Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 05/06/2023 11:09 GMT+7

“Đánh thức” tiềm năng du lịch Bình Liêu

Biên phòng - “Ở Bình Liêu, người Kinh mới là dân tộc thiểu số” – Câu nói vui của anh cán bộ trẻ mà chúng tôi gặp lại là thực tế ở huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Bởi lẽ, hơn 90% dân số ở địa phương này là người Tày, Dao, Sán Chỉ, Hoa..., trong khi người Kinh chỉ chiếm chưa đến 10% dân số. Chính đặc trưng này đã tạo cho Bình Liêu một sức hút riêng để khai thác những thế mạnh vốn có là văn hóa và du lịch.

37yq_9a
Người Dao Thanh Phán ở Bình Liêu vẫn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống. Ảnh: Mai Hoàng

Lần đầu đến Bình Liêu, thấy chúng tôi ngạc nhiên về sự giản dị, tĩnh lặng đến buồn tẻ của thị trấn miền núi biên giới này, anh Vi Tiến Vượng – Chánh Văn phòng UBND huyện Bình Liêu cười hóm hỉnh: “Từ từ rồi sẽ yêu”. Ở Bình Liêu, vào mùa nào trong năm cũng có hoa nở: Nào là sắc đỏ tươi của hoa dong riềng; sắc trắng tinh khôi của hoa sở; sắc hồng của hoa hồi hay màu vàng dịu của hoa quế...

Nhắc tới huyện Bình Liêu, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh – ông Lãnh Thế Vinh tự tin ví vùng đất này giống như “Sa Pa của vùng Đông Bắc”. Bởi lẽ, không chỉ lưu giữ được những nét văn hóa riêng như: Nghệ thuật diễn xướng Then của người Tày, hát Sán cổ của người Dao, Soóng cọ của người Sán Chỉ..., Bình Liêu còn nổi tiếng với phong cảnh miền núi, biên giới hùng vĩ, nơi có bãi “đá thần” trên đỉnh núi Cao Ba Lanh, Cao Xiêm, thác Khe Vằn cùng những thửa ruộng bậc thang trải dài.

Từ những tài nguyên thiên nhiên này, mấy năm trở lại đây, Bình Liêu dành sự quan tâm lớn cho phát triển du lịch – dịch vụ. Nhờ đó, những lễ hội như Hội Soóng cọ, Hội Kiêng gió, Hội đình Lục Nà được khôi phục và ngày càng thu hút được sự tham gia đông đảo của du khách. Nhiều dịch vụ lưu trú, ăn nghỉ cũng bước đầu được đầu tư. Năm 2017, lượng khách du lịch đến với huyện Bình Liêu đạt khoảng 61.800 lượt, doanh thu từ du lịch bước đầu đã có những đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của huyện.

Đặc biệt, 3 năm trở lại đây, từ diện tích trồng cây sở bạt ngàn ở xã Đồng Tâm, Bình Liêu đã hình thành Lễ hội Hoa sở thu hút hàng chục nghìn du khách tới tham quan. Trò chuyện với anh Hoàng Trung Kiên, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm, cũng là người khởi xướng ra Lễ hội Hoa sở, anh cho hay: “Diện tích rừng sở ở Đồng Tâm rộng tới hơn 50ha. Thời kỳ trổ hoa của cây sở kéo dài trong 2 tháng. Lúc nở rộ, hoa sở chiếm tới 70% diện tích che phủ của các loại cây. Tôi tin, vẻ đẹp của rừng hoa trắng tinh khôi sẽ hấp dẫn bất kì du khách nào đặt chân đến đây. Thông qua Lễ hội Hoa sở, mọi người sẽ nhận ra giá trị mà loài cây này mang lại - đó là sản phẩm dầu sở chất lượng và an toàn”.

Niềm tin của Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Trung Kiên là hoàn toàn có cơ sở, bởi sau 3 kỳ lễ hội, nhiều giá trị văn hóa bản sắc của đồng bào dân tộc ở Bình Liêu đang được phát huy; sản phẩm dầu sở của Bình Liêu cũng bắt đầu mở ra hướng tiêu thụ mới.

Biết chúng tôi không có nhiều thời gian, nhưng với quyết tâm phải “khoe” được hết những vẻ đẹp riêng có của vùng đất này, anh Lê Đức Đại, Giám đốc Trung tâm Truyền thông huyện Bình Liêu nhiệt tình động viên tôi thu xếp thời gian để trải nghiệm chuyến đi dọc đường biên giới với chiều dài 42km. Tôi băng qua những vạt rừng quế, rừng hồi, vượt qua những thửa ruộng lúa lên xanh mướt, thấp thoáng màu khăn đội đầu đỏ rực rỡ của các cô gái người Dao Thanh Y, Thanh Phán..., bao mệt mỏi của cuộc sống đời thường dường như tan biến. Trải nghiệm rồi tôi mới hiểu tại sao các “phượt thủ” lại mê hành trình “phượt cột mốc” Bình Liêu đến thế.

Trên đường ra cửa khẩu Hoành Mô, chúng tôi tình cờ gặp bác Hoàng Ngọc Hoa, người dân tộc Tày. Hỏi thăm bác đường đến cột mốc biên giới quốc gia, bác Hoa chỉ dẫn tận tình từng khúc quanh, lối rẽ. Thấy chúng tôi ngạc nhiên về sự tường tận của bác, bác Hoa cười bảo: “Tôi là Tổ trưởng Tổ tự quản cột mốc biên giới thôn Đồng Cẩm. Không riêng tôi đâu, hỏi bất cứ cột mốc nào do thôn quản lý có số hiệu bao nhiêu, ở đâu, bà con trong thôn đều nắm rõ”.

Lưu lại Bình Liêu nhiều ngày mới hiểu, có một Bình Liêu đang nỗ lực để vươn lên từ những khó khăn, lạc hậu vốn tồn tại từ nhiều đời. Đáng trân trọng là, trong sự năng động, trăn trở để bứt phá, Bình Liêu vẫn giữ được cho mình không gian bao trùm bởi non nước xanh mướt, không khí trong trẻo và cuộc sống yên bình, giàu bản sắc của đồng bào các dân tộc...

“Từ từ rồi sẽ yêu” – Câu nói của Chánh Văn phòng Vi Tiến Vượng, chúng tôi đã thực sự thấm thía, sau những trải nghiệm thú vị ở vùng đất này...

Mai Hoàng

Bình luận

ZALO