Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:10 GMT+7

Dành nguồn lực tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Biên phòng - Ngày 13-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của QH và thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự.

bhvaq3l8k2-4560_f_jm0nz6z30_CTQH_Nguyen_Thi_Kim_Ngan
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu cho ý kiến tại phiên thảo luận báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của QH. Ảnh: Quốc hội

Theo báo cáo tra của Ủy ban Pháp luật của QH, thời gian qua, với sự quan tâm và quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác xây dựng pháp luật đã có nhiều chuyển biến tích cực, trở thành một trong những công tác trọng tâm, thường xuyên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Từ năm 2014 đến nay, Chính phủ được giao chủ trì chuẩn bị 75 dự án luật, pháp lệnh dự kiến phải được ban hành, sửa đổi, bổ sung để triển khai thi hành Hiến pháp. Sau gần 5 năm thực hiện, Chính phủ đã trình ban hành được 54 luật, pháp lệnh, đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và 2019 4 dự án; còn lại 17 dự án chưa đưa vào chương trình.

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga băn khoăn “Chúng ta đang cầm một luật trên tay mà không biết luật này đã bị sửa bởi những luật nào và sẽ bị sửa đổi luật nào trong thời gian tới. Nhân dân không yên tâm về tính ổn định, dẫn đến ảnh hưởng nhiều đến chính sách, tâm lý của người dân và nhà đầu tư…” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, hệ thống pháp luật của chúng ta khá đầy đủ, toàn diện, nhưng việc tuyên truyền, tổ chức thực hiện không tốt, nên gặp nhiều vướng mắc khi thi hành, dẫn đến tình trạng luật mới được ban hành đã đề xuất sửa.

Góp ý cho báo cáo của Chính phủ, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ phải dành thêm quỹ thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, tránh tình trạng thiếu đồng bộ, thống nhất hoặc Luật được thông qua, nhưng phải chờ thông tư hướng dẫn mới thực hiện. Ngoài ra, chúng ta chưa dành thời lượng và vị trí xứng đáng để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

“Đề nghị kỳ này dành nguồn lực để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, những vấn đề bức xúc trong xã hội mà nhân dân và cử tri quan tâm. Bởi trên mạng xã hội đang xuyên tạc sai sự thật, thậm chí sai hoàn toàn về các dự án luật mà chúng ta đang thảo luận…” - Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Thảo luận Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự, các đại biểu quan tâm đến quy định mới trong dự thảo Luật, việc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam và phối hợp giữa trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ với doanh nghiệp, cá nhân hoặc tổ chức trên địa bàn để tổ chức lao động cho phạm nhân được nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ QH quan tâm. 

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, nhiều ý kiến không tán thành với quy định trên vì cho rằng cần bảo đảm mục đích chính của công tác tổ chức lao động cho phạm nhân là nhằm giáo dục cải tạo phạm nhân, đồng thời phải bảo đảm an ninh, an toàn trong quá trình quản lý giam giữ và tổ chức lao động. Hoạt động lao động của phạm nhân phải được tổ chức trong trại giam hoặc tại khu sản xuất, điểm lao động thuộc khu vực quản lý của trại giam và phải có sự quản lý, giám sát chặt chẽ của cán bộ trại giam. Do đó, dự thảo Luật cho phép như trên sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự; tiềm ẩn rủi ro, nguy cơ phạm nhân trốn trại rất cao, không bảo đảm an ninh, an toàn trong việc quản lý phạm nhân.

Ngoài ra, một số ý kiến tán thành với dự thảo Luật, tuy nhiên quy định trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn để tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài cơ sở giam giữ là vấn đề mới, ảnh hưởng tới an ninh, trật tự và sự an toàn trong công tác quản lý phạm nhân, nên cần được nghiên cứu, xem xét thận trọng.

Viết Hà

Bình luận

ZALO