Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 30/05/2023 05:43 GMT+7

Dấu ấn của Trung tướng Trần Linh trong tham mưu, chỉ đạo hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị

Biên phòng - Hơn 15 năm công tác trong lực lượng BĐBP, trải qua các cương vị: Chủ nhiệm Chính trị BĐBP (từ tháng 7-1981 đến tháng 10-1985), Phó Tư lệnh về Chính trị BĐBP (từ tháng 11-1985 đến tháng 4-1998), Trung tướng Trần Linh đã để lại nhiều dấu ấn, nhất là trong tham mưu, chỉ đạo hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị, góp phần xây dựng lực lượng BĐBP vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Trung tướng Trần Linh trao Bằng khen của Bộ Tư lệnh BĐBP cho các đơn vị tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua Vì an ninh Tổ quốc trong BĐBP, năm 1992. Ảnh: Tư liệu

Tham mưu xây dựng mô hình công tác Đảng, công tác chính trị phù hợp với lực lượng BĐBP

Về nhận công tác tại lực lượng BĐBP vào tháng 7-1981, với chức trách là Chủ nhiệm Chính trị BĐBP, đồng chí Trần Linh đã dành thời gian để tìm hiểu sâu hơn về công tác biên phòng và hoạt động của BĐBP ở cơ sở. Đồng chí Trần Linh nhận thấy, một trong những nguyên nhân làm cho hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị của BĐBP chưa phát huy hiệu quả là do công tác giáo dục chính trị được thực hiện theo mô hình của những đơn vị huấn luyện tập trung, trong khi đó, các đồn, trạm Biên phòng đóng quân phân tán, thường xuyên thực hiện nhiệm vụ tại khu vực biên giới.

Với trách nhiệm của mình, đồng chí Trần Linh đã báo cáo với Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam và cơ quan Tổng cục Chính trị về tình hình trên. Sau đó, đồng chí Trần Linh trực tiếp đưa các đoàn công tác của Cục Tổ chức, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị đi khảo sát, tìm hiểu thực trạng tại các đồn, trạm Biên phòng trên địa bàn các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn... Qua các chuyến khảo sát, các cơ quan của Tổng cục Chính trị hiểu rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, biên chế, các biện pháp công tác của BĐBP; từ đó, hướng dẫn, chỉ đạo các phương thức tổ chức giáo dục chính trị phù hợp với cán bộ, chiến sĩ BĐBP.

Tháng 1-1984, theo đề xuất của Cục Chính trị BĐBP, Tổng cục Chính trị đã tổ chức Hội nghị chuyên đề về “Công tác Đảng, công tác chính trị ở đồn Biên phòng”. Báo cáo tại hội nghị, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Trần Linh đã nêu rõ những vấn đề cơ bản trong thực hiện công tác Đảng, công tác chính trị đối với đồn Biên phòng; xác định rõ đối tượng, mục tiêu, yêu cầu, nội dung, biện pháp tiến hành công tác giáo dục chính trị và vai trò lãnh đạo của Chi bộ đồn Biên phòng. Từ đó, đề nghị Tổng cục Chính trị cần có chỉ thị về hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị đối với đồn Biên phòng, giải quyết mối quan hệ giữa Bộ Tư lệnh các quân khu và Bộ Tư lệnh BĐBP và chỉ đạo công tác Đảng, công tác chính trị đối với đồn Biên phòng, nhất là nâng cao năng lực lãnh đạo, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ nơi tuyến đầu biên giới. Sau hội nghị, Tổng cục Chính trị đã có hướng dẫn, chỉ đạo về “Hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị ở các đồn Biên phòng”.

Chỉ đạo làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ

Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, tình hình kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, các phần tử xấu đã lôi kéo, kích động một bộ phận quần chúng vượt biển trốn đi nước ngoài. Các phần tử xấu tổ chức đường dây vượt biển đã câu móc với một số đối tượng thoái hóa, biến chất trong chính quyền cơ sở và lực lượng vũ trang nhằm bao che, tiếp tay cho chúng. Nhiều địa bàn biên phòng bị “chọc thủng”, ảnh hưởng đến uy tín của BĐBP, trong đó, địa bàn do Đồn Biên phòng Bến Đá, BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu phụ trách là điểm “nóng” về hoạt động này.

Trung tướng Trần Linh (thứ 4, từ phải sang) trao đổi với các đại biểu già làng, trưởng bản, người có uy tín trên địa bàn biên giới tỉnh Hà Giang, năm 1996. Ảnh: Tư liệu

Trước thực trạng nói trên, đồng chí Trần Linh cùng với các cơ quan chức năng của Cục Chính trị BĐBP đến Đồn Biên phòng Bến Đá để nắm tình hình và trực tiếp chỉ đạo công tác bảo vệ nội bộ; tìm hiểu nguyên nhân các vụ vượt biển qua địa bàn Đồn Biên phòng Bến Đá phụ trách. Qua rà soát nội bộ, đồng chí Trần Linh nhận thấy, đại bộ phận cán bộ, chiến sĩ có nhận thức tư tưởng tốt, nhưng một vài chiến sĩ có biểu hiện không bình thường. Đồng chí Trần Linh yêu cầu Trợ lý Bảo vệ an ninh cùng các trinh sát BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu xác minh làm rõ. Kết quả, đã phát hiện một chiến sĩ của đơn vị bị đối tượng xấu câu móc, tiếp tay cho hoạt động trốn đi nước ngoài. Sau đó, đồng chí Trần Linh yêu cầu Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cùng với các cơ quan chức năng của Cục Chính trị BĐBP làm rõ nguyên nhân, rút ra kết luận, làm rõ những sai phạm.

