Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 28/03/2023 03:43 GMT+7

Đấu tranh hiệu quả với tội phạm mua bán người

Biên phòng - Thời gian qua, tội phạm mua bán người qua biên giới có nhiều phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi, phức tạp và vươn xa ra nhiều tỉnh, thành trong nước và cả nước ngoài. Điều đáng lo ngại là loại tội phạm này có sự cấu kết giữa các đối tượng trong nước và ngoài nước tạo thành đường dây hoạt động rất chặt chẽ và khép kín.

tdv1_15
Đối tượng Giàng Thị Tùng bị BĐBP Lào Cai bắt giữ ngày 30-9-2017 vì tội lừa bán người sang Trung Quốc. Ảnh: An Ninh

Theo đánh giá của Phòng phòng chống mua bán người, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP, năm 2017, hoạt động của loại tội phạm này trên các tuyến biên giới vẫn còn diễn biến phức tạp, một số địa bàn trọng điểm có xu hướng ngày càng gia tăng. Chúng liên kết chặt chẽ giữa các đối tượng trong và ngoài nước để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, phương thức, thủ đoạn hoạt động được, ngụy trang bằng nhiều hình thức tinh vi, xảo quyệt. Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em trong độ tuổi từ 15 đến 30, cư trú tại các bản làng vùng sâu, vùng xa, nhận thức về pháp luật còn hạn chế. Phần lớn nạn nhân bị lừa bán ra nước ngoài nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh mại dâm, gả bán làm vợ, bóc lột sức lao động....

Đáng chú ý, gần đây xuất hiện tình trạng môi giới đưa, dẫn người vượt biên ra nước ngoài để lao động bất hợp pháp, sau đó trở thành nạn nhân của các đường dây mua bán người tại nước ngoài, điều này đang gây khó khăn cho công tác điều tra, giải cứu nạn nhân của lực lượng chức năng. Với phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, các đối tượng đã móc nối, liên kết chặt chẽ với nhau để lừa đảo, tạo lòng tin, sau đó đón, dẫn nạn nhân qua các đường mòn, lối mở rồi bán qua biên giới. Chính điều này cũng đã gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình phát hiện, điều tra.

Thượng tá Nguyễn Văn Mận, Trưởng phòng Phòng chống mua bán người, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP cho biết: “Thời gian qua, tội phạm mua bán người diễn ra trên các tuyến biên giới, nhưng phức tạp nhất vẫn là tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc, đây là địa bàn trung chuyển nạn nhân từ khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước để đưa sang Trung Quốc. Các đối tượng thường lợi dụng các trang mạng xã hội, ngụy trang tên giả, địa chỉ giả để dụ dỗ, giả vờ yêu đương, rủ đi chơi, mua sắm tại các chợ giáp biên giới để lừa bán.

Với những nỗ lực trong đấu tranh với tội phạm mua bán người, trong năm 2017, lực lượng chức năng BĐBP đã phát hiện, chủ động xác lập đấu tranh thành công 8 chuyên án, thực hiện 42 kế hoạch nghiệp vụ, bắt giữ, xử lý 71 vụ với 47 đối tượng, giải cứu 211 nạn nhân.

Đặc biệt, gần đây, tình trạng vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê vẫn diễn ra phức tạp, xuất hiện nhiều đối tượng, đường dây môi giới, đưa người qua biên giới làm thuê, nhưng thực chất là lừa đảo nhằm bóc lột sức lao động (không trả lương) nhiều phụ nữ bị lôi kéo, lừa đảo trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.

Để đấu tranh hiệu quả với tội phạm này, đơn vị đã triển khai đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, tập trung biện pháp nghiệp vụ phòng, chống tội phạm nắm chắc diễn biến tình hình để phòng ngừa, chủ động xác lập chuyên án đấu tranh với các đường dây mua bán người. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng bảo vệ biên giới của các nước láng giềng, đồng thời tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân trên các tuyến biên giới”.

Để đấu tranh hiệu quả với tội phạm mua bán người, lực lượng chức năng BĐBP đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho nhân dân. Trong đó, tập trung vào nhóm phụ nữ có nguy cơ cao trở thành nạn nhân, giúp cho chị em có nhiều thông tin về phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người và các biện pháp phòng chống. Đối với các địa bàn vùng sâu, vùng xa, ngoài các giải pháp nêu trên, lực lượng chức năng BĐBP còn chủ động nắm chắc tình hình, hoạt động của loại tội phạm này, kịp thời có các giải pháp, biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý.

An Ninh

Bình luận

ZALO