Biên phòng - Tuyến đường 7 (Quốc lộ 25) bây giờ xe chạy thật dễ dàng, trong đó, cung đường chạy từ cuối xã Ia Rtô cho đến thị trấn Phú Túc gần như đã hoàn chỉnh và được mở rộng không phải qua đèo Tô Na. Kết quả này đang mở ra triển vọng phát triển cho cả một vùng rộng lớn Đông Nam Gia Lai. Ở chân đèo Tô Na, phía Nam thị xã Cheo Reo ngày ấy và bây giờ đã đi vào huyền sử những chứng tích hào hùng của dân tộc mà 40 năm trước, nơi đây chặt đứt một cánh quân của chính quyền Sài Gòn rút chạy co cụm về đồng bằng. Ngày nay, hai bên đường 7 đã phủ kín một màu xanh bạt ngàn của lúa, hồ tiêu, cùng những vườn cây ăn trái và những ngôi nhà mới.
![]() |
Chi khu quận lỵ Thuần Mẫn bị Trung đoàn 48 tiến công tiêu diệt ngày 8-3-1975. |
Đứng trên con đường tránh đèo Tô Na, một bên là núi sừng sững và một bên là con sông Ba nước chảy hiền hòa tạo nên vẻ đẹp mê hoặc lòng người. Dòng sông đang nghĩ ngợi gì, bởi nơi đây đã từng chứng kiến sự hỗn loạn của địch trong một cuộc tháo chạy mà thời gian thấm thoát 40 năm trước như bóng câu qua cửa sổ. Đèo Tô Na ngày ấy tạo thành nút thắt cổ chai là nơi địch tháo chạy tán loạn với binh giáp, khí tài trong dòng người di tản suốt dọc đường 7 cho đến tận Củng Sơn về Tuy Hòa.
Đi cùng chúng tôi dọc theo tuyến lửa năm xưa, Thượng úy Vũ Duy Hiển, Trợ lý Tuyên huấn (Sư đoàn 320) chia sẻ ký ức khi chỉ ngược về phía Nam đèo Tô Na: "Chúng tôi là người hậu sinh nối tiếp những trang sử hào hùng của Sư đoàn nên được biết nơi đây, ngày 17-3-1975, Tiểu đoàn 9 (Trung đoàn 64) đã chốt chặn đường 7, cách Cheo Reo chừng 4km. Từ đây, Tiểu đoàn đã tiêu diệt nhiều xe cơ giới và bộ binh địch. Đó chỉ là một cánh quân trong nhiều mũi tiến công thần tốc thuộc sư đoàn làm tan nát cả cuộc tháo chạy trên đường 7 về đồng bằng của Quân đoàn 2 ngụy lúc bấy giờ"...
Tuyến lửa năm xưa chỉ là xác xe tăng, khí tài và nhiều quân trang, quân dụng của địch vứt lại trong một cuộc tháo chạy thì bây giờ trở thành những vườn điều, hồ tiêu, thuốc lá... góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nông dân. Xa hơn nữa, khi đi ngược lên Phú Thiện là những cánh đồng lúa trải lụa ngút tầm mắt. Mầm xanh dồi dào mang đậm dấu ấn từ công trình đại thủy nông Ayun Hạ đem về nguồn nước tưới tiêu quanh năm không bao giờ cạn cho vựa lúa Tây Nguyên.
Và nữa, những cánh đồng mía mẫu lớn đang từng ngày đem lại sự thay đổi da, đổi thịt cho vùng đất bị cày xới bởi đạn bom. Tất cả nỗ lực của người dân, của chính quyền sở tại qua nhiều năm và bằng các nguồn vốn Nhà nước thông qua các chương trình quốc gia khác nhau, đã từng bước cơ giới hóa nông nghiệp, nông thôn; việc cơ giới hóa bằng khoa học công nghệ như máy xạ lúa, gặt đập liên hợp, máy chặt mía dải hàng, máy cày đất đa năng... đã tạo nên một diện mạo mới trong nông nghiệp, nông thôn.
"40 năm đi qua đã làm thay đổi rõ rệt trên một vùng đất. Một màu xanh đang phủ trên đống đổ nát mà 40 năm trước phải chứng kiến cảnh chia ly, mất mát, đau thương... Với chúng tôi, ký ức chiến tranh trên đường 7 chỉ mong thay vào đó là Quốc lộ 25 mãi trở thành con đường huyết mạch. Một sự kết nối cho vùng nguyên liệu công nghiệp từ Chư Sê cho đến vùng nguyên liệu nông sản rộng lớn Phú Thiện, Ayun Pa, Ia Pa, Krông Pa và duyên hải Nam Trung bộ "- Nông dân Trần Văn Thới ở phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa chia sẻ.
Còn mãi bài học chiến tranh nhân dân
Với mong muốn hiểu về nghệ thuật quân sự qua trận đánh lịch sử đường 7, góp phần đem đến thắng lợi hoàn toàn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, đi đến thống nhất nước nhà, tôi đăng ký làm việc với chỉ huy Sư đoàn 320. Dù rất bận rộn, nhưng Đại tá, Sư đoàn trưởng Nguyễn Anh Tuấn vẫn dành thời gian tiếp chúng tôi vào một buổi chiều muộn. Trong căn phòng làm việc đơn sơ nhưng đầy ấm cúng, Đại tá Tuấn chia sẻ ngắn gọn về trận đánh lịch sử này khi tương quan lực lượng vũ khí giữa ta và địch khác xa nhau.
Theo Đại tá Tuấn, chúng ta thắng là nhờ vào lòng dân, thắng là nhờ dựa vào thế trận chiến dịch cùng với sử dụng lực lượng hợp lý, linh hoạt. Ta vừa có bộ phận chốt tại trận địa, vừa có lực lượng bao vây, chia cắt các cụm quân địch, vừa có các mũi tiến công liên tục tạo thế trận áp đảo.
Ông nhấn mạnh: "Một trong những công tác chuẩn bị quan trọng góp phần quyết định thắng lợi của trận đường 7 là thế bố trí chiến dịch". Từ chỗ nắm địch và dự kiến hành động của chúng, lúc 20 giờ 30 phút, ngày 16-3-1975, Sư đoàn trưởng - Đại tá Nguyễn Kim Tuấn và Thượng tá, Chính ủy Bùi Huy Bổng nhận lệnh từ Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên, đã nhanh chóng tổ chức lực lượng chốt chặn địch ở Nam Cheo Reo và tập trung hỏa lực đánh địch rút bỏ Tây Nguyên theo đường 7.
Ngày 17-3, Tiểu đoàn 9 (Trung đoàn 64) được giao chốt chặn địch ở Nam Cheo Reo và Tiểu đoàn 7 chặn địch ở thị xã. Cùng thời điểm này, Trung đoàn 48 (thiếu) đưa Tiểu đoàn 2 áp sát phía Tây thị xã tiêu diệt 2 đại đội địch, sau đó tiến thẳng về phía Tây sân bay. Đồng thời, Tiểu đoàn 1 áp sát phía Tây Bắc sân bay để cắt đường 7 giữa Cheo Reo và Phú Thiện.
|
Đường 7 - đoạn vào thị xã Ayun Pa. |
Như vậy, tất cả các Tiểu đoàn, Trung đoàn thuộc Sư đoàn 320 hiệp đồng hỗ trợ tạo thế gọng kìm, nên chỉ trong 2 ngày 18 và 19-3 đã làm chủ hoàn toàn phía Nam và Đông Nam tỉnh Gia Lai. Đến ngày 24-3, Trung đoàn 64 cùng Tiểu đoàn 96 (địa phương) tiến công tiêu diệt hoàn toàn quân địch ở Củng Sơn (Tuy Hòa).
Trong câu chuyện với chúng tôi, Đại tá Tuấn đôi lúc trầm tư khi nghĩ đến những thế hệ đi trước đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng đất nước. Với ông, đường 7 đã đọng lại bài học nghệ thuật quân sự sâu sắc trong việc triển khai trận địa để nhanh chóng làm chủ trên chiến trường và giảm bớt thương vong.
Ông nói: "Nắm chắc tình hình, dự kiến chính xác khu vực mục tiêu đánh trận then chốt; tuy địch đông và có vũ khí mạnh, ta chỉ có một sư đoàn nhưng biết chớp thời cơ, sử dụng lực lượng phù hợp, tạo thế trận vững chắc; linh hoạt trong vận dụng phương pháp tác chiến, chiến thuật. Hơn nữa, chúng ta có sự giúp đỡ của lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương. Đó chính là bài học sâu sắc trong chiến tranh nhân dân"...
40 năm qua đi và thời gian đang xóa nhòa nơi ghi dấu chân sư đoàn, nhưng trong câu chuyện với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Anh Tuấn cũng trải lòng về đời binh nghiệp gắn bó giữa quân và dân như "cá với nước" là không bao giờ tách rời. Sau năm 1975, sư đoàn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn phía Tây Nam Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế tại Cam-pu-chia cho đến năm 1987 mới trở lại Ayun Pa, sau đó về TP Pleiku.
Trong câu chuyện về sư đoàn, ông nhấn mạnh: "Với bề dày lịch sử, dấu chân cán bộ, chiến sỹ sư đoàn in đậm trên khắp các nẻo đường với bao gian khổ, hy sinh; hàng vạn cán bộ, chiến sỹ sư đoàn không tiếc xương máu song vẫn đoàn kết một lòng để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và nhiệm vụ quốc tế.
Do đó, việc giáo dục cho các thế hệ trẻ về giá trị của hòa bình và tăng cường mối quan hệ máu thịt với nhân dân, luôn là bài học cho mỗi cán bộ, chiến sỹ trong sư đoàn. Cùng với nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu trong tình hình mới, sư đoàn luôn quan tâm làm tốt công tác dân vận tại địa phương; thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội".
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, cũng như làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia, Sư đoàn 320 đã tham gia 16 chiến dịch, đánh 2.212 trận lớn nhỏ; tiêu diệt 77.950 tên địch, bắt 21.912 tên, thu và phá hủy 57.556 súng các loại, 3.516 xe quân sự, tàu xuồng chiến đấu; bắn rơi 517 máy bay; thu hàng ngàn tấn đạn dược và phương tiện chiến tranh của địch... Ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, Sư đoàn 320 đã được Đảng, Nhà nước hai lần tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1975 và 1987. |