Biên phòng - Trong giai đoạn hiện nay, nước ta thực hiện chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực. Đây cũng là dịp để nước ta nắm bắt được nhiều thời cơ, vận hội mới để phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng cũng chính từ môi trường này đã nảy sinh nhiều khó khăn và thách thức lớn đối với công tác phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm về ma túy nói riêng.

Còn nhiều thách thức
Những năm gần đây, hoạt động của bọn tội phạm ma túy ở nước ta có chiều hướng gia tăng và hành động vô cùng liều lĩnh. Tình trạng mua bán, vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam và ngược lại vẫn diễn biến hết sức phức tạp, nhất là tuyến biên giới đường bộ và tuyến đường biển, đường hàng không. Vì vậy, cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy (TPMT) trong thời kỳ hội nhập quốc tế gặp không ít khó khăn, thách thức lớn đối với các lực lượng chức năng.
Theo đánh giá của lực lượng phòng chống ma túy và tội phạm của BĐBP thời gian gần đây, hoạt động của TPMT có chiều hướng gia tăng cả về số vụ, số đối tượng phạm tội và lượng ma túy thu giữ. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phạm tội về ma túy ngày càng tinh vi, xảo quyệt và thường xuyên thay đổi địa điểm nhằm trốn tránh pháp luật, khi bị phát hiện, bắt giữ, chúng sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng chống trả lực lượng chức năng để tẩu thoát, thậm chí tự sát để bịt đầu mối.
Theo Đại tá Từ Quốc Lệ, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP: "Khi nước ta hội nhập quốc tế thì công tác phòng, chống TPMT có những cơ hội thuận lợi để triển khai thực hiện như: Hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng chức năng các nước bạn, mở rộng các hoạt động nghiệp vụ đấu tranh phòng, chống TPMT từ bên ngoài, tăng cường công tác nắm tình hình chủ động phòng ngừa, tấn công bóc gỡ, triệt phá các đường dây TPMT xuyên quốc gia. Nước ta có điều kiện mở rộng quan hệ hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế trong phòng chống TPMT".
Tuy nhiên, hội nhập quốc tế cũng làm cho tình hình TPMT ở nước ta phức tạp hơn, tạo áp lực lớn và tác động trực tiếp đến tình hình an ninh trật tự trong nước. Vì vậy, Việt Nam rất dễ trở thành địa bàn trung chuyển ma túy đi nước thứ 3. Bên cạnh đó, lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế, các tổ chức, đường dây TPMT có yếu tố nước ngoài sẽ tiếp tục gia tăng và liên quan chặt chẽ với các loại tội phạm khác như tội phạm lợi dụng công nghệ cao, phương tiện thông tin liên lạc hiện đại liên lạc móc nối với nhau để hoạt động.
Nâng cao công tác phối hợp
Chính phủ Việt Nam rất coi trọng việc hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống TPMT bằng việc tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác song phương, đa phương với các nước, các tổ chức phi Chính phủ, đặc biệt với sự hỗ trợ của Tổ chức phòng, chống tội phạm và ma túy của Liên hợp quốc (UNODC), với các nước tiểu vùng sông Mê Kông và với các quốc gia có chung đường biên giới...
Bên cạnh đó, lực lượng chuyên trách đã triển khai đồng bộ, toàn diện nhiều kế hoạch nghiệp vụ và biện pháp đấu tranh phòng, chống TPMT thu được nhiều kết quả quan trọng. Cuộc đấu tranh cam go phức tạp với TPMT của lực lượng chức năng đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành, huy động được nhiều nguồn lực xã hội, động viên được đông đảo nhân dân tham gia.
Trong đó, chú trọng công tác phòng ngừa mà điển hình là phong trào "Toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm ở địa bàn dân cư" được triển khai sâu rộng, gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đã mang lại hiệu quả rõ nét, góp phần ngăn ngừa tội phạm ngay từ cơ sở. Các lực lượng chuyên trách tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp mở nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp TPMT trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, triển khai phương án, chủ động mở rộng điều tra, tăng cường công tác phối hợp với các nước láng giềng có chung đường biên giới để đấu tranh phòng ngừa từ xa. Kết quả, hàng trăm đường dây mua bán, vận chuyển ma túy đã được triệt phá, bóc gỡ, thu giữ hàng chục tấn ma túy.
Dự báo thời gian tới, TPMT ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới có xu hướng gia tăng và nhiều diễn biến phức tạp khó lường. Tính chất hoạt động của chúng ngày càng nguy hiểm, có tổ chức với mạng lưới xuyên quốc gia và sử dụng công nghệ cao. Đứng trước những thời cơ và thách thức, công tác đấu tranh phòng chống TPMT thời kỳ hội nhập quốc tế đã đặt ra nhiều mục tiêu mới trong chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời các tình huống, không để bị động bất ngờ.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp giữa lực lượng chức năng các nước có chung đường biên giới, mở rộng điều tra, nâng cao sức chiến đấu của lực lượng đấu tranh phòng, chống TPMT, đảm bảo phòng ngừa, ngăn chặn loại tội phạm nguy hiểm này từ ngoài biên giới thâm nhập vào Việt Nam, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Để đạt được mục tiêu đó, Đại tá Từ Quốc Lệ cho biết thêm: "Trong thời gian tới, lực lượng phòng chống TPMT trong BĐBP cần nâng cao trình độ nghiệp vụ, đáp ứng kịp thời yêu cầu tình hình và nhiệm vụ mới; tổ chức thực hiện có hiệu quả các đợt cao điểm tấn công, trấn áp TPMT từ bên ngoài, tập trung đánh mạnh các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, xuyên quốc gia, các tụ điểm ma túy phức tạp; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa BĐBP với các lực lượng chức năng trong nước, nhất là các lực lượng chức năng đấu tranh phòng, chống TPMT ở khu vực biên giới, cửa khẩu và trên biển. Đồng thời, tăng cường công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống TPMT với các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước có chung đường biên giới với Việt Nam...".
Lê Đồng