Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 02/06/2023 04:57 GMT+7

Đánh án ma túy trên ngã ba Đông Dương (bài 2)

Biên phòng - Dọc hai bên “cánh gà” phía Nam và phía Bắc cửa khẩu quốc tế (CKQT) Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, từ lâu được đánh giá là địa bàn trọng điểm về hoạt động của bọn tội phạm. Đây thực sự là “cung đường chết” cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, bởi địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, vắng người qua lại và đặc biệt là sự hiện diện của 2 “mặt hàng” gieo rắc nỗi kinh hoàng: Ma túy và pháo nổ. Mặc dù vậy, Phòng tuyến Biên phòng toàn dân luôn khép kín trên mọi nẻo đường biên giới…

Bài 2: “Lưới Biên phòng” trên cung đường chết

“Sắc lính” trinh sát và sự cẩn trọng trên từng… chiếc lá

Nếu không gặp Thiếu tá M (xin được giấu tên do yếu tố nghiệp vụ) ở Đồn Biên phòng CKQT Bờ Y, BĐBP Kon Tum thì chắc chắn chúng tôi không thể hình dung ra đây là một trinh sát dạn dày bản lĩnh và kinh nghiệm trên trận tuyến đấu tranh với “cái chết trắng” ở vùng ngã ba Đông Dương. Trở về đơn vị sau khi phá thành công Chuyên án KT 220, bắt giữ 2 đối tượng Thao Poóc và Thao Say (dân tộc Brâu), trú tại thôn Đắk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum vận chuyển 3kg ma túy tổng hợp dạng đá, nhiều người không nhận ra Thiếu tá M. Nước da thâm sạm “bọc” trên cơ thể gầy khô của anh là minh chứng sống động về nỗi vất vả gian truân của lính trinh sát đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP) trên vùng ngã ba Đông Dương.

Đối tượng Thao Póc và Thao Xay và tang vật 3kg ma túy tổng hợp dạng đá trong Chuyên án KT220. Ảnh: Thái Nga

- “Đã có lần nào đồng đội “tóm” nhầm anh chưa?” - Tôi hỏi đùa Thiếu tá M.

- Không đâu. Việc bố trí lực lượng vây bắt đối tượng tội phạm ma túy tại hiện trường luôn hiệp đồng chặt chẽ và khoa học. Tuy nhiên, quá trình đi trinh sát, thu thập thông tin thì phải hết sức khắt khe, ngoài người chỉ huy trực tiếp, không ai biết mình đang làm gì, ở đâu. Khắc nghiệt lắm anh ạ, có những chuyến đi, thậm chí khi trở về nhà con mình còn không nhận ra mặt bố - Thiếu tá M giải thích.

Nét “khô khan” chợt tan biến trong câu chuyện của người lính trinh sát đặc nhiệm PCMT&TP. Họ quyết liệt, mạnh mẽ và “khó lường” đối với bọn tội phạm chuyên gieo rắc “cái chết trắng” bao nhiêu thì càng dung dị, nhân từ khi trở về với phẩm chất người lính Biên phòng bấy nhiêu. Khác với vẻ bề ngoài của Thiếu tá M, Đại úy H (cũng xin được giấu tên) - người tham gia nhiều chuyên án, kế hoạch nghiệp vụ đánh bắt tội phạm ma túy của BĐBP Kon Tum trên khu vực CKQT Bờ Y lại có dáng người “cơ bắp” hơn. Sức khỏe, bản lĩnh là điều hết sức cần thiết đối với lính trinh sát PCMT&TP khi phải thường xuyên đối mặt với sự liều lĩnh, ranh ma của loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm này. Bởi, hầu hết các chuyên án, họ không chỉ đấu trí mà còn phải đấu sức với những “con thú” cuồng điên ở thế đường cùng. Có thể nói, trên “cung đường nóng” dọc hai bên cánh gà CKQT Bờ Y, không nơi nào mà không có dấu chân của Đại úy H.