Từ bài học rút ra tại Đồn Biên phòng Bến Đá, Cục Chính trị BĐBP đã thông báo cho BĐBP các tỉnh, trọng tâm là tuyến biên giới biển, yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, rà soát nội bộ, quan hệ chặt chẽ với chính quyền địa phương, bổ sung phương án phòng, chống vượt biển trốn đi nước ngoài. Sau đó, đồng chí Trần Linh trực tiếp đến một số đồn Biên phòng tuyến biển miền Trung, đồng thời, chỉ đạo thành lập các đoàn công tác đi các tỉnh phổ biến kinh nghiệm.

Chú trọng giải quyết tốt công tác cán bộ

Trong quá trình thực hiện mô hình tổ chức mới theo Quyết định 419/QĐ-QP ngày 4-4-1986 của Bộ Quốc phòng về “chấn chỉnh tổ chức, chỉ huy và củng cố, xây dựng BĐBP”, lực lượng BĐBP rất thiếu cán bộ, nhất là cán bộ chính trị và cán bộ quân sự. Trên cương vị là Phó Tư lệnh về Chính trị BĐBP, đồng chí Trần Linh cùng với các đồng chí trong Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP chủ động đề bạt, lựa chọn, điều động cán bộ cho phù hợp với tình hình thực tế. Với những chuyên ngành không có điều kiện bổ sung, Bộ Tư lệnh BĐBP chủ trương xin cán bộ từ các đơn vị Quân đội về để bổ sung vào lực lượng BĐBP. Đồng chí Trần Linh chú trọng lựa chọn các cán bộ đã qua chiến đấu, cán bộ được đào tạo cơ bản; đồng thời, đề nghị Bộ Tư lệnh BĐBP mở lớp tập huấn nghiệp vụ Biên phòng. Từ đó, nhiều đồng chí đã nhanh chóng hòa nhập, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm được giao.

Tại các đơn vị BĐBP phía Nam, do thiếu cán bộ nên phải tăng cường cán bộ từ phía Bắc vào. Sau một thời gian công tác, ở một số địa phương, đơn vị nổi lên vấn đề “cục bộ Bắc, Nam”, nội bộ căng thẳng, mất đoàn kết. Đồng chí Trần Linh đã trực tiếp đến một số tỉnh Tây Nam Bộ, nơi nổi lên vấn đề này để giải quyết. Sau khi nắm chắc tình hình, đồng chí Trần Linh yêu cầu triệu tập hội nghị toàn thể cán bộ. Với tinh thần dân chủ, tự phê bình và phê bình, đi thẳng vào từng việc, phân tích thực chất đúng sai, chỉ ra thiếu sót của các tập thể, cá nhân có liên quan, đồng chí Trần Linh yêu cầu nghiêm túc xử lý, khắc phục ngay. Những kinh nghiệm xử lý vấn đề nội bộ của đồng chí được Bộ Tư lệnh BĐBP đánh giá cao, là cơ sở để Bộ Tư lệnh BĐBP chỉ đạo BĐBP các tỉnh phía Nam rút kinh nghiệm, tập trung giải quyết dứt điểm, không để xảy ra tình trạng “cục bộ địa phương”, “cục bộ Bắc, Nam”...

Bên cạnh đó, đồng chí Trần Linh cũng rất chú trọng việc xây dựng quy hoạch cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kế tiếp, cán bộ khoa học, cán bộ là người dân tộc thiểu số. Đồng chí đã đề xuất Bộ Tư lệnh BĐBP ra Chỉ thị số 154/CT-BTL ngày 5-10-1990 về việc “Tiến hành nghiên cứu chức danh, tiêu chuẩn cán bộ”. Sau khi có Nghị định số 57/NĐ-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng về việc nâng cấp Trường Sĩ quan Biên phòng thành Đại học Biên phòng, đồng chí cùng các thủ trưởng Bộ Tư lệnh BĐBP đề xuất phương án sáp nhập Trường Trung cao Biên phòng vào Đại học Biên phòng để hoàn chỉnh quy trình đào tạo cán bộ trong BĐBP.

Căn cứ tình hình đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số ngày càng giảm, đồng chí Trần Linh đã giao các cơ quan chức năng tổng hợp, khảo sát thực tế, từ đó, đề xuất Đảng ủy BĐBP ra Nghị quyết số 23/NQ-ĐU ngày 25-7-1994 về “Xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc trong BĐBP”. Ngoài ra, đồng chí Trần Linh cũng chỉ đạo Đảng ủy, chỉ huy các đơn vị phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Đồng chí Trung tướng Trần Linh, sinh ngày 15-6-1929, tại phường Cự Khối, quận Long Biên, thành phố Hà Nội; từ trần ngày 26-4-2022, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương Quân công hạng Nhì; Huân chương Chiến công hạng Nhì; Huân chương Chiến thắng hạng Nhì; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Tự do hạng Nhất và Huân chương Hữu nghị của Nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tặng; Huy chương Quân kỳ Quyết thắng; Huy chương Vì an ninh Tổ quốc; Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng và nhiều hình thức khen thưởng cao quý khác.

Lễ truy điệu đồng chí Trung tướng Trần Linh được cử hành trọng thể vào hồi 9 giờ, ngày 11-5-2022, tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hoàn Kiếm, Hà Nội); an táng tại Nghĩa trang phường Cự Khối, quận Long Biên, thành phố Hà Nội.

Thành Chung

(Lược ghi từ cuốn “Những vị tướng Biên phòng”)

Bình luận

ZALO