Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 02/10/2023 11:15 GMT+7

Đánh án ma túy trên ngã ba Đông Dương

Biên phòng - Trong vòng 5 năm trở lại đây, cửa khẩu quốc tế (CKQT) Bờ Y nằm trên vùng ngã ba Đông Dương, thuộc địa bàn xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum nổi lên như một điểm nóng về hoạt động của tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Tây Nam. Cùng với những phương thức, thủ đoạn tinh vi, có tổ chức, hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn, song hầu hết đối tượng chính trong các vụ án đều là những “sát thủ mang gương mặt ngây ngô”. Với vẻ bề ngoài khờ khạo “một chữ bẻ đôi” không biết, nhưng những tên tội phạm này lại là mắt xích cực kỳ quan trọng trong các đường dây trung chuyển ma túy qua biên giới vào Việt Nam…

Bài 1: Mụn độc trên “sơn nữ vùng biên”

Phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng, chúng tôi mới đặt bút viết về Đắk Mế, một ngôi làng của người đồng bào dân tộc thiểu số Brâu nằm trên vùng ngã ba Đông Dương theo chiều phản biện. Tại sao lại phản biện? Câu trả lời là, nếu nhìn về mặt diện mạo, Đắk Mế xứng đáng choán ngôi vị “sơn nữ vùng biên”, nhưng để ngôi làng nằm trong diện bảo tồn đặc biệt phát triển bền vững phải giải quyết dứt điểm những “mụn độc” mới phát sinh.

Ma túy gây nên nỗi đau trong cộng đồng người Brâu ở thôn Đắk Mế, xã Pờ Y, khiến cho nhiều người vợ mất chồng, con mất cha. Ảnh: Thái Nga

Từ dấu son làm nên vẻ đẹp hình thể…

Trên “bản đồ” 54 dân tộc anh em của Việt Nam thì người Brâu thuộc nhóm ngữ hệ Môn- Khmer, cùng nhóm với một số dân tộc tương đối đông người ở địa bàn Tây Nguyên như Xơ Đăng, Giẻ Triêng, Ba Na, M’Nông... Mặc dù vậy, khi nhìn vào bản đồ thực địa của cả nước thì người Brâu chỉ có duy nhất một ngôi làng đó là làng Đắk Mế, thuộc xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, với gần 200 hộ gia đình, khoảng 600 nhân khẩu sinh sống. Và đây chính là điều kiện để người Brâu ở Đắk Mế được Nhà nước đưa vào diện bảo tồn đặc biệt với sự quan tâm đầu tư cũng hết sức đặc biệt để tránh nguy cơ tụt hậu, ảnh hưởng đến sự tồn vong của một tộc người.

Thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đã có hàng trăm tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương được tập trung vào đây với những “hạng mục” đầu tư hết sức căn cơ nhằm cải thiện, nâng cao trình độ dân trí và đời sống dân sinh, bảo tồn văn hóa, bảo tồn giống nòi... Sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, cũng như nỗ lực của chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị lực lượng vũ trang ở địa phương đã giúp cho cộng đồng người Brâu ở Đắk Mế dần cởi bỏ được chiếc “vòng kim cô” đói nghèo, lạc hậu siết chặt từ bao đời nay, đưa người Brâu bước ra khỏi bờ vực của sự tồn vong giống nòi. Tất nhiên, để được như ngày hôm nay là cả một quá trình rất dài lâu với sự vào cuộc quyết liệt, vận hành trơn tru của bộ máy chính quyền các cấp ở tỉnh Kon Tum.

Nói chung quy lại thì người Brâu ở Đắk Mế hôm nay không chỉ vượt qua chính mình mà thậm chí còn vượt mặt một số ngôi làng người dân tộc thiểu số khác sinh sống trên cùng một địa bàn, nếu xét về lĩnh vực phát triển kinh tế, chất lượng dân số và điều kiện dân sinh.

Sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước đã tạo nên dấu son tươi sáng làm khỏe, đẹp “hình thể” của một tộc người yếu thế bậc nhất trong số 54 dân tộc anh em, đưa người Brâu vững bước trên con đường phát triển. Chính điều này đã tạo cho Đắk Mế diện mạo của một “sơn nữ vùng biên” vừa trẻ, vừa khỏe, lại vừa đẹp.

