, BĐBP Gia Lai và Sơn La đã duy trì "Bữa ăn nghĩa tình" giúp đỡ các cháu học sinh nghèo trên địa bàn biên giới khó khăn. Chúng tôi được biết, CBCS Đồn BPCK Lóng Sập, BĐBP Sơn La đã bớt phần ăn của mình để giúp đỡ cho bữa ăn của các em học sinh điểm trường Buốt Pát, một trong những bản khó khăn nhất xã Lóng Sập. "Nhờ có bữa ăn của cán bộ, chiến sĩ Đồn BPCK Lóng Sập hỗ trợ, điểm trường Buốt Pát luôn duy trì sĩ số 100% và không còn tình trạng hoc sinh bỏ học giữa chừng. Tôi trân trọng cảm ơn, ghi nhận và đánh giá cao những nghĩa cử cao đẹp, những tình cảm quý báu của CBCS BĐBP đã dành cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã Lóng Sập nói chung và các em học sinh điểm trường Buốc Pát nói riêng" - Ông Trương Hoa Bắc, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, Sơn La chia sẻ.
Bên cạnh hỗ trợ vật chất thường xuyên, một số đơn vị BĐBP còn tổ chức cho các em tham gia các hoạt động văn hóa tinh thần bổ ích như trường Trung cấp 24 Biên phòng tổ chức cho các em được đỡ đầu viếng Lăng Bác và tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh. BĐBP TP Hồ Chí Minh tặng quà, cặp sách và dụng cụ học tập cho các em được đỡ đầu…
Có thể thấy, Chương trình "Nâng bước em tới trường" đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của CBCS trong lực lượng BĐBP. Kết quả thực hiện chương trình cho thấy, dù giá trị vật chất không lớn nhưng với tinh thần chia sẻ yêu thương, những người lính Biên phòng đã tạo động lực cho những chủ nhân tương lai của đất nước có cơ hội được học tập, vươn lên, trở thành công dân tốt.
Bích Nguyên