Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:15 GMT+7

Đánh thức “mặt tiền” của biển (bài 4)

Biên phòng - “Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020-2025, đặt mục tiêu đến năm 2025, Khánh Hòa trở thành trung tâm kinh tế biển, trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước. Đến năm 2030, Khánh Hòa phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, trở thành đô thị trực thuộc Trung ương. Hàng loạt vấn đề cần được giải quyết tốt mới đạt được mục tiêu của nghị quyết đề ra” – ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa mở đầu cuộc trao đổi.

Bài 4: Vẽ lại quy hoạch, thu hút vốn đầu tư

Nhắm vào những “ông lớn” quốc tế

Nhìn lại lịch sử hơn 25 năm triển khai các chương trình kinh tế trọng điểm và các dự án lớn của tỉnh Khánh Hòa, nó giống như những cuộc “tập trận” từ thực tiễn. Với phương châm vừa làm, vừa học hỏi, vừa điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện phát triển cụ thể, tạo được hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối tốt, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến hợp tác làm tại tỉnh Khánh Hòa.

Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1, thị xã Ninh Hòa đang khẩn trương xây dựng. Ảnh: Lệ Thy

Tỉnh Khánh Hòa đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện điều chỉnh quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Nha Trang đến năm 2040; điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Phong và xây dựng đề án về cơ chế, chính sách phát triển Vân Phong theo kế hoạch đề ra, đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ. Đây là những việc lớn, mang tầm chiến lược, có ý nghĩa định hướng đối với phát triển của tỉnh trong thời gian dài.

Trước mắt, tỉnh sẽ tập trung thu hút đầu tư theo định hướng phát triển 4 chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm (chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình phát triển đô thị, chương trình phát triển kinh tế - xã hội miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chương trình phát triển nguồn nhân lực) và 3 vùng động lực phát triển của tỉnh Khánh Hòa gồm vịnh Vân Phong, thành phố Nha Trang và Cam Ranh. Cùng với đó, thu hút dự án FDI (đầu tư nước ngoài) để xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng tại khu kinh tế ven biển và các khu công nghiệp.

“Điều chỉnh quy hoạch của tỉnh lần này theo sẽ hướng hiện đại, đồng bộ, cởi mở hơn, trong đó, sẽ xây dựng phát triển một hệ sinh thái các ngành nghề bổ sung, hỗ trợ, cộng hưởng lẫn nhau để phát triển. Tập trung trọng tâm, trọng điểm cho một số ngành có thế mạnh gắn với chiến lược phát triển kinh tế xanh dương và xây dựng đô thị thông minh hiện đại như: Hậu cần cảng biển, du lịch cao cấp, công nghệ số, năng lượng... Đồng thời, sẽ xây dựng một số cơ chế, chính sách phát triển đặc biệt để thúc đẩy sự phát triển những vùng kinh tế động lực” – ông Tuân nêu thêm một số vấn đề mang tính xu thế mới.

Kinh tế thế giới có nhiều thay đổi, xu hướng các nhà đầu tư nước ngoài đang dịch chuyển đến Việt Nam, một đất nước ổn định và an toàn. Khánh Hòa xác định đây là cơ hội, phải nhanh chóng vẽ lại quy hoạch để thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài. Quy hoạch tổng thể mang tính hiện đại sẽ thu hút được những “ông lớn” quốc tế vào đầu tư. Lần điều chỉnh quy hoạch này, có sự hỗ trợ của một số đơn vị trong nước và Mỹ, Nhật Bản giúp tỉnh Khánh Hòa lập quy hoạch mới, mang tính hiện đại.

Sức bật của Vân Phong

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Chương trình xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu cụ thể là thu hút vốn đăng ký đầu tư mới vào tỉnh giai đoạn 2021-2025 tối thiểu đạt 250.000 tỷ đồng, trong đó, khu kinh tế tối thiểu đạt 150.000 tỷ đồng, vốn giải ngân tối thiểu đạt 75.000 tỷ đồng. Tỉnh tiếp tục thực hiện mục tiêu ưu tiên thu hút đầu tư dự án công nghiệp lớn vào các khu công nghiệp.

