Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:18 GMT+7

Dành cả tuổi trẻ miệt mài “gieo con chữ” vùng biên

Biên phòng - Miệt mài, chịu đựng những khó khăn, vất vả, thiếu thốn, cô giáo trẻ miền xuôi Lê Thị Toan sẵn sàng đến những điểm trường vùng cao xa xôi của xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên để dạy chữ cho học sinh nghèo với mơ ước các em sẽ có được một tương lai tươi sáng hơn…

sfrl_16
Vào mỗi dịp cuối tuần, cô giáo Lê Thị Toan đều đưa các em học sinh của mình về nhà. Ảnh: Kim Nhượng 

Chiều chiều, khi mặt trời bắt đầu lặn xuống đỉnh núi, vào những dịp cuối tuần, người ta lại thấy bóng dáng một cô giáo với khuôn mặt xinh xắn cùng các em học sinh lội qua con suối nhỏ, tỏa về những ngôi nhà nằm xa xa lẩn khuất sau những triền đồi. Cô giáo Lê Thị Toan sinh ra và lớn lên tại mảnh đất hiếu học huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình - người đã có 10 năm gắn bó với mảnh đất vùng cao này.

Tháng 9-2009, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nam, Toan tình nguyện lên vùng cao của xã Chung Chải và Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé, dạy tiểu học và đã gắn bó với nơi này cho đến bây giờ. 10 năm ròng bám mảnh đất biên cương đã để lại cho cô giáo Toan biết bao kỷ niệm.

Cô Toan chia sẻ: “Khi mới lên đây nhận công tác, em được phân công vào điểm trường Cà Là Pá, xã Chung Chải dạy tiểu học, đến nơi nhận lớp chỉ thấy có 5, 6 em, cả một điểm trường tiểu học chỉ có 24 học sinh, mà hầu hết các em đi học đều không được học qua mẫu giáo, nên còn hồn nhiên, ngây ngô lắm. Từ trung tâm xã vào đây phải mất 16 cây số đi bộ, trèo đèo, lội suối. Tới mảnh đất không điện lưới, không sóng điện thoại, không nhà ở, việc đầu tiên của chúng em là lên rừng lấy tre về để dựng nhà, huy động bà con dân bản đan vách giùm rồi quây tạm mấy tấm bạt dựng lên. Mấy chị em ở với nhau. Nói là nhà thôi chứ thực ra nó như cái lều nhỏ”. 

Toan chia sẻ với chúng tôi những khó khăn, vất vả mà nghe nhẹ bẫng đúng như lời em nói: “Khổ chúng em quen rồi”. Anh Vừ A Và, Trưởng bản Cà Là Pá vẫn còn nhớ như in ngày cô giáo Lê Thị Toan lên đây dạy học, anh bảo: “Ngày ấy vất vả lắm, cô giáo lên đây chẳng có nhà để ở, thấy cô nhiệt tình ngày nào cũng vào từng nhà vận động bà con cho con đi học, thương cô giáo nên dân bản giúp cô dựng nhà. Vì thương, vì quý nên tuần nào bà con cũng tặng cô khi thì con gà, khi thì cân gạo, còn nhắc con em mình đi học thì đầu tuần mang cho cô bó củi”.

Năm 2016, trận mưa lớn đã làm con đường vào điểm trường Cà Là Pá sạt lở hết. Cô giáo Toan cùng 3 đồng nghiệp của mình lên điểm trường, cố gắng vượt qua suối để kịp đến lớp. Dòng nước đổ về nhanh làm sạt lở đất, cuốn luôn một đồng nghiệp của Toan, may sao cô giáo ấy bám được vào trụ bê tông của cống nước gần đó, rồi được dân bản chạy lên cứu kịp thời. 

Đó chỉ là một trong số những nguy hiểm mùa mưa lũ mà các thầy cô vùng cao nơi đây phải thường xuyên đối mặt. Khi chúng tôi hỏi Toan: "Vất vả là thế, sao một người trẻ như cô giáo lại bám trụ được ở nơi này?". Toan cười: “Nguy hiểm chúng em cũng quen rồi, chỉ sợ nhất là đêm tối. Vì cứ đêm là nhớ bố mẹ, nhớ con. Hồi mới vào đây, ngày nào em cũng khóc, tưởng như khóc hết nước mắt. Cuối tuần lại đi bộ 16 cây số, rồi mượn xe máy các anh chị ra tận trung tâm xã, cách đó cả chục cây số nữa mới có sóng điện thoại để gọi về cho mẹ, cho con trai”. 

Ở cái nơi xa xôi vào bậc nhất đất nước như xã Leng Su Sìn này, cái đói, cái khổ của đồng bào vẫn còn đó. Thế nhưng, những cô giáo trẻ như Toan cùng biết bao đồng nghiệp cùng trang lứa khác vẫn luôn chia sẻ, gắn bó với đồng bào và các em nhỏ nơi đây. 

Có lẽ, điều động viên nhất với cô giáo Toan là mỗi ngày lên lớp, được nhìn thấy học sinh đến lớp đầy đủ. Nhắc tới ngày 20-11, khuôn mặt bỗng nhiên rạng ngời lên, Toan bảo: “Em thích hoa dã quỳ lắm, cứ mùa này dã quỳ lại nở rộ khắp cả vạt rừng dọc đường đi xuống điểm trường, trông vàng óng. Mấy đứa nhỏ mặc váy dân tộc Mông, dân tộc Hà Nhì hòa vào hoa  dã quỳ đẹp vô cùng”...

Kim Nhượng

Bình luận

ZALO