Biên phòng - Tuyến biên giới từ khu vực “cánh gà” phía Bắc cửa khẩu quốc tế (CKQT) Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum kéo dài đến “cánh gà” phía Nam, CKQT Lệ Thanh, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai được xem là hành lang giao thông quan trọng bậc nhất trên vùng “tam giác phát triển” Đông Dương. Trong thời gian qua, khu vực này là một trong những cung đường trọng điểm của hoạt động vận chuyển pháo trái phép. Mặc dù lực lượng chức năng đã nỗ lực đấu tranh, ngăn chặn, nhưng “cuộc chiến” chống pháo lậu đang gặp phải không ít khó khăn, thách thức.
Đào hầm trữ pháo
Nằm trên địa bàn xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, CKQT Bờ Y là điểm nóng nhất của “hành lang pháo cấm” trên vùng “tam giác phát triển”. Trong nhiều năm trở lại đây, chưa năm nào thực trạng mua bán, vận chuyển loại hàng cấm này có dấu hiệu hạ nhiệt, mặc dù luôn gặp phải sự đấu tranh quyết liệt không khoan nhượng của các lực lượng chức năng. Không thể nói do nhận thức pháp luật của những kẻ mua bán, vận chuyển các loại pháo qua biên giới là thấp, bởi bất kỳ đối tượng nào, kể cả bọn đầu nậu lẫn đám cửu vạn đi cõng thuê cũng đều tuân thủ “nguyên tắc ăn chia”, được thì cùng hưởng, mất thì cùng... hòa.
Nghĩa là nếu chẳng may “đụng” phải lực lượng chức năng thì cửu vạn cứ việc chạy thoát thân, số pháo cấm kia coi như trở thành “hàng vô chủ”. Mà, nếu trong “cuộc đua tốc độ” bằng chân không trên mọi loại địa hình biên giới kia, BĐBP có bắt được một vài đối tượng cõng thuê thì cũng rất khó để lần ra được “nhân vật chính” là những tay đầu nậu do thẩm quyền không cho phép. Họ phải nhanh chóng bàn giao đối tượng, tang vật cho cơ quan có đủ thẩm quyền để tiếp tục điều tra, xử lý. Ai cũng biết, đám cửu vạn cõng thuê chỉ là những “cái sảy” nhỏ, còn “ung nhọt” chính (đầu nậu) chưa bị bóc tách thì “nguồn bệnh” vẫn âm thầm lây lan.
Nói đến giới đầu nậu pháo cấm trên vùng ngã ba Đông Dương không thể không nhắc đến “nữ quái” Nguyễn Thị Bình - 29 tuổi, ở thôn Iệc, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi. Cái “chất quái” được thể hiện trong người phụ nữ nhỏ thó này không chỉ là ở số lượng pháo lớn được thị tàng trữ để bán dần, mà là cái cách cô ta ngụy trang, cất giấu. Để qua mắt lực lượng chức năng, Nguyễn Thị Bình liều lĩnh thuê người đào hầm, ngăn vách biến ngôi nhà ở của gia đình mình trở thành quả bom ngàn cân và đặt cả khu dân cư trước nguy cơ bị xóa sổ đôi khi chỉ vì một tàn thuốc lá.
Tuy nhiên, “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, sau quá trình theo dõi, bám sát mọi di biến động của đối tượng, ngày 20-7-2020, Đồn Biên phòng CKQT Bờ Y, BĐBP Kon Tum phối hợp với Công an huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum triển khai thực hiện Chuyên án 720P, mở cuộc đột kích “boong ke” pháo cấm của Nguyễn Thị Bình tại thôn Iệc.
Trong ngôi nhà hai gian liền kề, các trinh sát phát hiện một trong hai căn hầm được đào sâu dưới đất và xây kiên cố chứa tới 40 bao xác rắn màu xanh đựng đầy pháo với trọng lượng lên đến 1.141kg. Tiếp tục kiểm tra mở rộng hiện trường xung quanh nhà đối tượng Nguyễn Thị Bình, lực lượng chức năng phát hiện thêm 6 bao cùng chủng loại, bên trong chứa 204kg pháo nổ được cất giấu trong bãi cỏ phía sau ngôi nhà của đối tượng.
Trước chứng cứ không thể chối cãi, Nguyễn Thị Bình đã bước đầu khai nhận, số tang vật nêu trên đều là pháo nổ được đối tượng mua vào dịp trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 từ Lào, với số tiền 120 triệu đồng rồi đưa về Việt Nam nhằm mục đích bán kiếm lời. Do chưa tìm được “đối tác” giao dịch, Nguyễn Thị Bình đã cho xây hai căn hầm trong nhà để cất giấu chờ thời cơ tiêu thụ.