Theo đó, sẽ đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng giao thông chiến lược kết nối Vân Phong và các khu vực khu vực khác, như đường bộ cao tốc Nha Trang – Buôn Ma Thuột kết nối với Vân Phong, cao tốc Nha Trang – Vân Phong, cao tốc Tuy Hòa – Vân Phong, cao tốc Nha Trang - Đà Lạt. Chính phủ đã đồng ý đâu tư nâng cấp sân bay Tuy Hòa để phục vụ Khu kinh tế Nam Phú Yên và Vân Phong. Các trục hạ tầng quan trọng này sẽ là động lực để phát triển kinh tế cho toàn vùng. Tiếp tục đầu tư, mở rộng các khu công nghiệp: Ninh Hải, Dốc Đá Trắng, Ninh Tịnh, Vạn Thắng, Nam Cam Ranh...

Vịnh Vân Phong vừa phát triển nuôi trồng thủy sản, vừa phát triển du lịch, cảng biển và công nghiệp. Ảnh: Lệ Thy

Trong 3 vùng kinh tế động lực của tỉnh Khánh Hòa, vịnh Vân Phong được ví như “quả đấm thép” kinh tế của tỉnh hiện tại và tương lai, đã có trên 4 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư, giải ngân hơn 1,2 tỷ USD. Bộ Giao thông vận tải quy hoạch vịnh Vân Phong loại cảng biển 1A, cảng lớn nhất Việt Nam. Xét về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên để xây dựng cảng trung chuyển thì vịnh Vân Phong được xếp vào hạng tốp của thế giới, độ sâu tự nhiên từ 20-40m, xung quanh núi bao bọc, trở thành vịnh kín gió bậc nhất, nằm sát với đường hàng hải quốc tế. Ở Bắc Vân Phong (Đầm Môn) và Nam Vân Phong đã có cảng đón tàu đến 70.000 tấn, sắp tới, có thể tiếp tục điều chỉnh tăng lên 100.000 tấn và tiềm năng còn hơn nữa.

“Trước đây, đã có nhà đầu tư nước ngoài tha thiết được xây dựng tổ hợp hóa lọc dầu, nhà máy sản xuất thép cỡ lớn... ở Vân Phong, Chính phủ không đồng ý, vì nó không đồng bộ cho sự phát triển tổng thể. Thời gian vừa qua, đã có nhiều nhà đầu tư đến Khánh Hòa muốn bắt tay hợp tác xây dựng cảng biển Vân Phong, chúng tôi chưa đồng ý vì chưa đủ tầm của một cảng trung chuyển container quốc tế (khu vực Đầm Môn, phía Bắc vịnh). Vân Phong là “báu vật” của quốc gia, hôm nay có thể chưa làm được thì ngày mai con cháu chúng ta làm nên những công trình tầm cỡ. Nếu nôn nóng làm những công trình nhỏ sẽ phá hỏng hết quy hoạch lâu dài. Quy hoạch Khu kinh tế Vân Phong thành trung tâm sản xuất công nghệ cao tổng hợp, gắn với cảng biển và các loại dịch vụ đẳng cấp. Cần lắm sự trợ giúp của Chính phủ để tạo nên một tinh thần bứt phá, tập trung phát triển có chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, tạo dựng nền tảng vững chắc để phát triển bền vững” – ông Nguyễn Tấn Tuân tóm lược.

Lấy kinh tế biển làm trọng tâm

"Khánh Hòa cần phải trở thành một tỉnh mạnh về biển và giàu, đẹp từ biển. Đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu các ngành kinh tế của tỉnh theo hướng đẳng cấp, chất lượng, đa dạng, kết nối với kinh tế biển; phục vụ phát triển kinh tế biển, lấy kinh tế biển làm trọng tâm" – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Khánh Hòa Trần Tuấn Anh chỉ đạo tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Khánh Hòa, ngày 11-5-2021.

Lệ Thy

Bình luận

ZALO