Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:24 GMT+7

Dấu mốc quan trọng

Biên phòng - Vào thời điểm quyết định trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19, ngày 18-4, Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông đã khai trương nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh (KCB) từ xa.

Sự kiện trên được cộng đồng quốc tế ghi nhận là dấu mốc khởi đầu quan trọng cho Việt Nam chuyển đổi số trong ngành y tế, hướng tới quốc gia số. Bởi, nhiều năm qua, ngành y tế mới triển khai một số hoạt động khám bệnh từ xa, phẫu thuật từ xa, bệnh án điện tử trong phạm vi hẹp, chủ yếu tại các cơ sở y tế hiện đại. 

Tuy nhiên, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thực tiễn đòi hỏi các bệnh viện phải có thêm nhiều hơn kênh khám bệnh từ xa và phổ cập rộng hơn nữa, để giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng, thuận lợi, ít tốn kém và an toàn, nhất là trong các thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Hiện, trên toàn quốc có 14.000 cơ sở y tế. Nhưng cơ sở vật chất và chất lượng dịch vụ tại 11.083 cơ sở y tế tuyến đầu, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, còn nhiều hạn chế. 

Trạm y tế xã, phường mới chỉ thực hiện được 50 - 70% các dịch vụ kỹ thuật và đảm bảo khoảng 40% danh mục thuốc theo phân tuyến... Đặc biệt, hạn chế về nhân lực tại các trạm y tế đang khiến 80% bệnh nhân tìm cách vượt tuyến đến bệnh viện tuyến Trung ương vì thiếu niềm tin vào chất lượng KCB của các cơ sở y tế tuyến dưới.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, 35,4% bệnh nhân đến KCB ở tuyến Trung ương có thể điều trị được ở tuyến tỉnh và 20% có thể điều trị được ở tuyến huyện. 41,5% bệnh nhân đến khám, chữa bệnh ở tuyến tỉnh có thể điều trị được ở tuyến huyện và 11% có thể điều trị được ở trạm y tế xã. Điều này gây lãng phí lớn cho xã hội và gây quá tải trầm trọng cho các bệnh viện tuyến trên. Tỷ lệ sử dụng giường nội trú tại tuyến Trung ương thường xuyên trên 100% và lên đến 150% ở một số bệnh viện lớn tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh....

Thế nên, chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế chính là giải pháp giải quyết căn bản tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến cuối, góp phần đảm bảo cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe, KCB và điều trị tốt nhất.

Nền tảng KCB từ xa do Tập đoàn Viettel phát triển được coi là một thành tựu công nghệ khi đáp ứng đầy đủ 6 lĩnh vực, gồm: Tư vấn y tế từ xa; hội chẩn tư vấn KCB từ xa; hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa; hội chẩn tư vấn giải phẫu bệnh từ xa; hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa; đào tạo chuyển giao kỹ thuật KCB từ xa.

Lợi ích rõ ràng của hoạt động KCB từ xa được thể hiện ngay tại lễ khai trương, khi bệnh nhân tại huyện Mường Khương (Lào Cai), huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) và thành phố Hà Tĩnh được các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khám, hội chẩn, chỉ định điều trị nhanh chóng và chính xác thông qua kết nối trực tuyến. Người bệnh không cần phải đến các bệnh viện tuyến trên mà vẫn được các chuyên gia hàng đầu khám và điều trị.

Theo các chuyên gia, tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế của Việt Nam sẽ sớm về đích khi tất cả cơ sở y tế trong cả nước triển khai đồng loạt nền tảng hỗ trợ tư vấn KCB từ xa. Vận hành thêm kênh KCB từ xa, không chỉ giúp giảm số lượng người trực tiếp đến bệnh viện, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, mà còn giúp xã hội và ngành Y tế tiết kiệm hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Trong giai đoạn tiếp theo, khi Việt Nam phổ cập công nghệ 5G, người dân ở bất kỳ đâu cũng được hưởng chất lượng KCB tốt nhất từ các cơ sở y tế hàng đầu trong và ngoài nước nhờ các nền tảng ứng dụng công nghệ y học hiện đại. 

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO