Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:13 GMT+7

Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV:

Dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật

Biên phòng - Ngày 19-10, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn Phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì Họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Tổng Thư ký Quốc hội thông tin các vấn đề xoay quanh kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Linh Đan

Theo thông tin từ buổi họp báo, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành 7 ngày cho công tác xây dựng pháp luật (chiếm khoảng 37% tổng thời gian của kỳ họp) để xem xét, thông qua 7 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến đối với 4 dự án luật khác.

Cụ thể, các dự án luật, nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Cư trú (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh vào hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế…

Thông báo về dự kiến chương trình và nội dung của kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cho biết: Trong kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các nội dung về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Ngoài ra, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020.

Ngoài ra, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận; Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An. Quốc hội sẽ nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV; Nghe Báo cáo về hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong năm Chủ tịch AIPA.

Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày để xem xét các báo cáo và tiến hành chất vấn về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII. Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ thảo luận, góp ý kiến về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026…

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào sáng 20-10-2020. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 19 ngày, tiến hành theo 2 đợt. Đợt 1: Họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến các điểm cầu tại Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (từ ngày 20 đến ngày 27-10); Đợt 2: Họp tập trung tại Nhà Quốc hội (từ ngày 2 đến ngày 17-11-2020). Quốc hội họp phiên bế mạc vào ngày 17-11-2020.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tập trung xem xét, thảo luận và quyết định về dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam. Trước đó, dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV; Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 47. Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này gồm 6 chương, 36 điều, quy định chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, hoạt động, lực lượng, bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về biên phòng. Những nội dung của dự thảo Luật tiếp tục xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, gồm: Tên gọi, khái niệm “Biên phòng” và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; chính sách của Nhà nước về biên phòng; nhiệm vụ biên phòng; lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng; các hành vi bị nghiêm cấm; nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân; phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng; hợp tác quốc tế về biên phòng; vị trí, chức năng của BĐBP; nhiệm vụ của BĐBP; quyền hạn của BĐBP; hình thức quản lý, bảo vệ biên giới; biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới; trang bị của BĐBP; bảo đảm về biên phòng và chế độ, chính sách về biên phòng; bố cục của dự thảo Luật; trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…

Linh Đan

Bình luận

ZALO