Điểm nóng trên sông Sê San
Theo số liệu thống kê, tính từ đầu năm 2020 đến thời điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, BĐBP 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai đã bắt được hơn 3 tấn pháo nổ mua bán, vận chuyển trái phép qua biên giới (Kon Tum gần 2 tấn, Gia Lai hơn 1,3 tấn).
Có thể nói, thực trạng mua bán, vận chuyển pháo qua biên giới 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai hiện đang diễn biến cực kỳ phức tạp do tính chất địa bàn và “nguồn cung” dồi dào, giao dịch tiện lợi từ phía đối diện. Tội phạm mua bán, vận chuyển pháo cấm qua biên giới giống như chiếc bong bóng cao su, bóp nghẹt chỗ này thì phình ra chỗ khác. Một số điểm nóng tồn tại từ nhiều năm trước như khu vực cánh gà CKQT Bờ Y và CKQT Lệ Thanh khi bị BĐBP đánh mạnh đã bắt đầu chuyển hướng “san sẻ” hàng trên đường mòn, lối mở, thậm chí được vận chuyển về bằng ghe thuyền trên các con sông, con suối chảy dọc biên giới.
Trong số này cần phải kể đến đó là điểm nóng đầy “tiềm năng” trên sông Sê San (khu vực biên giới tiếp giáp 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai). Liên tiếp từ cuối tháng 12-2020 đến nay, Đồn Biên phòng Ia O (BĐBP Gia Lai) và Đồn Biên phòng Sê San (BĐBP Kon Tum) đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển pháo nổ với số lượng lớn qua biên giới, trong đó, có vụ số lượng lên đến hơn 211kg pháo nổ.
Điển hình là ngày 26-12-2020, Đồn Biên phòng Ia O phối hợp với Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP Gia Lai tổ chức tuần tra, mật phục tại khu vực nhánh 2 đường tuần tra biên giới (bên dòng sông Sê San) thì phát hiện 3 đối tượng chạy xe gắn máy chở 5 bao tải màu trắng chứa đầy pháo. Bị lực lượng chức năng truy đuổi, 3 đối tượng vứt bỏ phương tiện, tang vật, chạy trốn vào rừng.
Qua kiểm tra số tang vật nêu trên, BĐBP phát hiện 120 hộp giấy ghi chữ nước ngoài (sau này được xác định là pháo), có tổng trọng lượng 211,5kg. Đồn Biên phòng Ia O đã ra quyết định tạm giữ phương tiện, tang vật, lập biên bản niêm phong số tang vật nêu trên, sau đó, chuyển giao cho Công an huyện Ia Grai (Gia Lai) tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Ở bờ bên kia con sông Sê San, thuộc địa phận tỉnh Kon Tum, thực trạng mua bán, vận chuyển pháo qua biên giới cũng được xác định là điểm nóng. Cụ thể, ngày 12-1-2021, Đồn Biên phòng Sê San phối hợp với Đội Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP Kon Tum tuần tra, mật phục tại khu vực thôn 8, xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai, đã bắt giữ đối tượng Trần Văn Nhật (44 tuổi), trú tại làng Kloong, xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, thu giữ 5 bao tải pháo nổ do Trung Quốc sản xuất (tổng trọng lượng 180kg).
Tiếp tục đấu tranh khai thác, Trần Văn Nhật khai, toàn bộ số hàng nói trên là của đối tượng tên Bình ở thành phố Pleiku (Gia Lai) thuê Nhật vận chuyển từ bên kia biên giới về Việt Nam với số tiền công 1 triệu đồng. Đồn Biên phòng Sê San đã hoàn chỉnh hồ sơ ban đầu, tiến hành bàn giao đối tượng, tang vật, phương tiện vi phạm cho Công an huyện Ia H’Drai (Kon Tum) mở rộng điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Đại úy Nguyễn Thanh Hà, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ia O, BĐBP Gia Lai cho biết: “Thực trạng mua bán, vận chuyển pháo qua biên giới diễn biến ngày càng phức tạp. Đơn vị đã tăng cường phối hợp với Đồn Biên phòng Sê San và các lực lượng chức năng đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát để đấu tranh, ngăn chặn. Bên cạnh sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, chúng tôi tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức cho các chủ phương tiện đường bộ và đường thủy lưu thông trên biên giới ký cam kết thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về xuất nhập cảnh, tuyệt đối không được vận chuyển người, hàng hóa trái phép...”.
Thái Kim Nga