Biên phòng - Là người chiến sĩ cách mạng trung kiên, gắn bó máu thịt với nhân dân nên ngay lúc sinh thời, Đại tướng Mai Chí Thọ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ðảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) được mọi người kính trọng, yêu mến đặt cho tên gọi “Đại tướng con dân”. Trong giai đoạn 1987-1991, khi giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ông đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo sâu sát công tác biên phòng với nhiều dấu ấn đáng trân trọng.

Trước yêu cầu giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững an ninh quốc gia và an ninh trật tự khu vực biên giới, ngày 30/11/1987, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 07/NQ-TW, về “Nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới” và quyết định “Chuyển BĐBP cho Bộ Nội vụ trực tiếp phụ trách”. Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Mai Chí Thọ đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ Nội vụ và Bộ Tư lệnh BĐBP quán triệt và nhanh chóng triển khai công tác chuyển giao nhanh gọn, chu đáo. Đồng thời vẫn đảm bảo tính liên tục trong xây dựng và chiến đấu nhằm tăng cường công tác biên phòng, xây dựng BĐBP đủ sức làm nòng cốt, chuyên trách bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Là người có tư duy nhạy bén và tầm nhìn xa, Đại tướng đã lắng nghe mọi ý kiến tham mưu tâm huyết của các cơ quan chức năng để có những quyết định quan trọng. Đơn cử như lúc chuẩn bị tiếp nhận BĐBP, trong Ban lãnh đạo Bộ Nội vụ đã có ý định chuyển chức năng BĐBP chuyên làm an ninh, BĐBP các tỉnh, thành về Sở Công an, đổi tên thành An ninh Biên phòng, Đại tướng đã triệu tập cuộc họp gồm có lãnh đạo Bộ, Tổng cục Xây dựng lực lượng và Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP để tìm hiểu quan điểm của BĐBP và tâm tư nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ. Qua cuộc họp, nhận thấy việc giữ nguyên chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức lãnh đạo, chỉ huy như Quyết định 419 của Bộ Quốc phòng là phù hợp, Đại tướng đã đồng thuận và chỉ đạo hoàn thiện thủ tục đề xuất với Ban Bí thư Trung ương Đảng kết luận giữ nguyên chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và tên gọi BĐBP.
Là người trưởng thành trong chiến đấu, sát sao với cơ sở và thấu hiểu tâm tư, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ, Đại tướng Mai Chí Thọ trực tiếp chỉ đạo các đơn vị BĐBP tập trung mọi nguồn lực chăm lo đời sống cán bộ, chiến sĩ, ổn định tư tưởng, xác định quyết tâm bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc. Thời gian BĐBP trực thuộc Bộ Nội vụ trong gần 7 năm là giai đoạn thế giới và đất nước có nhiều biến động, sự sụp đổ của hệ thống XHCN ở Liên Xô và Đông Âu đã làm thay đổi căn bản cục diện chính trị thế giới và công cuộc đổi mới của đất nước đang ở giai đoạn đầu, tình hình biên giới còn nhiều bất ổn... Song, dưới sự chỉ đạo sát sao, chặt chẽ của lãnh đạo Bộ Nội vụ nói chung và Đại tướng, Bộ trưởng Mai Chí Thọ nói riêng, BĐBP đã có những bước chuyển biến vững chắc về mọi mặt.