…Đến sự biến dạng về nhân cách

Sự thay đổi về nhân cách mà chúng tôi nói đến chỉ là một bộ phận nhỏ trong cộng đồng người Brâu ở thôn Đắk Mế. Đây là những đối tượng lười biếng lao động, nhưng lại ăn chơi đua đòi, trông chờ ỷ lại. Nằm trong dự án bảo tồn đặc biệt, Đắk Mế là địa bàn được thụ hưởng nhiều nhất những chương trình ưu đãi, trợ giúp về nguồn vốn, cây, con giống để tạo ra “chiếc cần câu” cho bà con thoát nghèo. Cùng với đó là sự đồng hành đầy tình thương và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đứng chân trên địa bàn, trong đó có Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y, BĐBP Kon Tum.

Tuy nhiên, bên cạnh “bức tranh” phát triển sống động đó, vẫn còn những “vết màu” lỗi, những con người thừa khả năng nhưng thiếu ý thức, khiến cho các chương trình trợ giúp trở nên vô hiệu: Cấp bò giống thì mang ra chợ bán hoặc... thịt, hỗ trợ cây giống thì phó thác cho tự nhiên. Và, một khi nhà nông mà không có nguồn thu nhập từ sản xuất nông nghiệp thì đương nhiên phải kiếm việc khác để làm.

Đối tượng Hà Văn trong Chuyên án KT420 bị BĐBP Kon Tum phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ ngày 25-6-2020 khi vận chuyển 5kg ma túy tổng hợp dạng đá và 1 kg Ketamine. Ảnh: Thái Nga

Trung tá Đặng Nguyên Hương, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y chia sẻ: “Để giữ bò giống cho dân sau khi được cấp, thậm chí chúng tôi siết chặt chuyện mua bán trong cộng đồng dân cư. Ai vào thôn Đắk Mế mua bò mà không đúng đối tượng là chúng tôi tham mưu cho chính quyền địa phương xử lý ngay. Mặc dù vậy, một khi gia đình nào đó không thiết tha với chương trình trợ giúp thì có giữ lại cũng èo uột, vật nuôi sống nay chết mai, không mang bán thì cũng làm thịt. Đây là biểu hiện của “căn bệnh” lười biếng lao động, trông chờ ỷ lại vào người khác...”.

Nhà nông mà lơ là chuyện làm nông, nói đúng hơn là lười biếng lao động thì sớm muộn cũng sẽ “sinh tật”. Thực tế cho thấy, đã có không ít đối tượng ở thôn Đắk Mế chọn cách sang bên kia biên giới kiếm tiền bằng con đường phi pháp, biến mình trở thành những “mắt xích” trung chuyển các mặt hàng lậu, hàng cấm, trong đó có ma túy và pháo nổ.

Một yếu tố cũng không kém phần quan trọng, làm méo mó hình ảnh của “sơn nữ vùng biên” trong 5 năm trở lại đây đó là mối quan hệ thân tộc giữa người Brâu ở Đắk Mế với một số khu dân cư bên đất bạn Lào. Lợi dụng sự qua lại thăm thân thường xuyên giữa hai bên, các đối tượng cầm đầu đường dây mua bán ma túy xuyên quốc gia đã câu móc, thậm chí là gài bẫy để số đối tượng lười biếng lao động tham gia vận chuyển ma túy thuê cho bọn chúng. Đổi lại, số tiền công cho một chuyến đi vài ba ngày như thế có khi bằng cả mùa làm rẫy. Sức mạnh của đồng tiền “nhơ bẩn” đã làm mờ mắt những tên tội phạm mang dáng dấp “hồn Trương Ba, da hàng thịt” (nhìn vẻ bề ngoài thì ngu ngơ nhưng bên trong thì đầy ranh ma lọc lõi). “Cung đường” trung chuyển ma túy trọng điểm được hình thành từ đây, với sự góp mặt của không ít đối tượng đến từ cộng đồng người Brâu ở Đắk Mế, làm lây lan những mụn độc trên cơ thể “sơn nữ vùng biên”.

Trong số 24 chuyên án và kế hoạch nghiệp vụ được BĐBP Kon Tum xác lập đấu tranh 5 năm qua thì có đến 7 vụ/12 đối tượng là người dân tộc thiểu số Brâu ở thôn Đắk Mế, xã Pờ Y, tang vật thu giữ gồm 14,5kg ma túy tổng hợp dạng đá, 600 viên ma túy tổng hợp, 1 khẩu súng ngắn quân dụng, 36 viên đạn, 230 triệu đồng, cùng một số tang vật có liên quan. Như vậy, nếu tính tỷ lệ dân số hiện tại là người Brâu ở thôn Đắk Mế thì đã có gần 3% số dân liên quan đến tội phạm ma túy - một con số rất đáng báo động và cần có những biện pháp mạnh mẽ quyết liệt hơn để chuyển hóa, làm trong sạch địa bàn.

Bài 2: “Lưới Biên phòng” trên cung đường chết

Thái Nga - Lê Đồng

Bình luận

ZALO