“Giữa đại ngàn trên biên giới, để phán đoán đường, hướng của đối tượng thì chúng tôi phải quan sát mọi dấu hiệu. Ở chiều ngược lại, bọn tội phạm vận chuyển ma túy cũng vậy thôi, chúng sẽ ngay lập tức chuyển hướng khi phát hiện ra điều bất thường. Đánh án ma túy xuyên biên giới là phải đi không dấu, giấu không nói, nói không tiếng, cẩn trọng đến từng chiếc lá dọc đường...” - Đại úy H chia sẻ.

Cũng theo lời kể của Đại úy H, tội phạm ma túy trên vùng ngã ba Đông Dương nhìn bề ngoài có vẻ ngu ngơ khờ khạo, thậm chí là “một chữ bẻ đôi” cũng không biết. Tuy nhiên, ẩn giấu bên trong nét ngây ngô đó là sự lọc lõi ranh ma. Hầu hết những đối tượng liên quan đến người Brâu ở thôn Đắk Mế, xã Pờ Y bị bắt trong các chuyên án và kế hoạch nghiệp vụ do BĐBP Kon Tum xác lập, đấu tranh từ trước đến nay đều có điểm chung đó là ít chữ nhưng lắm mưu nhiều kế.

Các đối tượng có thể không viết được tên mình, song lại quá giỏi tương kế, tựu kế và đánh lạc hướng lực lượng chúc năng. Trong Chuyên án KT220, 2 đối tượng Thao Poóc và Thao Say (dân tộc Brâu, cùng ngụ ở thôn Đắk Mế) thực sự là những con cáo già khi vận chuyển 3kg ma túy tổng hợp dạng đá từ Lào về Việt Nam tiêu thụ. Để đánh lạc hướng lực lượng chức năng, 2 tên này thường “nhập vai” những thợ rừng, dùng xe máy độ chế đi đường vòng theo trục đường 18 qua biên giới Campuchia, sau đó mới bọc sang đất Lào để vào “điểm hẹn”. Tương tự, khi đã “ăn hàng”, lợi dụng thời điểm BĐBP đang căng mình phòng chống đại dịch Covid-19, 2 tên quay về theo cung đường cũ. Tuy nhiên, “vỏ quýt dày có móng tay nhọn” những tên tội phạm mang dáng dấp “hồn Trương Ba, da hàng thịt” vẫn không thể nào thoát khỏi “đôi mắt” sắc sảo của các trinh sát PCMT&TP BĐBP.

Còn đối tượng Hà Văn Ân (dân tộc Thái, có vợ là người dân tộc Brâu trú tại thôn Đắk Mế) bị bắt trong Chuyên án KT420 khi đang vận chuyển 5kg ma túy tổng hợp dạng đá và 1kg Ketamine, thì lại dùng tương kế, tựu kế để đối phó với lực lượng chức năng. Mọi cung đường tên này đi qua đều được hắn đánh dấu rất kỹ càng, đôi khi chỉ là chiếc lá, để khi quay lại nhìn vào đó mà quyết định nên đi tiếp hay chuyển sang hướng khác. Nên nhớ, giữa những cánh rừng đại ngàn biên giới, việc lần theo dấu vết tên tội phạm lọc lõi như Hà Văn Ân cũng giống như đi tìm sự khác biệt của một hạt cát giữa bãi biển mênh mông. Trinh sát PCMT&TP BĐBP cần phải biết “giấu mình” suốt hành trình phá án.

Những chiến công thầm lặng

Là người giữ “linh hồn” trong các vụ án đánh bắt tội phạm ma túy trên vùng ngã ba Đông Dương từ trước đến nay, song Đại tá QB vẫn luôn là “nhân vật bí ấn” trên bảng vàng thành tích của lực lượng PCMT&TP BĐBP Kon Tum. Anh chính là một trong những gương mặt xuất sắc của toàn tỉnh Kon Tum tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc năm 2020, nhưng chưa từng “lọt vào” ống kính của phóng viên trong các buổi lễ vinh danh. Đó là sự hy sinh thầm lặng, trên trận tuyến thầm lặng nhưng đầy rát bỏng, cam go.

