Biên phòng - Mục sư Điểu Hăng, Quản nhiệm Hội thánh Tin lành Báp-tít Tân Lợi, thuộc Giáo hội Báp-tít Việt Nam vừa là già làng uy tín, vừa là thành viên hội đồng già làng. Hàng chục năm nay, qua các phong trào xây dựng phát triển địa phương, xây dựng con người, ấp, xã văn hóa và đặc biệt xã Tân Lợi đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018, đều có công sức đóng góp tích cực của già làng, mục sư Điểu Hăng. Đặc biệt, mục sư Điểu Hăng còn dành nhiều tâm huyết giữ gìn bảo tồn bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số.
Anh Lê Viết Truyền, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Lợi, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước cho biết: Hiện nay, già làng Điểu Hăng đang làm nhà rông ở trước nhà để lưu giữ, trưng bày các vật dụng sản xuất lao động, các nhạc cụ đàn, trống và bộ cồng, chiêng truyền thống của người S’tiêng. Bên cạnh đó, già làng Điểu Hăng còn tích cực tham gia các hoạt động vì người nghèo, tặng quà cho bà con hằng năm. Trong đợt dịch Covid-19 vừa rồi, ông đã đi vận động tặng khẩu trang y tế, nước sát khuẩn và 300 phần quà (trị giá 90 triệu đồng) cho bà con có hoàn cảnh khó khăn...
Cùng với Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Quốc Duy và cán bộ dân tộc, tôn giáo xã Tân Lợi Đoàn Thị Thanh Hoài, chúng tôi đến ấp Sóc Trào A đúng lúc già làng, mục sư Điểu Hăng và vợ đang loay hoay chuyển chiếc trống vào đầu cột nhà rông. Chúng tôi liền phụ ông một tay. Chiếc trống thành gỗ bằng thân cây đục rỗng, bề dày cỡ gần gang tay người lớn, hai đầu bịt da bò, nặng dễ chừng gần 1 tạ.
Trong nhà già làng Điểu Hăng còn sở hữu bộ cồng chiêng quý. Để có được loại nhạc cụ khi đánh lên đúng âm thanh nguyên thủy của nó, già làng Điểu Hăng đã đi nhiều địa phương trong tỉnh để sưu tầm mua lại. Số cồng chiêng đã lâu giờ có cái bị “điếc”, bị bể, đánh không lên tiếng được, ông phải cất công tự lo chi phí ra tận thành phố Đà Nẵng để thuê thợ phục chế lại. Cồng chiêng phục chế xong để nguội, ông đánh thử và cốt tâm lắng nghe, âm thanh cồng, chiêng nghe trầm hùng tiếng sông núi thiêng liêng. Tiếng cồng, chiêng hay khi nó giữ được bản sắc và âm thanh truyền thống văn hóa của người dân S’tiêng. Già làng Điểu Hăng vui mừng khôn xiết và cảm ơn những thợ đúc nấu cồng, chiêng. Mong ước của ông là sưu tầm, tìm kiếm thêm nhiều bộ cồng chiêng nữa. Số cồng, chiêng nào cũ quá, hư hỏng thì đem ra nấu lại, ông không muốn nét văn hóa đặc trưng dân tộc mình bị mai một.
Hiện nay, ngoài bộ cồng, chiêng, trống độc mộc (trống làm bằng thân gỗ liền không ghép nhiều mảnh gỗ lại), trong nhà ông Điểu Hăng còn lưu giữ được một số nhạc cụ dân tộc S’tiêng, như tù và bằng sừng trâu, khèn bầu, đàn tre, trống nhỏ bằng gỗ bọc da, sáo và ché rượu cần. Ngoài ra, ông còn lưu giữ những dụng cụ sản xuất đặc trưng văn hóa của người S’tiêng... như rựa, dao, liềm, xà gạc, đồ tát cá, đơm bắt cá, dây thừng bện bằng mây để bắt thú rừng, dụng cụ bắt mối đan bằng tre, gùi đựng đồ khi lên nương, bu dùng để nhốt gà... khung dệt thổ cẩm, trang phục...
“Đó là những dụng cụ, nhạc cụ truyền thống của người dân S’tiêng. Nếu không làm điều đó, không giữ gìn, bảo tồn, chắc chắn nay mai sẽ mòn, sẽ mất. Văn hóa cồng, chiêng có ý nghĩa giáo dục con người gắn kết cộng đồng, dân chủ và đoàn kết, vì vậy, chúng tôi coi đó là báu vật truyền từ đời này sang đời khác...” - Già làng Điểu Hăng nói.
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lợi Đinh Quốc Duy cho biết, cuối mỗi tuần, ngoài dạy đánh cồng chiêng cho thiếu nhi dân tộc S’tiêng ở xã Tân Lợi (toàn xã có 274 hộ đồng bào dân tộc, ấp Sóc Trào A có 72 hộ dân tộc thiểu số đều người S’tiêng), già làng Điểu Hăng còn được cán bộ phụ trách văn hóa và cán bộ dân tộc tôn giáo xã An Khương, huyện Hớn Quản mời về dạy đánh cồng, chiêng cho con em dân tộc S’tiêng. Vừa sưu tầm gìn giữ và luôn bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc mình, già làng Điểu Hăng còn tích cực tham gia hoạt động từ thiện. Mỗi năm 2 lần, ông đều có hàng trăm phần quà từ việc vận động các nhà hảo tâm tặng người nghèo, người dân tộc thiểu số, khó khăn. Ngoài ra, ông còn mua 6 bộ trang sức cùng trang phục phụ nữ dân tộc S’tiêng để phục vụ múa hát trong các mùa lễ hội.
Tại Hội thi tiếng cồng, chiêng do xã An Khương tổ chức, mới đây, bộ cồng, chiêng của già làng Điểu Hăng được đánh giá là hay nhất trong các xã dự thi, tiếng vang trầm hùng nhất đúng như tiếng cồng chiêng xưa...
Duy Hiến