Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:12 GMT+7

Dấu ấn của Đại tướng Phùng Quang Thanh trong sự nghiệp xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia

Biên phòng - Trong suốt cuộc đời binh nghiệp của mình, Đại tướng Phùng Quang Thanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã để lại nhiều dấu ấn trong sự nghiệp xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia. Từ khi còn là Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, mặc dù ở một vị trí mà nhiệm vụ chính liên quan nhiều đến phương thức tác chiến, binh lực, phương tiện khí tài của toàn quân, nhưng Đại tướng Phùng Quang Thanh đã dành thời gian quan tâm đến các vấn đề về biên giới quốc gia.

Đại tướng Phùng Quang Thanh thăm, động viên các học viên Học viện Biên phòng (năm 2011). Ảnh: Hữu Tình

Dự án đầu tư xây dựng đường tuần tra biên giới ra đời có sự đóng góp rất lớn của Đại tướng Phùng Quang Thanh. Thiếu tướng Hoàng Kiền, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh cho biết: Dự án đầu tư xây dựng đường tuần tra biên giới do Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khởi xướng và giao nhiệm vụ cho Bộ Tổng Tham mưu và Bộ Tư lệnh Công binh triển khai. Đương nhiên, khi Bộ trưởng quyết định triển khai một dự án quan trọng phải lấy ý kiến nhiều cơ quan; trong đó, ý kiến Bộ Tổng Tham mưu là rất quan trọng. Và khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường tuần tra biên giới thì dường như tất cả mọi chỉ đạo trực tiếp đều do Đại tướng Phùng Quang Thanh.

Trong thời gian Đại tướng Phùng Quang Thanh làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ông đã dành nhiều thời gian cho nhiệm vụ công tác biên phòng. Có thể nói, rất nhiều cuộc họp, làm việc với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, Đại tướng Phùng Quang Thanh đều có những kiến nghị cụ thể, rất có giá trị đối với nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Ví dụ như việc sử dụng ngân sách quốc phòng và ngân sách địa phương nhằm xây dựng mới hệ thống đồn, trạm Biên phòng, trang bị xe ô tô bán tải cho các đồn Biên phòng, Đại tướng đều đưa ra kế hoạch thực hiện và có sự cam kết của các địa phương với bộ chủ quản.

Trong điều hành thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã dành nhiều thời gian nghe Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP báo cáo về những bất cập, vướng mắc trong thực hiện các chủ trương chính sách trên các vùng biên giới, biển, đảo. Đồng thời, ông cũng dành nhiều thời gian gặp mặt, nói chuyện với cán bộ cao cấp trong lực lượng BĐBP. Những đánh giá khích lệ động viên, cũng như những vấn đề hạn chế trong lực lượng BĐBP mà ông nêu ra qua các buổi gặp mặt, làm việc, thể hiện ông có sự am hiểu sâu sắc về những khó khăn phức tạp, gian khổ, những hy sinh thầm lặng, thiệt thòi mà cán bộ, chiến sĩ BĐBP phải chịu đựng, trải qua. Điều đó đã giúp cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP có thêm động lực cống hiến.

Có thể nói, Đại tướng Phùng Quang Thanh là một vị chỉ huy chiến lược có tài thao lược về quân sự. Ông trưởng thành trong chiến đấu, chiến tranh ác liệt, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Tuy nhiên, qua các lần tiếp xúc, được nghe ông nói chuyện, cán bộ, chiến sĩ đều cảm nhận ở ông có sự nổi trội về tầm nhìn và tư duy có tính nhân văn sâu sắc của một nhà chính trị. Được biết, ông sinh ra từ một vùng quê lam lũ với ruộng vườn, có một tuổi thơ đầy những bi thương, buồn tủi. Khi ông mới được 1 tuổi, cha ông - một cán bộ cách mạng kiên trung đã bị quân giặc sát hại. Hình ảnh người mẹ tần tảo, chịu đựng đau thương, mất mát nuôi ông lớn khôn vẫn mãi nằm sâu trong tâm trí ông. Có lẽ vì thế, cùng với sự giáo dục, rèn luyện của Quân đội, ông đã trở thành một sĩ quan ưu tú, một vị tướng giữ trọn đạo làm tướng. Ông luôn chia sẻ, cảm thông và ghi nhận sự hy sinh cống hiến của đồng bào, đồng chí có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Riêng đối với cán bộ, chiến sĩ BBBP, hình ảnh “thầy thuốc quân hàm xanh”, “thầy giáo quân hàm xanh”, “cán bộ tăng cường xã quân hàm xanh”, “kỹ sư tam nông quân hàm xanh”... tuy chỉ xuất hiện trong những thời điểm lịch sử và ở những địa chỉ cụ thể, nhưng những hình ảnh đó luôn được Đại tướng Phùng Quang Thanh chia sẻ với các quân, binh chủng khác trong Quân đội. Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng luôn động viên khích lệ các chương trình, dự án vì người nghèo nơi biên giới, hải đảo do BĐBP chủ trì thực hiện.

