Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 03/10/2023 06:40 GMT+7

Đập tan âm mưu co cụm chiến lược của địch ở Huế - Đà Nẵng

Biên phòng - Chiến dịch Huế - Đà Nẵng là một trong ba chiến dịch lớn trong cuộc “Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam”. Thắng lợi của Chiến dịch Huế-Đà Nẵng cùng với thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên trước đó đã làm thay đổi hoàn toàn cục diện chiến tranh, góp phần quan trọng làm nên Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

yr8i_5b
QĐND Việt Nam tiến vào giải phóng Ngọ Môn, Huế. Ảnh: Tư liệu

Theo kế hoạch tác chiến hai năm 1975 - 1976, khu vực Trị - Thiên và Khu 5 được Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam xác định là hướng quan trọng, có nhiệm vụ phối hợp với hướng chủ yếu Tây Nguyên trong chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam. Đây là địa bàn chiến lược với 2 thành phố lớn là Huế và Đà Nẵng. Đặc biệt, Đà Nẵng còn là căn cứ quân sự lớn nhất miền Trung và lớn thứ hai miền Nam (sau Sài Gòn), là nơi có hệ thống kho tàng dự trữ chiến lược của địch.

Khi thời cơ đến, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh đã phát động Chiến dịch Huế - Đà Nẵng vào ngày 5-3-1975 (chỉ một ngày sau khi Chiến dịch Tây Nguyên bắt đầu) với lực lượng tham gia chiến dịch gồm: các Trung đoàn 4, 46, 271 và các tiểu đoàn độc lập thuộc Quân khu Trị Thiên, tăng cường thêm sư đoàn 304, 324, 325 thuộc Quân đoàn 2, Sư đoàn 2 và đơn vị độc lập thuộc Quân khu 5.

Việc ta tiến công cùng lúc trên các mặt trận đã làm cho địch rơi vào thế bị động không thể điều động các lực lượng trù bị chiến lược đi ứng cứu cho các địa bàn then chốt. Sau khoảng 2 tuần chiến đấu, ta đã làm chủ được Quảng Trị, giải phóng phần lớn khu vực nông thôn ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, bao vây, chia cắt quân địch tại Huế và Đà Nẵng. Được cổ vũ tinh thần từ chiến thắng trong Chiến dịch Tây Nguyên, ngày 20-3, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã hoàn thành bản kế hoạch tiến công thành phố Huế với phương châm “không cho địch co cụm phòng ngự trong nội đô”. 

Sáng ngày 21-3, Sư đoàn 325 tiến công vào các điểm cao 310, 312, 329, 494, 520, 560, đồi Yên Ngựa và dải đồi Kim Sắc, còn Sư đoàn 324 đánh chiếm các điểm cao 224, 303 và Núi Bông. Tuyến phòng ngự phía Tây đường số 1 từ Lương Điền đến Phú Lộc của địch bị đánh sập. Trước sức tấn công mạnh mẽ của ta, Bộ Tư lệnh Quân đoàn I - ngụy đã lên máy bay bỏ chạy về Đà Nẵng. Mất chỉ huy và trước áp lực của ta, quân địch ở Huế bắt đầu rối loạn, mất ý chí chiến đấu.

Đến ngày 22-3, Trung đoàn 18 (Sư đoàn 325) đã cắt đứt đường số 1 dài 4km từ Ràng Bò đến Bạch Thạch. Sau đó, tuyến phòng ngự của địch tại sông Mỹ Chánh bị vỡ, cánh quân phía Bắc Quân đoàn I - ngụy bị ta bao vây từ ba phía. Sáng ngày 23-3, Sư đoàn 324 vu hồi qua điểm cao 303 và Mỏ Tàu, đánh thẳng ra ven biển Bắc Phú Lộc, còn Sư đoàn 325 đánh chiếm Mũi Né, Phước Tượng, bịt chặt cửa Tư Hiền. Ở phía Bắc, các Trung đoàn 4, 46 và 271 bám theo sát gót cánh quân ngụy đang tháo chạy ra cửa biển Thuận An. 

Trên hướng chính diện, chiều ngày 23-3, Trung đoàn 101 (Sư đoàn 325) đánh chiếm Lương Điền, áp sát sân bay Phú Bài, mở cánh cửa vào Huế từ phía Nam. Trung đoàn 46 phá vỡ phòng tuyến sông Bồ, đánh chiếm quận lỵ Quảng Điền, Quảng Lợi, Hương Cần, cầu Thanh Hà, cầu An Hòa, mở cửa vào Huế từ phía Tây Bắc. Ngày 24 và 25-3, Trung đoàn 3 (Sư đoàn 324) và Trung đoàn 101 (Sư đoàn 325) đã đánh chiếm được sân bay Phú Bài, quận lỵ Hương Thủy, theo đường số 1 tấn công vào thành phố Huế, phát triển đến An Cựu. Các Trung đoàn 1 (Sư đoàn 324), 4 và 271 được sự yểm trợ của xe tăng và pháo binh ta đã đánh tan bộ phận còn lại của địch chưa kịp rút lên tàu tại Hương Thủy, Lương Thiện, Kệ Sung, Cự Lại.

