Biên phòng - Phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ của Đảng không chỉ là vinh dự lớn lao, mà còn giúp mỗi đảng viên trưởng thành hơn về lý tưởng cách mạng. Đối với thanh niên, khi tham gia nghĩa vụ quân sự tại các đơn vị, thật tự hào khi được đứng trước lá cờ Đảng, cờ Tổ quốc để tuyên thệ. Thế nhưng, sau khi xuất ngũ về địa phương, gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền khiến cho đảng viên trẻ gặp không ít khó khăn khi tham gia sinh hoạt ở các tổ chức cơ sở Đảng.

Các đảng viên là quân nhân khi xuất ngũ đều được đơn vị chuyển hồ sơ Đảng và giới thiệu đảng viên về tham gia sinh hoạt tại các chi bộ, đảng bộ ở địa phương. Khi tiếp nhận các quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, bước đầu tiên các Ban Chỉ huy Quân sự xã tiến hành sàng lọc, giới thiệu các đảng viên trẻ về sinh hoạt tại các chi bộ thôn, ấp. Một số đảng viên sẽ được tham gia vào các tổ chức chính quyền cơ sở.
Đơn cử như trường hợp của anh Trần Đức Hòa, ở ấp Thạnh Trung, xã Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh. Nhập ngũ vào lực lượng BĐBP Bình Phước năm 2010; năm 2011, anh vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Sau khi xuất ngũ, bằng năng lực của mình, anh được tín nhiệm giữ chức danh Bí thư Đoàn xã Lộc Thạnh và tham gia sinh hoạt đảng ở Chi bộ Quân sự xã Lộc Thạnh.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Thái, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Lộc Thạnh cho biết: “Hiện nay, xã Lộc Thạnh đang có 3 đồng chí từng là đảng viên ở các đơn vị bộ đội xuất ngũ trở về địa phương và giữ các chức danh trong chính quyền xã. Cả 3 đồng chí này đều được kết nạp vào Đảng trong quân ngũ. Các đảng viên là quân nhân xuất ngũ trở về đều có bản lĩnh chính trị, lập trường, tư tưởng vững vàng, tác phong làm việc nhanh nhẹn, chính quy, lối sống giản dị, nề nếp. Cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tạo điều kiện hết mức cho đi học lên đại học hoặc các lớp nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng công tác và đưa vào nguồn quy hoạch cán bộ chủ chốt trong chính quyền xã”.
Trên thực tế, không phải đảng viên trẻ nào sau khi xuất ngũ cũng có điều kiện để có thể tham gia sinh hoạt ở các tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền. Các quân nhân là đảng viên sau khi xuất ngũ, thời gian đầu cũng tham gia sinh hoạt ở các chi bộ thôn ấp rất đầy đủ, nhiệt tình. Nhưng một thời gian sau, vì cuộc sống mưu sinh, họ phải đi làm ăn xa, đặc biệt làm trong các công ty, doanh nghiệp tư nhân và có vốn đầu tư của nước ngoài thì việc duy trì các chế độ sinh hoạt hằng tháng ở các tổ chức Đảng là rất khó khăn.
Anh Phạm Văn Chính (sinh năm 1994), ở ấp 6, xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh vào Đảng trong thời gian tại ngũ năm 2015. Thời gian đầu, sau khi xuất ngũ, anh tham gia sinh hoạt ở Chi bộ ấp 6, xã Lộc Hòa. Thế nhưng, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, đất đai canh tác ít nên anh phải đi thành phố Hồ Chí Minh làm việc cho một cơ sở tư nhân. Vì điều kiện đi lại xa xôi và công việc bận rộn nên anh làm đơn xin miễn sinh hoạt Đảng. Đảng viên trẻ Điêu Xi, ở ấp Tà Tê 1, xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh, khi xuất ngũ, do cuộc sống gia đình quá khó khăn cũng đành phải làm đơn xin ra khỏi Đảng để đi làm ăn xa.
