Biên phòng - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa đề xuất trích 6.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại lao động bị mất việc, có nguy cơ mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nếu chính sách được ban hành, dự kiến có khoảng 1 triệu lao động được hỗ trợ tối đa 6 tháng với mức 1 triệu đồng/tháng.
Trước thông tin trên, các doanh nghiệp kỳ vọng, chính sách lần này sẽ tạo điều kiện cho người sử dụng lao động có thể tiếp cận thuận lợi hơn. Bởi, các gói hỗ trợ trước do những quy định khá ngặt nghèo nên nhiều doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện được hưởng hỗ trợ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, đáng lẽ ra việc hỗ trợ đào tạo lại lao động cần được ban hành sớm để kịp thời hỗ trợ hàng vạn lao động gặp khó khăn do dịch bệnh kéo dài. Tính đến hết quý I-2021, cả nước có hơn 30 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập...
Theo quy định hiện hành, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là khoản ngân sách dùng ngoài việc hỗ trợ lao động không may mất việc hoặc giảm giờ làm còn dùng để đào tạo lại lao động.
Mặc dù vậy, nhiều năm nay, nguồn quỹ này mới chỉ tập trung vào việc trợ cấp cho lao động sau khi mất việc, phần đào tạo lại, hỗ trợ học nghề cho người lao động chưa thực sự được chú trọng.
Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã phải thay đổi cơ cấu, quy trình công nghệ, cắt giảm lao động, giảm giờ làm... Nhưng đến nay, chưa có doanh nghiệp nào được hỗ trợ đào tạo lại lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Vì các điều kiện đặt ra chưa rõ ràng như: quy mô lao động bị cắt giảm; mức độ thua lỗ trong sản xuất, kinh doanh theo xác nhận của cơ quan thuế..., khiến doanh nghiệp khó tiếp cận.
Như vậy, nhìn rộng ra, gói hỗ trợ 6.000 tỷ đồng đào tạo lại lao động còn nhằm ứng phó với những thay đổi của thị trường lao động trong tương lai, khi người lao động hiện nay đang phải đối mặt với nguy cơ mất việc, việc làm bị thay thế bởi cách mạng 4.0.
Rõ ràng, vấn đề các nhà quản lý và doanh nghiệp quan tâm hiện nay là việc điều chỉnh các giải pháp để tổ chức thực hiện chính sách và sử dụng hiệu quả nguồn quỹ này, nếu không sẽ dẫn đến trục lợi.
Do vậy, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần có một chiến lược về đào tạo lại, trong đó xác định rõ những nhóm ngành, nghề nào thực sự cần thiết để đào tạo cho phù hợp. Rút kinh nghiệm từ các chương trình đào tạo, hỗ trợ việc làm trước đây, không phải cứ người lao động đăng ký cái gì dạy cái đó, càng không phải đào tạo lại một cách ồ ạt.
Muốn vậy, việc xây dựng chính sách nhất thiết cần có sự tham gia của doanh nghiệp. Vì chính các doanh nghiệp phải xác định được vị trí việc làm, cần lao động như thế nào, yêu cầu kỹ năng ra sao để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp.
Mặt khác, yêu cầu doanh nghiệp có báo cáo quyết toán tài chính của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ phải thể hiện doanh thu bị giảm từ 20% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 mới tiếp cận được hỗ trợ này, theo nhiều chuyên gia, vẫn còn mang cảm tính và không phù hợp, có thể gây khó cho doanh nghiệp tiếp cận.
Trên thực tế, không chỉ do ảnh hưởng của dịch mới khiến doanh nghiệp phải đào tạo lại lao động, mà điều này còn xuất phát từ chính nhu cầu đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng để tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Thiết nghĩ, không chỉ dừng lại ở hỗ trợ đào tạo lại cho lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chính sách của Nhà nước sẽ là tiền đề cho những chiến lược đào tạo có tính chất lâu dài và bài bản về sau.
Thanh Thảo