Năm 1989, tình hình hai tuyến biên giới phía Bắc và phía Tây Nam có nhiều biến động, Đại tướng Mai Chí Thọ trực tiếp chỉ đạo BĐBP điều chỉnh việc bố trí lực lượng trên các hướng trọng điểm, tăng cường sức cơ động và chuẩn bị tốt mọi mặt để kịp thời ứng phó với tình hình mới. Những chiến sĩ Biên phòng khi ấy vừa căng mình bảo vệ chủ quyền, đảm bảo an ninh chính trị, lại vừa mềm dẻo, linh hoạt để tạo điều kiện cho cư dân hai bên biên giới Việt Nam - Trung Quốc được qua lại thăm thân và mua bán, trao đổi hàng hóa thiết yếu phục vụ cho đời sống và sản xuất. Những nỗ lực đó đã tạo cơ sở bước đầu thực hiện chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta để từng bước bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
Đại tướng Mai Chí Thọ cũng hết lòng ủng hộ ý tưởng của Bộ Tư lệnh BĐBP về việc đề nghị với Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 16/HĐBT ngày 22/2/1989, lấy ngày 3/3 hàng năm là “Ngày Biên phòng” nhằm tăng cường đoàn kết, hiệp đồng chiến đấu, giúp đỡ lẫn nhau giữa BĐBP và nhân dân, BĐBP và các cơ quan, đơn vị đứng chân trên biên giới. Sự quan tâm của Đại tướng Mai Chí Thọ còn thể hiện qua việc chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan chức năng của Bộ Nội vụ và Bộ Tư lệnh BĐBP tích cực chuẩn bị văn kiện tổ chức Ngày truyền thống của BĐBP (3/3/1959 - 3/3/1989). Trong sự kiện quan trọng đó, Đại tướng Mai Chí Thọ đến dự và đọc diễn văn khai mạc.
Đại tướng chỉ rõ: “... Cần chú trọng xây dựng BĐBP trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất lượng tổng hợp ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ mới, có bản lĩnh chính trị vững vàng, biết vận động và tổ chức quần chúng, có nghiệp vụ sắc bén chuyên sâu, chiến đấu giỏi và từng bước được trang bị hiện đại. BĐBP có rất nhiều thành tích vẻ vang, nhưng phải khiêm tốn, thấy rõ khuyết điểm để ra sức rèn luyện phẩm chất đạo đức trong sáng, kỷ luật nghiêm minh, tình cảm thương yêu, đoàn kết đồng đội. Cấp trên phải sâu sát cơ sở, chống bệnh quan liêu, phải chăm lo cải thiện hơn nữa đời sống cán bộ, chiến sĩ nhất là ở những nơi xa xôi, hẻo lánh”1.
Đầu năm 1990, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Đại tướng Mai Chí Thọ đã ký Quyết định số 23/QĐ-BNV quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hệ thống tổ chức và mối quan hệ công tác của BĐBP ở từng cấp, trong đó, quy định rõ BĐBP được tổ chức thành hệ thống từ Trung ương đến cơ sở, đặt dưới sự chỉ đạo thống nhất của Bộ Nội vụ. Thực hiện Quyết định này, Bộ Tư lệnh BĐBP ban hành Chỉ thị số 06/CT-BTL yêu cầu các đơn vị cần nắm vững chủ trương của Bộ Nội vụ, quan điểm của Đại tướng Mai Chí Thọ để nhanh chóng kiện toàn, ổn định tổ chức theo cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Bộ Nội vụ.
BĐBP dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Nội vụ và Đại tướng Mai Chí Thọ ngày càng trưởng thành, có những chuyển biến tiến bộ về mọi mặt, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Trong đó, đặc biệt phải kể tới các chiến công như giải quyết tốt các vụ xâm canh, xâm cư lấn chiếm biên giới ở biên giới phía Bắc, chống chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch; xử lý tàu thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền, đánh bắt hải sản trái phép trên vùng biển, đấu tranh chống buôn lậu có vũ trang; bắt diệt các toán phản động lưu vong xâm nhập biên giới, vùng biển như bọn Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh, Hoàng Cơ Minh, Trần Văn Đô...
Nhân cách và bản lĩnh của Đại tướng Mai Chí Thọ luôn là tấm gương sáng về một con người tận trung với nước, tận hiếu với dân. Trong lãnh đạo, chỉ huy dứt khoát, kiên quyết, đóng vai trò chủ yếu trong việc xây dựng ngành Công an, quan tâm, lắng nghe tâm tư của cán bộ, chiến sĩ BĐBP và chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ để BĐBP đạt nhiều thành tích. Những lời chỉ đạo của Đại tướng trong dịp kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập lực lượng BĐBP đến tận ngày nay vẫn còn nguyên giá trị và được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP ghi nhớ và trân trọng.
1 Bài viết “Phát huy truyền thống vẻ vang xây dựng BĐBP xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và lòng tin yêu của nhân dân”, Tạp chí Nghiên cứu Khoa học Công an, số 4/1989, trang 219 - 220.
Đặng Tuệ Lâm