Trực tiếp chỉ huy đánh án nên phần lớn thời gian làm việc của Đại tá QB đều dành cho cơ sở: Từ việc đi trinh sát thực địa, chỉ đạo mạng lưới trinh sát cơ sở thu thập sàng lọc thông tin, đến việc dọc ngang chiều dài đất nước, chiều dài biên giới để lần theo dấu vết tội phạm. Thậm chí có vụ án, Đại tá QB còn “hóa thân” một tay chơi chính hiệu trực tiếp “vào hang bắt cọp”.

5 đối tượng trong Chuyên án 918Lv do BĐBP Kon Tum phối hợp với Công an tỉnh Attapeu, Lào bắt giữ ngày 14-3-2020 cùng tang vật 60.000 viên ma túy tổng hợp, 2kg cần sa. Ảnh: Thái Nga

Để xác lập một chuyên án đấu tranh, bao giờ cũng vậy anh dành nhiều ngày liền ngồi một mình trước sa bàn giả định, phân tích, nhận định từng đường đi nước bước của đối tượng. Mọi tình huồng đều được đưa ra từ đây, ứng với đó cách xử lý giải quyết phù hợp nhất. Theo chia sẻ của Đại tá QB, làm như vậy là để tránh những bất trắc có thể xảy ra, gây ảnh hưởng đến sự an toàn về người, phương tiện tham gia đánh án.

Thế mới biết, đánh án ma túy không chỉ có tư duy khoa học, những nhận định, phân tích, đánh giá chặt chẽ, logic mà cần có sự am hiểu nhất định về đời sống tâm linh, tướng số. Bởi, những tên cầm đầu đường dây ma túy vẫn thường xem ngày, giờ tốt, xấu trước khi thực hiện những chuyến “giao dịch” phi pháp.

Thầm lặng mà mạnh mẽ, quyết liệt nhưng đầy tính kiên trì, những người lính chuyên trách PCMT&TP trên vùng ngã ba Đông Dương liên tiếp lập nên nhiều chiến công. Chỉ trong 5 năm trở lại đây, lực lượng PCMT&TP, BĐBP tỉnh Kon Tum đã chủ trì và phối hợp với các lực lượng chức năng như Đoàn Đặc nhiệm PCMT&TP miền Trung, Cục PCMT&TP BĐBP, Phòng PC 04, Công an tỉnh Kon Tum; Chi cục Hải quan CKQT Bờ Y và Công an nước bạn Lào đấu tranh thành công 24 chuyên án và kế hoạch nghiệp vụ, bắt giữ, xử lý 26 vụ/48 đối tượng tội phạm ma túy. Tang vật thu giữ gồm 17,5kg ma túy tổng hợp, 40 bánh heroin, 2,2kg Ketamine, 196.587 viên ma túy tổng hợp, 2kg cần sa, 5 xe ô tô, 14 xe máy, 2 khẩu súng, 3 viên đạn cùng nhiều tang vật có liên quan khác.

Chiến công của người lính PCMT&TP BĐBP trên vùng ngã ba Đông Dương không chỉ chặt đứt những “chiếc vòi bạch tuộc”, xóa bỏ ung nhọt chuyên gieo rắc “cái chết trắng”, từng bước chuyển hóa, làm trong sạch địa bàn trọng điểm, mà còn là những nét son tô thắm tình đoàn kết hữu nghị anh em giữa lực lượng bảo vệ biên giới hai nước Việt Nam - Lào. Theo thông tin chúng tôi ghi nhận được, mới đây, Giám đốc Công an tỉnh Attapeu, Lào đã đề nghị Bộ An ninh Lào trình Nhà nước tặng thưởng Huân chương cho 6 cá nhân của BĐBP Kon Tum vì đã đạt thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác phối hợp đấu tranh PCMT&TP, góp phần giữ vững an ninh biên giới, tạo tiền đề xây dựng vùng ngã ba Đông Dương phát triển năng động và ổn định.

Bài 3: Quyết liệt trong đấu tranh chống tội phạm ma túy

Thái Nga - Lê Đồng

Bình luận

ZALO