Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:08 GMT+7

Đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm trên địa bàn biên giới

Biên phòng - Năm 2017, lực lượng chuyên trách phòng chống ma túy và tội phạm của BĐBP đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để đạt được những thành tích đó có một phần đóng góp không nhỏ của nhân dân khu vực biên giới. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Ngô Thái Dũng, Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP.

9wgq_14a
Thiếu tướng Ngô Thái Dũng. Ảnh: Mai Anh

PV: Xin Thiếu tướng cho biết, diễn biến của tội phạm ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là pháo nổ trong thời điểm hiện nay?

Thiếu tướng Ngô Thái Dũng: Về tình hình tội phạm ma túy, các đường dây, ổ nhóm sản xuất ma túy tại Trung Quốc có dấu hiệu chuyển hướng hoạt động sang khu vực Tam giác vàng (không loại trừ các đối tượng núp bóng các doanh nghiệp đang hoạt động tại khu vực này để sản xuất ma túy tổng hợp giá rẻ với số lượng lớn). Điều này đã làm gia tăng các hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy trên tuyến Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia. Chúng đã sử dụng nhiều phương thức mới để liên lạc, mua bán, vận chuyển ma túy từ Lào qua Tây Nguyên ra phía Bắc hoặc từ Lào sang Cam-pu-chia, sau đó mới vào Việt Nam. Chúng còn ngụy trang ma túy dưới dạng các thực phẩm chức năng... để tránh bị lực lượng chức năng phát hiện.

Trên khu vực biên giới đất liền, các đối tượng tăng cường móc nối với đối tượng ở ngoại biên thiết lập các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy qua biên giới với quy mô lớn vào Việt Nam hoặc qua nước thứ 3 để tiêu thụ. Đáng chú ý, các toán, nhóm vận chuyển ma túy có vũ trang qua biên giới huyện Mộc Châu và Vân Hồ của tỉnh Sơn La không hoạt động công khai, manh động như trước, nhưng vẫn ngấm ngầm hoạt động trở lại.

HMột số đối tượng ở biên giới phía Bắc, Tây Nguyên móc nối với đối tượng phía Nam thiết lập đường dây mua bán, vận chuyển ma túy tổng hợp liên tuyến, liên tỉnh để đưa vào một số tỉnh miền Nam, nhất là thành phố Hồ Chí Minh. Hoạt động tái trồng cây thuốc phiện về cơ bản đã được ngăn chặn, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái trồng trên địa bàn một số tỉnh Tây Bắc và cây cần sa ở một số tỉnh Tây Nam bộ. Trên địa bàn tuyến biển, nổi lên hoạt động vận chuyển chất ma túy (lá khát, hoa cần sa) bằng đường biển với số lượng lớn từ khu vực Trung Đông vào Việt Nam để đi nước thứ 3; đồng thời, hoạt động mua bán, sử dụng ma túy dạng cỏ Mỹ vẫn tiếp diễn, trọng điểm là các thành phố, khu du lịch ven biển.

Các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới có chiều hướng gia tăng, nhất là vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán, trong đó có các mặt hàng cấm như pháo nổ, pháo hoa... Những năm qua, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tăng cường công tác chỉ huy, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc mở các cao điểm tấn công trấn áp tội phạm theo chuyên đề, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng ở khu vực biên giới tổ chức đấu tranh, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép pháo nổ.

Tuy nhiên, do phía Trung Quốc không cấm sản xuất và kinh doanh, sử dụng pháo; mặt khác, nhu cầu sử dụng pháo nổ, pháo hoa vào dịp Tết Nguyên đán của một số người dân Việt Nam vẫn còn, xuất phát từ lợi nhuận cao nhờ buôn lậu pháo nổ nên các đối tượng vẫn lén lút mua bán, vận chuyển pháo từ nước ngoài (chủ yếu từ Trung Quốc) vào Việt Nam, đặc biệt những năm gần đây, hoạt động này xuất hiện trên tất cả các tuyến biên giới. Từ đầu năm đến nay, lực lượng BĐBP đã độc lập bắt giữ trên 3 tấn pháo nổ, pháo hoa, nguồn chủ yếu từ Trung Quốc.

PV: Trước diễn biến phức tạp của các loại tội phạm ở biên giới, đề nghị Thiếu tướng cho biết, lực lượng phòng chống tội phạm BĐBP đã có phương án, giải pháp gì để đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm này?

