Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:13 GMT+7

Dấu ấn từ những “cánh chim đầu đàn”

Biên phòng - Ngày 22-4-2019 là tròn 60 năm Ngày Báo Biên phòng ra số đầu tiên. Suốt chặng đường 60 năm xây dựng và trưởng thành, Báo Biên phòng đã trở thành người bạn thân thiết, tin cậy của cán bộ, chiến sĩ BĐBP và đồng bào các dân tộc trên mọi miền biên cương của Tổ quốc. Nhân dịp này, chúng tôi xin đăng tải những kỷ niệm, những trải lòng của một số đồng chí nguyên lãnh đạo, phóng viên của Báo Biên phòng.

bac-luong

Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Cao Thượng Lương, nguyên Cục trưởng Cục Chính trị kiêm Tổng Biên tập tờ tin Công an nhân dân vũ trang

Ngày 3-3-1959, lực lượng Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) ra đời. Khi ấy, tôi đeo quân hàm Thiếu tá, 33 tuổi, được điều động về làm Trưởng phòng Tuyên huấn đầu tiên của lực lượng CANDVT.

Tôi đã đưa ra ý kiến về công tác xây dựng lực lượng, dựa trên 8 câu thơ Bác Hồ đã tặng cho lực lượng CANDVT trong ngày thành lập lực lượng, ý kiến về việc xây dựng tờ tin nội bộ để chuyển tải tin tức của lực lượng đến với cán bộ, chiến sĩ ở biên giới, giới tuyến xa xôi (sau này là Báo Công an vũ trang).

Những ý kiến của tôi đã được Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, Thứ trưởng Bộ Công an, Chính ủy kiêm Tư lệnh CANDVT ghi nhận. 

Với chức năng là Trưởng phòng Tuyên huấn, tôi là người trực tiếp định hướng nội dung đôn đốc việc in ấn, lựa chọn tin, bài, biên tập, dàn trang. Tờ tin CANDVT được xuất bản số đầu tiên vào ngày 22-4-1959. Trên măng-xét tờ tin in màu đỏ, được viết ngược trên phiến đá li tô, sau đó mang đi quay rô-nê-ô để nhân bản. Ngay ở trang nhất tờ tin, ngoài một số thông tin hoạt động của lực lượng thì có một bài viết về tư tưởng, tình cảm của chiến sĩ tân binh.

Một câu chuyện đầy màu sắc văn chương, mềm mại, dễ thu hút người đọc. Bài viết này có dấu ấn của Đại úy Tô Ân, người phụ trách tờ báo. Ông Tô Ân là người từng viết cho một tờ báo tiếng Pháp trước ngày nhập ngũ, vì vậy, văn phong của ông dễ dàng nhận ra qua cách sử dụng mẫu câu dễ dàng chuyển tải sang ngôn ngữ nước ngoài. Tôi là người đầu tiên đọc bài viết này trên bản thảo trước khi trình duyệt để đưa vào in ấn.

Đến bây giờ, khó có thể thống kê hết số lượng bài báo và bài nghiên cứu mang tính lý luận chính trị về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia mà tôi đã viết trên các tờ báo và tạp chí. Giờ đây, dù đã 93 tuổi, cái tuổi như ngọn nến lung lay trước ngọn gió số phận, nhưng tôi vẫn luôn dành tình cảm yêu mến, trân trọng cho Báo Biên phòng.

Thỉnh thoảng, tôi tìm đọc lại những trang báo cũ có in bài viết của mình, trong đó có 1 bài viết đăng trên trang nhất của số báo phát hành năm 1971, lúc đó tôi giữ cương vị là Phó Cục trưởng Cục Chính trị CANDVT kiêm Tổng Biên tập tờ tin CANDVT. Những năm tháng ấy là ký ức đẹp không bao giờ phai mờ trong trái tim tôi.

bac-bang

Đại tá Phan Trọng Bằng, nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP kiêm Tổng Biên tập Báo Biên phòng:

Ngày 30-4-1975 là một ngày lịch sử không thể nào quên. Anh em biên tập viên, phóng viên của lực lượng CANDVT (nay là BĐBP) đang tác nghiệp ở Dinh Độc Lập, Tổng nha Cảnh sát ngụy Sài Gòn... thì được lệnh gấp rút ra quay cảnh giải phóng Côn Đảo.

Tàu nhổ neo, dự kiến gần 2 ngày 1 đêm tàu mới ra đến Côn Đảo. Ra khơi sóng càng dữ hơn, ai nấy đều lắc lư rồi nằm bẹp. Không ngờ tàu chạy “vượt kế hoạch”, ngày hôm sau đã tới Côn Đảo. Đứng trên boong tàu nhìn vào, hòn đảo xanh sẫm đầy vẻ hiền dịu trước nắng chiều, thế nhưng bên trong lại là một “địa ngục trần gian” khiến ai cũng phải kinh ngạc, bàng hoàng khi sự thật được phơi bày.

Lúc này, trên đảo đang bộn bề biết bao công việc của buổi bình minh giải phóng. Chúng tôi được biết rằng, hơn 118 năm, hết thực dân Pháp đến đế quốc Mỹ đã biến nơi đây thành địa ngục giam cầm hàng chục vạn người yêu nước Việt Nam, trong đó có hơn 22.000 người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của đất nước.

Rạng sáng 4-5-1975, một tàu Hải quân tới cập cảng Côn Đảo, mang theo 500 ảnh chân dung Bác Hồ kính yêu, càng làm tăng thêm khí thế cách mạng trên đảo. Một cuộc mít tinh lớn mừng chiến thắng diễn ra đầy hân hoan, phấn khởi. Nơi đây vĩnh viễn không còn là mảnh đất chết mà đã sống dậy đầy tương lai như một thiên đường. Sau khi trở về, chúng tôi đã kỳ công xây dựng thành một bộ phim tài liệu với tên gọi “Hòn đảo sống” và được Hội Điện ảnh Việt Nam tặng giải Khuyến khích vào năm 1997.

bac-van

Đại tá Nguyễn Hòa Văn, nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP kiêm Tổng Biên tập Báo Biên phòng:

Kỷ niệm khó quên trong 15 năm làm Tổng Biên tập Báo Biên phòng của tôi có rất nhiều. Mỗi một kỷ niệm đều nói lên tâm huyết của mình dành cho tình yêu biên cương Tổ quốc và sự dấn thân với nghề đã chọn.

Một trong nhiều kỷ niệm khó quên mà tôi muốn nhắc lại, đó là khi tôi được giao làm Phó ban Thường trực Ban tổ chức và Tổng đạo diễn chương trình “Biên cương thắm tình hữu nghị” lần 2. Lúc đó, thời gian diễn ra sự kiện còn chỉ hơn 2 tuần. Kịch bản chương trình đòi hỏi có một ca khúc mới, chủ đề biên cương hữu nghị, hội nhập.

Để đáp ứng chủ đề tư tưởng của Ban chỉ đạo chương trình, tôi đã trực tiếp đặt vấn đề với một số nhạc sĩ nhưng đều bị từ chối vì thời gian gấp. Lúc này, tôi xin ý kiến của Thiếu tướng Lê Thái Ngọc, lúc đó là Phó Chính ủy BĐBP, Trưởng ban tổ chức chương trình và được đồng ý, tôi chịu trách nhiệm viết lời, nhạc sĩ Tuấn Anh - Phó đoàn Văn công BĐBP viết nhạc. 

Sau khi viết xong phần lời bài hát, tôi chuyển cho nhạc sĩ Tuấn Anh. Khoảng 3 ngày sau, tôi đã nhận lại được bản nhạc. Tôi thấy rất ổn, khi chỉ còn một tuần nữa là diễn ra sự kiện, ca khúc mới được gửi đi cho ca sĩ của các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia luyện tập. Khi duyệt chương trình, tôi thấy ca khúc được dàn dựng công phu và nghĩ rằng chắc chắn hiệu quả sẽ cao. 

Đúng vậy, Chương trình “Biên cương thắm tình hữu nghị” lần 2 là một chương trình đặc biệt, có sức lan tỏa mạnh với nhiều nội dung đặc sắc. Chương trình đã đoạt giải B (không có giải A) Giải báo chí quốc gia năm 2016.

bac-tong

Nhà văn Trần Hữu Tòng, nguyên phóng viên tờ Tin Công an nhân dân vũ trang

Năm 1963, Cục Chính trị cử tôi lên Đồn Biên phòng Leng Su Sìn, BĐBP Lai Châu (nay thuộc tỉnh Điện Biên) để viết về tấm gương của liệt sĩ Trần Văn Thọ. Đấy có lẽ là chuyến đi đáng nhớ nhất trong sự nghiệp làm báo của tôi.

Chuyến đi thực tế gian khó đó, cơn sốt rét ác tính đã suýt cướp đi sinh mạng của tôi. Trong suốt 3 tháng ở cùng đồng bào, vừa chống chọi với bệnh tật, tôi vừa thu thập tài liệu để viết thành công tác phẩm "Trung với Đảng, hiếu với dân", được in khổ nhỏ để có thể dễ dàng bỏ trong ba lô của những người lính trên đường ra mặt trận.

Những thu thập của tôi cũng là một phần tư liệu quan trọng để các cơ quan chức năng xây dựng hồ sơ đề nghị Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đối với liệt sĩ Trần Văn Thọ. 

Văn Chương - Quang Long

Bình luận

ZALO