Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 30/09/2023 01:16 GMT+7

Dấu ấn còn mãi trong lịch sử Thủ đô Hà Nội

Biên phòng - Chiều ngày 9-10-1954, tại Hà Nội, những tên lính lê dương cuối cùng trong đội quân viễn chinh của Pháp rút qua cầu Long Biên. Ngay trong đêm 9-10, phố sá đều sáng đèn, nhân dân Thủ đô vui mừng chờ đón sớm mai sạch bóng quân thù. Mờ sáng ngày 10-10-1954, người dân đứng chật trên các vỉa hè chào đón đoàn quân chiến thắng. Trung đoàn Thủ đô - đơn vị ra đời ở Liên khu I, từng lập nhiều chiến công oanh liệt, vinh dự giương cao lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” dẫn đầu đoàn quân tiếp quản trong tiếng nhạc hùng tráng, giữa rừng cờ hoa của nhân dân Hà Nội.

Lễ chào cờ lịch sử lần đầu tiên được tổ chức sau khi Thủ đô Hà Nội được giải phóng, ngày 10-10-1954. Ảnh: Tư liệu

Nhà quay phim Xô Viết Rô-man Các-men khi được chứng kiến đã rất xúc động và tả lại quang cảnh lúc đó trong cuốn sách “Ánh sáng trong rừng rậm” như sau: “Đến lúc này đã diễn ra điều kỳ lạ - phố sá hoang vắng hầu như đang chết đi, bỗng nhộn nhịp, tưng bừng. Tiếng động cơ những chiếc xe bọc sắt chưa lặng, hàng nghìn cờ đỏ đã tung bay trên cửa sổ, cửa ra vào, trên các mái nhà. Và lập tức, đường phố trở nên chật hẹp, bởi những con người hoan hỉ, reo mừng, vẫy tay, nâng bổng trẻ lên đầu, vỗ tay, khóc vì sung sướng”.

Để chuẩn bị cho Lễ chào cờ mừng chiến thắng, ngay trong đêm 9-10, bộ đội công binh của Trung đoàn Thủ đô đã lắp lên cột cờ một ống thép cao 12m để treo lá cờ Tổ quốc rộng hơn 50m2 lên độ cao 45m. Chiều ngày 10-10, hàng vạn nhân dân Thủ đô phấn khởi dự Lễ chào cờ mừng chiến thắng, với sự hiện diện của Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban quân chính thành phố và bác sĩ Trần Duy Hưng, Phó Chủ tịch, cùng các đơn vị QĐND tham gia tiếp quản Thủ đô. Tại sân vận động Cột cờ (nay thuộc Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, số 19 Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội), các đơn vị tham dự Lễ chào cờ đứng theo đội hình khối. Hàng đầu là đội hình bộ binh gồm Trung đoàn Thủ đô - đại diện cho các đơn vị thuộc Đại đoàn 308 (Đại đoàn Quân Tiên phong) và Trung đoàn 57 của Đại đoàn 304. Phía sau đội hình bộ binh là đội hình cơ giới và pháo binh. Các pháo thủ và bộ binh cơ giới đứng nghiêm trên xe.

Thời khắc lịch sử mà quân và dân Thủ đô chờ đợi cũng đã đến. Đúng 15 giờ, từ Nhà hát Lớn thành phố, một hồi còi dài cất lên, báo hiệu buổi lễ bắt đầu. Bài “Tiến quân ca” vang lên hùng tráng. Toàn thể cán bộ, chiến sĩ và người dân có mặt đều trang nghiêm, tự hào ngước nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên Cột cờ Hà Nội. Khi bài hát “Tiến quân ca” vừa dứt, đồng chí Vương Thừa Vũ đọc “Lời kêu gọi nhân ngày Thủ đô giải phóng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi nhân dân Thủ đô.

Trong đó có đoạn: “Cùng đồng bào Hà Nội thân mến! Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay, do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết kể!”. Người cũng căn dặn: “Sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khăn. Nhưng Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh. Chính phủ ta là Chính phủ của nhân dân, chỉ có một mục đích là ra sức phụng sự lợi ích của nhân dân. Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm trọn nhiệm vụ của mình là: Người đầy tớ trung thành, tận tụy của nhân dân. Tôi xin chúc toàn thể đồng bào Hà Nội đoàn kết, phấn đấu và thắng lợi”. Khi Thiếu tướng Vương Thừa Vũ vừa đọc xong thư của Bác thì đồng loạt vang lên những tiếng hô “Hồ Chủ tịch muôn năm”.

Ngày 10-10-1954, quân và dân ta chính thức tiến về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Tư liệu

Lễ chào cờ đầu tiên sau ngày tiếp quản Thủ đô diễn ra trang nghiêm và hùng tráng, để lại dấu ấn sâu sắc đối với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tham dự. Xen lẫn với niềm vui, tự hào thì mỗi người đều có cảm xúc bồi hồi khi nhớ về người thân, đồng chí, đồng đội; nhớ về những “Quyết tử quân” và biết bao người dân Thủ đô anh dũng đã hy sinh thân mình cho ngày hôm nay. Như sau này, trong một dịp trả lời phỏng vấn, Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam (trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là Phó Chính ủy Trung đoàn 36 - Trung đoàn Bắc Bắc của Sư đoàn 308) - một nhân chứng lịch sử của Ngày tiếp quản Thủ đô, vinh dự tham gia Lễ chào cờ tâm sự: “Ngay từ khi Hiệp định Geneve được ký kết, niềm vui sướng thì rất nhiều nhưng lẫn lộn trong đó là những nỗi thương tiếc đồng đội mình không có mặt trong ngày vui. Nhưng một cuộc sống mới đã bắt đầu, một cuộc sống tự do, không còn ách nô lệ. Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ tới cuộc đấu tranh còn phải tiếp tục để giải phóng hoàn toàn đất nước”.

Vậy là, sau hơn 80 năm, kể từ khi thực dân Pháp đánh chiếm Hà Nội lần thứ nhất năm 1873, nay, Hà Nội đã trở về tay nhân dân. Lễ chào cờ chiến thắng ngày 10-10-1954 đã đi vào lịch sử vẻ vang của Thủ đô Hà Nội. Tại buổi lễ, lá cờ đỏ sao vàng lại có dịp tung bay trên đỉnh cột cờ cổ kính, ghi dấu ấn kết thúc một chặng đường lịch sử đầy hy sinh, gian khổ, nhưng cũng vô cùng oanh liệt và vẻ vang mà nhân dân Hà Nội mãi khắc ghi và luôn tự hào.

Nguyễn Hà Hải

Bình luận

ZALO