Đến chiều ngày 25-3, hầu hết các mục tiêu quan trọng của địch trong thành phố Huế như căn cứ Mang Cá, Sở chỉ huy Quân đoàn I, Đại Nội... đã bị các lực lượng của ta đánh chiếm. Quân đội ngụy - Sài Gòn tại Huế vỡ trận, ta bắt sống gần 60.000 tên. Ngoài ra, ta cũng thu giữ nhiều phương tiện chiến tranh của địch, trong đó có 140 xe tăng, xe bọc thép, hơn 800 xe quân sự khác và khoảng một vạn tấn đạn. Cũng trong ngày này, lực lượng vũ trang Quân khu 5 đã giải phóng hoàn toàn Quảng Nam và Quảng Ngãi, phá vỡ tuyến phòng thủ đồng bằng ven biển của địch ở phía Nam Đà Nẵng.

Cùng ngày, Bộ Chính trị đã hạ quyết tâm giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam trước mùa mưa (tháng 5-1975). Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương cũng thông qua kế hoạch giải phóng Đà Nẵng và quyết định thành lập Bộ Tư lệnh mặt trận Quảng Đà do Trung tướng Lê Trọng Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng, được làm Tư lệnh, Thiếu tướng Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu 5 làm Chính ủy. Sau đó, Bộ Tư lệnh mặt trận đã lên kế hoạch tác chiến với phương châm “Nhanh nhất, kịp thời nhất, táo bạo nhất, nhưng chắc thắng”. Sáng ngày 28-3, Trung đoàn Pháo binh 84 và 164 tại các trận địa Sơn Thạch, Sơn Khánh, đèo Mũi Trâu đã pháo kích dữ dội vào các căn cứ của địch tại thành phố Đà Nẵng, sau đó các đơn vị bộ binh ta đồng loạt tiến công thành phố từ 4 hướng.

Tại hướng Tây Nam, Trung đoàn 66 đánh chiếm quận lỵ Ái Nghĩa và sân bay Nước Mặn, còn Trung đoàn 24 (Sư đoàn 304) tấn công căn cứ Hòa Cầm và Tòa thị chính thành phố. Lữ đoàn 369 thủy quân lục chiến phải lùi về An Đông, Mỹ Khê và bị Sư đoàn 2 (Quân khu 5) hợp vây. Hơn 3.000 tân binh địch tại trại Hòa Cầm nổi loạn, bắn giết các sĩ quan chỉ huy, phá doanh trại, ra hàng quân ta. Ngày 29-3, sau khi vượt qua các chốt chặn của địch ở trên đèo Hải Vân, Sư đoàn 325 tràn xuống đánh chiếm kho xăng Liên Chiểu, cầu Nam Ô, mở đường cho xe tăng tiến ra bán đảo Sơn Trà và Quân cảng.

Còn tại hướng Tây Bắc, trưa ngày 29-3, Trung đoàn 9, bộ binh của Sư đoàn 304 được sự yểm trợ của xe tăng đã đánh chiếm Sở chỉ huy Sư đoàn 3 - ngụy và toàn bộ khu vực Phước Tường, Hòa Khánh. Ở hướng Nam, Sư đoàn 2 được tăng cường 1 tiểu đoàn xe tăng và 1 tiểu đoàn pháo binh đã đánh chiếm khu vực Bà Rén, địch đánh sập cầu Bà Rén nhưng không cản nổi bước tiến của bộ đội ta

Sáng ngày 29-3, Vĩnh Điện, cứ điểm phòng thủ vòng ngoài cuối cùng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại phía Nam Đà Nẵng bị Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đánh chiếm. Trung tướng ngụy Ngô Quang Trưởng và các chỉ huy cao cấp của địch dùng trực thăng bỏ chạy ra biển. Trưa ngày 29-3, tất cả các mục tiêu quan trọng như Tòa thị chính, sân bay Đà Nẵng, sân bay Nước Mặn, Đài phát thanh, Ty Cảnh sát... đều được giải phóng.

Như vậy, trong thời gian chưa đầy một tháng, quân và dân ta đập tan hệ thống phòng thủ của địch tại miền Trung, giải phóng 5 tỉnh, thành phố là Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Kết thúc chiến dịch, ta loại khỏi vòng chiến đấu 120.000 tên địch, tiêu diệt và làm tan rã 3 sư đoàn bộ binh, 1 sư đoàn thủy quân lục chiến, 4 liên đoàn biệt động quân, 4 thiết đoàn, 1 sư đoàn không quân. Đồng thời, thu giữ 129 máy bay, 179 xe tăng, 327 khẩu pháo, hơn 1.100 xe quân sự và tàu, xuồng các loại. Chiến dịch đã trực tiếp đập tan âm mưu co cụm chiến lược của chính quyền ngụy - Sài Gòn, đồng thời, cùng với Chiến dịch Tây Nguyên đã góp phần quyết định làm thay đổi về tương quan lực lượng, thế cục theo hướng có lợi cho ta, góp phần đẩy nhanh tới Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Trọng Thành

Bình luận

ZALO