Sự uyên thâm về chính trị của Đại tướng Phùng Quang Thanh trong chỉ đạo công tác biên phòng ở chỗ, ông đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để sáng kiến của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP được thực thi trên thực tế. Đó là câu chuyện xây dựng mối quan hệ đoàn kết láng giềng giữa quân và dân hai bên biên giới. Ông rất vui khi mô hình kết nghĩa “bản - bản”, kết nghĩa các đơn vị bảo vệ biên giới giữa các nước láng giềng với BĐBP Việt Nam ra đời và phát huy tác dụng tích cực.

Người viết bài này đã được nhiều lần tiếp xúc, phỏng vấn Đại tướng Phùng Quang Thanh. Qua các cuộc phỏng vấn, người phỏng vấn đã hiểu được tư duy của ông về chiến lược và chính sách đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc thể hiện cụ thể trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới. Ông ví các vùng biển, quần đảo của Tổ quốc như sân, vườn, còn biên giới quốc gia trên đất liền như hiên, sảnh nhà. Câu chuyện ngoài sân, ngoài vườn là câu chuyện rất nóng, ông rất quan tâm, nhưng cũng là câu chuyện có sự quan tâm của nhiều nước. Còn câu chuyện trong hiên, trong sảnh nhà cũng là chuyện rất hệ trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách an dân trên biên giới, cần phải ưu tiên trong thực hiện đường lối của Đảng. Đó là nhiệm vụ xây dựng biên giới ổn định, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.

Hiện nay, đường biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc và Việt Nam - Lào đã hoàn thành phân giới, cắm mốc; đường biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia đã hoàn thành 84% khối lượng phân giới cắm mốc trên thực địa. Đây là giải pháp rất cơ bản để bảo đảm đường biên giới ổn định lâu dài. Tuy nhiên, sự gắn kết lòng dân và quân hai bên biên giới mới là giải pháp quan trọng nhất để bảo đảm biên giới ổn định và phát triển. Vì vậy, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã có nhiều chỉ đạo sâu sát, kịp thời vì mục đích biên cương hữu nghị.

Các phóng viên của Báo Biên phòng còn nhớ Đại tướng Phùng Quang Thanh cùng Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã trực tiếp chỉ đạo thực hiện Chương trình “Biên cương thắm tình hữu nghị” lần thứ nhất tại Nhà hát lớn Hà Nội, nhân kỷ niệm 55 năm Ngày Truyền thống BĐBP (3-3-2014). Đây là lần đầu tiên Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng cho phép BĐBP tổ chức chương trình giao lưu với lực lượng quản lý và bảo vệ biên giới của các nước láng giềng. Chương trình có nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội, Công an, Ngoại giao... tham dự.

Đại tướng Phùng Quang Thanh nói chuyện với các đại biểu nhân dịp đến thăm và làm việc với Bộ Tư lệnh BĐBP (năm 2016). Ảnh: Tư liệu

Sau chương trình này, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã giao cho các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng cùng Bộ Tư lệnh BĐBP tổ chức thường xuyên chương trình giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc và yêu cầu Bộ Tư lệnh BĐBP duy trì thực hiện hằng năm Chương trình “Biên cương thắm tình hữu nghị”. Chương trình là một thông điệp thể hiện Việt Nam mong muốn cùng chung tay với các nước láng giềng giải quyết các tồn tại trên biên giới, đồng thời tạo ra mối quan hệ gắn kết quân và dân hai bên biên giới trong phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa, chung tay phòng, chống tội phạm xuyên biên giới, hỗ trợ duy trì pháp luật nhà nước của các quốc gia trong xuất nhập cảnh và các vấn đề liên quan khác.

Nhờ có sự quan tâm chỉ đạo của Đại tướng Phùng Quang Thanh, nhiệm vụ công tác biên phòng có thêm nhiều thuận lợi. Toàn quân nhận thức rõ hơn về nhiệm vụ công tác biên phòng. BĐBP được bổ sung các nguồn lực cơ sở vật chất và chính sách ưu tiên, nhân dân các vùng biên giới cũng được hưởng những thành quả do thực hiện các chương trình, dự án có giá trị về quốc phòng - an ninh và an sinh xã hội.

Nguyễn Hòa Văn

Bình luận

ZALO