Biên phòng - Chiều 3-8, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7-2020. Ông Mai Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì họp báo.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, sau 99 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, những ngày cuối tháng 7 vừa qua, dịch đã quay trở lại và đã ghi nhận có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng được phát hiện tại Đà Nẵng. Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc quyết liệt phòng chống dịch. Tổ chức phòng chống dịch Covid-19 với tinh thần thần tốc, xử lý triệt để. Mỗi thôn bản, xóm làng là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ phòng chống dịch, thực hiện mục tiêu kép “Chống dịch như chống giặc”.
“Chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại phiên họp thường kỳ tháng 7-2020 của Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đầu tháng 8 là giai đoạn quyết định, là khoảng "thời gian vàng" phải đưa ra những giải pháp căn cơ, quyết liệt nhất để dập dịch Covid-19. Chính phủ sẽ sớm ban hành chỉ thị mới về công tác phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp với tình hình hiện nay” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Đối với tình hình kinh tế đất nước, trong tháng 7, kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ ổn định. Chính sách tiền tệ được thực hiện linh hoạt, chủ động. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7-2020 chỉ tăng 0,4% và giảm 0,19% so với tháng 12 năm trước - mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, bình quân 7 tháng năm 2020, chỉ số CPI vẫn tăng 4,07% so với cùng kỳ. Nông nghiệp phát triển ổn định, nhưng do nắng nóng kéo dài, sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân ở một số địa phương bị ảnh hưởng (khoảng 30.000 ha lúa và rau màu bị khô hạn). Chăn nuôi gia cầm tiếp tục phát triển khá với tổng đàn gia cầm tăng 5,5%. Sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 chỉ tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 1,1% so với cùng kỳ.
Tính chung 7 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,6%, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Hoạt động thương mại và dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng trở lại nhờ các chính sách kích cầu tiêu dùng và du lịch nội địa. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 4,3% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, tính chung 7 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn giảm 0,4%, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 4,8% (cùng kỳ năm 2019 tăng 9%). Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2020 đạt 285,12 tỷ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 145,79 tỷ USD, tăng nhẹ 0,2%; nhập khẩu đạt 139,33 tỷ USD, giảm 2,9%. Cán cân thương mại hàng hóa 7 tháng xuất siêu 6,5 tỷ USD.

Đặc biệt, khối lượng giải ngân vốn đầu tư công tăng kỷ lục trong tháng 7. Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN 7 tháng đạt gần 194,2 nghìn tỷ đồng, bằng 41,26% kế hoạch giao đầu năm (cùng kỳ đạt 32,27%). Tốc độ giải ngân tháng sau cao hơn tháng trước. Đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân khá tích cực, trong đó, đăng ký vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mới 7 tháng tăng 14,4%, giải ngân trên 10,1 tỷ USD.
Đối với kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, trong cuộc họp Thường trực Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã báo cáo Thủ tướng phương án thi 2 đợt như trên. Trước hết, cần phải khẳng định ngành giáo dục tại các địa phương đều đã chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vào các ngày từ 8 đến 10-8, kỳ thi này liên quan đến vấn đề xét tuyển Đại học nên không thể lùi được.
Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, những địa phương không phải giãn cách xã hội thì tổ chức thi bình thường. Trong quá trình thi phải bảo đảm các giải pháp về phòng chống dịch bệnh (ngồi giãn cách, đeo khẩu trang, rửa tay…). Còn những địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề xuất lùi lại thời điểm thích hợp cùng với số thí sinh đang ở diện F0, F1, F2 cũng thi lùi lại.
Tại buổi họp báo trả lời câu hỏi của Phóng viên về tình trạng xuất nhập cảnh trái phép, theo Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an cho biết, sau khi dịch Covid-19 có dấu hiệu trở lại, Bộ Công an đã ban hành nhiều công văn, công điện, chỉ thị tới công an địa phương thực hiện các chỉ thị, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhập cảnh và phối hợp xử lý nhập cảnh trái phép tại các địa phương có đường mòn, lối mở. Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng cũng thực thi xử lý người dân tung tin thất thiệt về dịch bệnh và các đối tượng buôn lậu, đầu cơ trục lợi găm hàng liên quan đến y tế phòng dịch. Ngoài ra, Bộ Công an cũng chỉ đạo công an địa phương "đi từng ngõ, gõ từng nhà", rà soát xác minh các trường hợp để phòng, chống dịch.
Viết Hà