Theo ông Phạm Quốc Minh, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Phước: Từ trước đến nay, Tỉnh ủy Bình Phước rất quan tâm đến công tác xây dựng tổ chức Đảng trong doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài. Đến nay, tỉnh đã thành lập được 16 tổ chức Đảng trong doanh nghiệp tư nhân. Tỉnh ủy Bình Phước phấn đấu đến năm 2020, thành lập được từ 30 tổ chức Đảng trong doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài, trong đó có 10 tổ chức Đảng trong khu công nghiệp.
Thế nhưng, liệu những giải pháp trên có thể giải quyết được vấn đề cho các đảng viên, đặc biệt là các đảng viên trẻ là quân nhân xuất ngũ? Bởi thực tế, như đảng viên Phạm Văn Chính, ở ấp 6, xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh đang làm việc cho một cơ sở tư nhân chưa có tổ chức Đảng, mặc dù chi bộ có ý kiến chuyển sinh hoạt Đảng đến nơi tạm trú, song theo anh Chính, do điều kiện công việc bận rộn nên không nắm rõ được tình hình ở địa phương nơi tạm trú để có thể tham gia sinh hoạt, đóng góp ý kiến.
Một vấn đề nữa đang đặt ra, đó là, theo quy định, chỉ tiêu trên giao hằng năm khi tuyển gọi công dân nhập ngũ phải có ít nhất 2% là đảng viên. Trong các đơn vị quân đội, hằng năm cấp trên cũng giao chỉ tiêu phát triển thêm đảng viên mới. Trong khi gần như 100% sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng đã là đảng viên từ khi đang theo học ở các trường trung cấp, đại học trong quân đội.
Để đảm bảo chỉ tiêu trên giao thì việc phát triển đảng viên chỉ còn nhắm vào các đối tượng là hạ sĩ quan, binh sĩ. Đành rằng, công tác phát triển đảng viên mới là chủ trương đúng đắn nhằm bổ sung đội ngũ và góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao chất lượng chính trị, tư tưởng của đảng viên. Song hằng năm, số đảng viên là quân nhân xuất ngũ cũng khá nhiều, nhưng số đảng viên được bố trí, sắp xếp và sử dụng vào công tác, làm việc tại địa phương lại rất ít. Từ những thực trạng trên, vấn đề đặt ra trước tiên là, cần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn và phát triển đảng viên, bởi một cá nhân có ý thức xây dựng Đảng thì dù ở đâu, làm gì đều phát huy được tính chiến đấu trong Đảng.
Thêm nữa, cũng cần có sự vận dụng linh hoạt trong việc sinh hoạt, đóng góp ý kiến xây dựng tổ chức cơ sở Đảng. Chẳng hạn như việc các đảng viên đi làm ăn xa không tham gia sinh hoạt hằng tháng có thể đóng góp ý kiến bằng văn bản gửi về cho chi, đảng bộ. Và một giải pháp ở tầm vĩ mô, đó là, cần phải tạo việc làm ổn định tại chỗ cho các đảng viên trẻ. Đây là vấn đề không thể giải quyết trong ngày một, ngày hai và cũng không thể riêng một tổ chức Đảng nào có thể giải quyết được mà cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Theo số liệu thống kê của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 688 đảng viên là quân nhân xuất ngũ trở về địa phương thì có đến 34 đảng viên bị xóa tên trong danh sách đảng viên hoặc làm đơn xin ra khỏi Đảng do không tham gia sinh hoạt, đóng đảng phí và vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Và trong số 654 đảng viên còn lại, chỉ có 101 đảng viên tham gia sinh hoạt tại các chi bộ cơ quan, xã, phường, thị trấn... số còn lại tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, ấp, khu phố nơi cư trú. Điều này đồng nghĩa với việc 553 đảng viên là quân nhân xuất ngũ hiện nay đang làm các ngành nghề tự do hoặc làm công nhân cho các công ty, doanh nghiệp, nhưng chỉ có duy nhất một đảng viên sinh hoạt tại chi bộ doanh nghiệp tư nhân.
Hồng Ánh