Thiếu tướng Ngô Thái Dũng: Bộ Tư lệnh BĐBP đã xây dựng kế hoạch, phương án tấn công tội phạm trong đợt cao điểm dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018. Thực hiện kế hoạch của Bộ Tư lệnh, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP) đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện các nội dung trọng điểm sau: Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chương trình của Chính phủ, Bộ Quốc phòng và các Ban Chỉ đạo 138/CP, 389 Quốc gia, 1389 Bộ Quốc phòng; chỉ lệnh, kế hoạch của Bộ Tư lệnh và Ban Chỉ đạo 1389 Bộ Tư lệnh BĐBP về công tác PCMT&TP.

Triển khai đồng bộ các mặt công tác nghiệp vụ phòng, chống ma túy và tội phạm, lấy biện pháp trinh sát PCMT&TP làm mũi nhọn, kết hợp chặt chẽ với các biện pháp công tác biên phòng khác như: Vận động quần chúng, tuần tra vũ trang, kiểm soát hành chính... quản lý chặt chẽ địa bàn, đối tượng, chủ động xác lập các chuyên án đấu tranh ngăn chặn tội phạm ở khu vực biên giới. Chú trọng công tác nghiên cứu, tổng hợp, phát hiện những phương thức, thủ đoạn mới của các loại tội phạm để chủ động tham mưu đề xuất chủ trương, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh đạt hiệu quả.

Lực lượng PCMT&TP BĐBP phải chủ động phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương, đặc biệt với lực lượng Công an, Hải quan và Cảnh sát Biển trong đấu tranh chống tội phạm. Hợp tác chặt chẽ với lực lượng chức năng của các nước láng giềng trong phòng, chống tội phạm, đặc biệt với Lào để triển khai các hoạt động nghiệp vụ ở ngoại biên. Thường xuyên quan tâm chỉ đạo lực lượng PCMT&TP làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, động viên cán bộ, chiến sĩ an tâm công tác, khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ. Chỉ đạo tổ chức các đợt huấn luyện nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, pháp luật cho lực lượng PCMT&TP, đồng thời tham mưu, đề xuất Bộ Quốc phòng quan tâm mua sắm, trang cấp vũ khí, trang bị nghiệp vụ phục vụ đấu tranh chống tội phạm. Chỉ đạo động viên khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong đấu tranh chống tội phạm.

PV: Trong các chiến công của BĐBP đều có sự giúp sức hiệu quả của nhân dân trên các tuyến biên giới, Thiếu tướng có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?

Thiếu tướng Ngô Thái Dũng: Để ngăn chặn, đẩy lùi ma túy và các loại tội phạm ra khỏi đời sống xã hội phải có sự chung tay của các cấp, các ngành và của toàn xã hội; sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng chức năng trong nước, ngoài nước, cấp ủy, chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, có sự giúp đỡ rất to lớn và hiệu quả của nhân dân 2 bên biên giới, đây là một yếu tố quan trọng góp phần mang lại thắng lợi trong cuộc đấu tranh phòng chống ma túy và các loại tội phạm hiện nay.

Xuất phát từ công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân, đã thúc đẩy phong trào quần chúng tích cực tham gia tố giác, đấu tranh với tội phạm bằng những hành động cụ thể như: Nhân dân là “tai mắt” phát hiện các đối tượng phạm tội trên địa bàn, qua đó phản ánh vào hộp thư “Tố giác tội phạm”. Nhiều đối tượng phạm tội, nhiều đường dây, ổ nhóm bị lộ diện do nhân dân tố giác, điều này đã góp phần to lớn cho công tác đấu tranh, triệt xóa các băng nhóm tội phạm. Nhân dân biên giới cùng với BĐBP tuyên truyền sâu rộng kiến thức pháp luật để mọi người nâng cao cảnh giác, không bao che, tiếp tay cho tội phạm, đồng thời vận động những người thân trong gia đình có hành vi phạm tội, hay những đối tượng phạm tội ra đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.

Nhân dân khu vực biên giới là lực lượng đông đảo, nòng cốt trong xây dựng kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, đồng thời, cùng với BĐBP bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, đấu tranh phòng chống ma túy và các loại tội phạm, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn biên giới.

PV: Xin cảm ơn Thiếu tướng!

Mai Anh (Thực hiện)

Bình luận

ZALO