Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 29/05/2023 01:03 GMT+7

Dấu ấn công tác Đảng, công tác chính trị của CANDVT thời kỳ chống Mỹ cứu nước

Biên phòng - Trước sự leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ ở cả hai miền Nam, Bắc làm cho cuộc chiến đấu của quân và dân ta chống Mỹ xâm lược ngày càng gay go, quyết liệt. Để chỉ đạo toàn lực lượng Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) nêu cao ý chí quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, ngày 15-2-1965, Cục chính trị CANDVT đã có Hướng dẫn số 15/CT, Chỉ thị số 75/TL ngày 7-5-1965 về công tác chính trị tư tưởng trong tình hình mới, nội dung: Yêu cầu các đơn vị tiếp tục làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận rõ thắng lợi vừa qua của ta đạt được để nâng cao tinh thần phấn khởi cách mạng, lòng căm thù giặc sâu sắc, dũng cảm chiến đấu, lập công xuất sắc, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ và sẵn sàng hy sinh khi Tổ quốc cần.

58f85b64f9ff19cb0a00059c
Cán bộ Cục Chính trị Công an nhân dân vũ trang (nay là Cục Chính trị BĐBP) trên đường làm nhiệm vụ trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tháng 4-1975. Ảnh: Tư liệu    

 

Trong bối cảnh Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, Cục Chính trị CANDVT xác định rõ: Công tác chính trị tư tưởng phải gắn chặt vào nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường cán bộ có kinh nghiệm chiến đấu cho các đơn vị cơ sở, cơ sở vật chất phục vụ cho chiến đấu và chiến đấu trước mắt và lâu dài với địch.

Trước tình hình Mỹ dùng máy bay B52 ném bom, hủy diệt miền Tây Quảng Bình, ở địa bàn Cha Lo, đồng bào các dân tộc rất hoang mang, một số người bỏ sản xuất chạy vào rừng hoặc đi tìm bản mới để sinh sống. Cục Chính trị CANDVT đã chỉ đạo Phòng Vận động quần chúng tăng cường cán bộ xuống các đồn, vận động nhân dân bám quê hương, sản xuất, chiến đấu và ra hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác chính trị, lãnh đạo tư tưởng trong phòng không sơ tán và phòng gian, giữ gìn bí mật, đối phó với bước leo thang phá hoại mới của đế quốc Mỹ (tháng 4-1967)...

Đồng thời, Cục Chính trị tham mưu cho Đảng ủy CANDVT Trung ương ra Nghị quyết số 23/ĐU ngày 2-4-1972 về lãnh đạo thực hiện một số nội dung công tác mới và hướng dẫn chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị trong toàn lực lượng khẩn trương quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ hiểu rõ tinh thần Nghị quyết 20, lời hiệu triệu của Trung ương Đảng, Chính phủ, Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Công an trong tình hình mới; động viên cán bộ, chiến sĩ phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm của mình, hăng hái chiến đấu với tinh thần mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt, vì miền Bắc XHCN; ra sức thực hiện Di chúc thiêng liêng của chủ tịch Hồ Chí Minh: "Chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi cuối cùng".

Thắng lợi oanh liệt của quân và dân ta đập tan Kế hoạch tập kích chiến lược bằng đường không lần thứ hai của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về "chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam" ngày 27-1-1973, đơn phương rút quân về nước.

Thành công lớn nhất của công tác Đảng, công tác chính trị trong chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai là xây dựng được quyết tâm chiến đấu, tổ chức lực lượng và thế trận phù hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, phát huy dân chủ quân sự cao độ, tập hợp được trí tuệ sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ lập công xuất sắc và bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, bờ biển, hải đảo và các mục tiêu nội địa.

Ngay từ đầu năm 1965, đế quốc Mỹ và tay sai tăng cường gián điệp, chiến tranh tâm lý với quy mô ngày càng lớn. Trước tình hình đó, Cục Chính trị CANDVT đã hướng dẫn công tác Đảng, công tác chính trị trong tình hình mới, nội dung nêu rõ: Các đơn vị phải thường xuyên quán triệt tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ trong sẵn sàng chiến đấu bắn máy bay và tàu chiến địch, đồng thời chú ý sẵn sàng chiến đấu chống gián điệp, biệt kích và bọn phản cách mạng. Có kế hoạch đánh địch trong mọi tình huống và đề phòng khả năng bọn gián điệp, biệt kích với số lượng lớn tập kích đổ bộ vào khu vực biên phòng.

Để không ngừng nâng cao trình độ nghiệp vụ, khả năng cơ động chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ, Cục Chính trị CANDVT ban hành Chỉ thị số 11/CCT/CA về vận động chỉnh huấn nghiệp vụ và phản gián trong toàn ngành năm 1966; xây dựng hướng dẫn, kế hoạch học tập Chỉ thị 125/CT-TW của Bộ Chính trị; kịp thời hướng dẫn các đơn vị trong toàn lực lượng quán triệt học tập chỉ thị của Ban Bí thư về việc giữ gìn an ninh trật tự miền Bắc và ra Thông tư số 83/BV ngày 22-9-1967 về tăng cường công tác phòng không, phòng gian bảo mật với bước leo thang mới của địch.

