Biên phòng - Nhờ có sự giúp đỡ của BĐBP Điện Biên, đoàn nhà văn chúng tôi sớm được giải quyết thủ tục "xuất ngoại" qua cửa khẩu Tây Trang. Vùng đất này được người ta biết đến nhiều là nhờ cụ Nguyễn Tuân. Cụ cứ lụm cụm, bền bỉ đi xe "căng hải" leo dốc chín tầng trời, rồi leo đèo Tằng Quái để đến ăn ở với Tây Trang, hiểu cặn kẽ bản Na Ư của người Mông và đã tiên lượng được sức nóng bỏng ma túy trên đường biên ngay bên nách Đồn BP Tây Trang anh hùng.
![]() |
Toàn cảnh cố đô Luang Phrabang, Lào. Ảnh: Mai Thắng |
Từ Tây Trang đến thủ phủ tỉnh U-đôm-xay đường khá ngon, khi còn tám mươi cây số để đến gần Luang Prabang thì đường hệt như trong bài thơ "Tiểu đội xe không kính" của nhà thơ Phạm Tiến Duật. Với tôi, đây là lần đầu tiên tôi đặt chân đến nước bạn Lào và cũng là lần đầu đến Luang Prabang. Qua một lần rẽ lạc, hỏi thăm đường, cuối cùng, phải đi thêm hai mươi cây số nữa đến tối mịt, chúng tôi mới đặt chân tới vùng đất thiêng Luang Prabang, cố đô của đất nước Lào.
Vòng vèo mãi cũng đến được một khách sạn nhỏ cạnh sông Mê Kông. Khi biết chúng tôi là đoàn nhà văn Việt Nam đi thực tế sáng tác, đồng thời muốn thăm lại những nơi mà nhà văn Nguyễn Đình Thi từng sống, ông chủ khách sạn còn rất trẻ hào hứng: "Ôi hay quá. Em cũng là người Việt Nam sang đây lập nghiệp. Em nghe các bác lãnh đạo Hội người Việt Nam ở Luang Prabang nói cố đô nước Lào rất trân trọng bác Thi. Ông Chủ tịch Hội người Lào gốc Việt, Hiệu trưởng một trường trung học khoe rằng, ở ngoại ô Luang Prabang, bên bờ sông Mê Kông vẫn lưu lại một ngôi nhà nhỏ là nơi ở của thân phụ, thân mẫu bác Thi".
Sau chặng đường vất vả, đêm đầu tiên trên đất cố đô nước Lào, thành phố du lịch Luang Prabang nổi tiếng, các bạn tôi chìm trong giấc ngủ. Riêng tôi vẫn nằm thao thức không sao ngủ được. Những ký ức về nhà văn Nguyễn Đình Thi - vị nhạc phụ nổi tiếng của tôi cứ nôn nao gọi về. Tôi nhớ căn hộ số 42, nhà C1, khu tập thể Trung Tự rộng hai mươi tám mét vuông ngăn làm hai buồng. Buồng ngoài mười tám mét, buồng trong mười mét.
Mùa thu năm 1984, nhà văn Nguyễn Đình Thi tròn sáu mươi tuổi. Ông bỏ ngôi nhà 182, phố Lò Đúc xuống ở với gia đình chúng tôi. Buổi đầu tiên ông đến nhà bằng chiếc xe đạp tôi mua ở Sài Gòn. Ông rất điềm tĩnh, nhưng thần thái khuôn mặt lại ẩn chứa một điều hệ trọng. Đôi mắt sáng nhìn rất sâu.
Ông ngồi xuống bộ bàn ghế đơn sơ kê sát cửa sổ buồng ngoài, bảo tôi: "Nhiều năm qua, đời bố có nhiều biến cố, bận bịu đến công việc lớn là sáng tác. Bố thầm quyết định là, năm tròn sáu mươi tuổi sẽ ra ở riêng, ở một mình. Một mình trong cái nghĩa hôn nhân. Bố ở thì các con vất vả hơn, gắng lên một chút, cũng là giúp bố". Tôi nhìn bố và vâng! Dứt khoát theo cách một người lính, khi đó tôi mang quân hàm Thiếu tá, làm việc ở Điện ảnh Quân đội.
Ông đi thẳng vào buồng trong, nơi đã có sẵn chiếc giường cá nhân đơn sơ và chiếc bàn viết tôi vẫn dùng. Tôi xách giúp ông chiếc va li nhỏ đã dùng nhiều năm, để gọn trong góc phòng. Ông nằm nghỉ, hai chân duỗi thẳng, hai tay đặt nhẹ trên ngực, đôi mắt buồn thẳm nhìn lên trần nhà lắp ghép.
Sau buổi tối đặc biệt đó ít ngày, thân mẫu nhà văn Nguyễn Đình Thi cũng đến ở với gia đình chúng tôi. Bà chỉ đem theo một cái túi vải to, bên trong đựng mấy bộ quần áo và ít đồ lặt vặt của người phụ nữ già. Bà nói không nỡ để người con trai yêu quý nhất, nổi tiếng nhất trong đàn con mười một người của bà phải ở một mình không có mẹ đỡ đần.