Đồng thời, hướng dẫn chỉ đạo các đơn vị tích cực tuyên truyền giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân địa bàn quán triệt Chỉ thị 145 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và chỉ thị của Bộ Tư lệnh CANDVT về phòng gian, bảo mật một cách thấu đáo, từ đó nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu đánh bại âm mưu, thủ đoạn hoạt động gián điệp biệt kích và chiến tranh tâm lý của địch.

Cục Chính trị CANDVT đã chủ động hiệp đồng phối hợp với các lực lượng vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào bảo vệ trị an, chiến đấu chống gián điệp biệt kích có hiệu quả. Tiêu biểu là trận đánh ngày 15-12-1965, ta đã tiêu diệt toàn bộ toán gián điệp, biệt kích cùng 15 tên tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

Cuối năm 1964, đầu năm 1965, đế quốc Mỹ tăng cường mở rộng chiến tranh. Ngày 3-4-1965, Cục Chính trị có báo cáo số 941/CT tổ chức điều động 252 cán bộ, để tổ chức huấn luyện và chi viện cho chiến trường B, tham mưu cho: Đảng ủy CANDVT Trung ương ra Quyết định số 54/QĐ ngày 23-3-1966 thành lập Chi bộ lớp đặc biệt chi viện cho An ninh vũ trang (ANVT) (B26) và chỉ định cấp ủy, bí thư; Quyết định số 29/QĐ thành lập các chi bộ chi viện cho chiến trường B. Tham mưu cho Bộ Tư lệnh ra Chỉ thị số 16/CT về tổ chức phương hướng hoạt động của HKN6 (các phân đội trinh sát hoạt động ở bờ Nam giới tuyến); Quyết định điều động cán bộ thuộc CANDVT khu Vĩnh Linh chi viện cho chiến trường B, các đơn vị phía Bắc chi viện cho ANVT miền Nam và hướng dẫn cho các đơn vị trong toàn lực lượng thường xuyên giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ quán triệt sâu sắc nhiệm vụ chống Mỹ cứu nước, sẵn sàng chi viện cho miền Nam bất cứ lúc nào. Đồng thời, xây dựng và tổ chức thực hiện tốt kế hoạch công tác Đảng, công tác chính trị trong thực hiện các quyết định, chỉ thị điều động cán bộ, chiến sĩ đi làm nhiệm vụ ở chiến trường B.

58f863d7471e3c99bc000422
Phóng viên Trần Hữu Tòng (bên trái) của Tờ tin Công an nhân dân vũ trang (nay là Báo Biên phòng) phỏng vấn phi công Mỹ bị quân ta bắt giữ tại chiến trường, năm 1964. Ảnh: Tư liệu

Trước tình hình và cục diện chuẩn bị mau lẹ trên chiến trường miền Nam, ta đang thắng lớn, nhiều vùng đất đai được giải phóng; yêu cầu chi viện cán bộ, chiến sĩ cho lực lượng ANVT miền Nam càng ngày càng lớn và khẩn trương. Ngày 20-4-1972, Cục Chính trị CANDVT ra Hướng dẫn số 170/LC về một số vấn đề công tác chính trị tư tưởng trong huấn luyện để chi viện cho chiến trường B; tham mưu Đảng ủy CANDVT Trung ương ra Nghị quyết 23/NQ-ĐU ngày 27-4-1972, xây dựng Đề án "Công tác bảo vệ, chiến đấu và xây dựng lực lượng ANVT miền Nam khi có giải pháp chính trị"; lập kế hoạch chuẩn bị lực lượng chi viện cho các tỉnh từ khu 10 trở vào, đồng thời đề xuất và làm tốt chế độ chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang đi B; ra Chỉ thị 135/BTL về lãnh đạo tư tưởng thực hiện tốt bốn đợt chi viện cho ANVT miền Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ngay từ đầu tháng 4-1975.

Đầu năm 1975, trong 45 ngày đêm, Cục Chính trị CANDVT phối hợp với các cục tổ chức cho 1.200 cán bộ các cấp và 1.630 hạ sĩ quan, chiến sĩ kịp thời chi viện và chuẩn bị triển khai công tác biên phòng ở các tỉnh phía Nam vừa giải phóng, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ nội địa, sân bay, bến cảng, cửa khẩu. Đến cuối năm 1975, đã có 7.500 cán bộ, chiến sĩ được chi viện ANVT miền Nam, tham gia chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh và triển khai 143 đồn, 23 trạm Biên phòng dọc biên giới, bờ biển, hải đảo ở các tỉnh phía Nam vừa được giải phóng đi vào hoạt động thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh CANDVT.

Thanh Thuận

Bình luận

ZALO