Chỉ ít ngày sau, bà đã kể cho tôi nghe đoạn đời đặc biệt. Gia đình cụ ông Nguyễn Đình Ngôn, cụ bà Nguyễn Thị Thịnh là gia đình công chức ngụ ở Luang Prabang. Ba người con trai đầu của hai cụ đều sinh ra trên đất thánh, đất thiêng Luang Prabang. Anh cả là Nguyễn Đình Ngữ từng làm Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp. Anh hai Nguyễn Đình Thi, lúc đẻ ra có dây tràng hoa quấn cổ, các cụ dạy người như thế về sau nổi tiếng lắm. Đẻ ra làn da đã ngăm đen bánh mật, lông mày rậm, mũi to và cao, tóc dầy và cứng. Anh ba Nguyễn Đình Thanh dạy nhạc ở đất cảng Hải Phòng. Cháu xem phim Giải phóng Thủ đô lần nào cũng thấy hiện ra cái ông kéo đàn accordion "chính là anh ba nhà này đấy"!
Bà kể thông thoát, đậm đặc tính văn chương: "Ông Ngôn là chủ sự dây thép bưu điện ở Luang Prabang. Ông ấy mê đàn hát, múa Lăm vông khéo, thuộc nhiều bài hát dân ca của người Lào. Trên vách gỗ căn nhà nhỏ treo la liệt đàn tây, đàn ta, đàn Lào: Guitar, mandolin, accodeon, harmonica, đàn tam, tứ, nguyệt, đàn bầu, khèn, trống… Tối tối gảy đàn inh ỏi. Anh con cả hay theo bố ra Sở dây thép mày mò xem bố làm việc. Khi cậu con trai thứ hai ra đời, chiều chiều, ông ấy hay bồng ra bờ sông Mê Kông, nhập hội đàn địch, có hôm muộn mới về".
Bà cụ vui chuyện đi buôn chuyến xuyên quốc gia. Nhà đông con không thể trông vào đồng lương của ông ấy mà sống được. Đi buôn nhưng có người đóng hàng sẵn, có khi là hàng kín cũng không có được tò mò. Hàng mắc vào lưng ngựa, bà ngồi trên yên qua đèo Ô Quy Hồ, qua Sa Pa về Lào Cai. Hàng có cửu vạn dỡ xuống thuyền lớn, xuôi dòng sông Hồng về Hà Nội. Có chuyến, mình theo người khách (người Tàu) chuyển hàng lên ô tô về tận Hải Phòng. Sau này, cả gia đình từ Luang Prabang, sang Phông-sa-lỳ, về nước ở đất Hải Phòng cả nhà, vì quen từ thời kỳ buôn chuyến xuyên Đông Dương như thế.
Năm ấy, ông ăn Tết Nguyên đán với gia đình chúng tôi. Đầu xuân, xuất hành khai bút, ông đạp xe lên nhà sáng tác Quảng Bá. Chiều ông về sớm mang hơi xuân về nhà. Dựng chiếc xe đạp cũ vào bờ tường, ông nói to giọng xúc động: "Các con ơi! Trưa nay còn lạnh, bố lội sâu xuống nước hồ Tây lấy đám rễ si đầu trắng gửi cho bà Tr chữa khớp. Bố thấy đôi chim nước lượn vòng quanh tán cây si. Thì ra là đôi sâm cầm! Tự dưng bố gọi: "Sâm cầm, sâm cầm về rồi. Cái điềm nước yên rồi, các con ạ".
Thức một đêm, Nguyễn Hoàng Thu rủ tôi đi tìm phố có Bưu điện Trung tâm của Luang Prabang. Ngôi nhà này do một người Pháp xây dựng rất xinh xắn, đến thời Mỹ, họ đập đi xây thành khu viễn thông trung tâm hiện đại, trang bị những công nghệ tiên tiến. Một việc khiến tôi xúc động, họ vẫn gọi tên, đắp lên tường phía trước Bưu điện Trung tâm Luang Prabang bằng tiếng Pháp "La Central Post Office de Luang Prabang".
Không có giấy tờ cho phép nên chúng tôi không thể vào gặp ông Giám đốc Bưu điện Trung tâm Luang Prabang. Tôi chợt nghĩ đến bàn chân nhỏ ngày nào của ông chạy theo bố từ nơi công sở về với căn phòng đơn sơ treo đầy nhạc cụ. Tôi tự nghĩ, đến đây mới hiểu, không phải ngẫu nhiên ông có thể sáng tác bài Người Hà Nội, bài Diệt phát xít bất hủ như vậy. Tôi thấy dấu thiêng bài hát múa Hoa chăm pa nhập vào mấy câu nhạc đầu bài Người Hà Nội có thể vừa hát, vừa múa Lăm-vông đoạn nhạc này.
Chúng tôi ăn bữa xôi gà tạm biệt Luang Prabang trong một nhà hàng ăn du lịch ngay bờ sông Mê Kông. Một dòng sông vĩ đại bắt nguồn từ dãy Himalaya hùng vĩ có ngọn Everest cao nhất thế giới về tới Luang Prabang đã mở lòng ra mênh mông. Dòng nước lừng lững hướng về Viêng Chăn, qua thác Khôn, xuôi Hạ Lào, hòa vào sông Bốn mặt Cam-pu-chia xuôi về đất Việt thành Cửu Long giang cuộn sóng.
Ngồi bên dòng sông hùng vĩ, tôi lặng im để cho những dấu ấn của Luang Prabang nhập vào mình. Và để cho những dấu thiêng kia hiện về trong bài viết nhỏ, khiêm nhường, một nén hương thơm thảo vào một đêm, một buổi sớm nước Lào để tưởng nhớ tới ông - một nhà văn cách mạng đã dành trọn đời mình cống hiến cho Tổ quốc.