Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:06 GMT+7

Đảng viên giúp đỡ hộ dân thoát nghèo

Biên phòng - Giai đoạn 2016-2020, huyện miền núi Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang có hơn 5.300 hộ vươn lên thoát nghèo; tỉ lệ hộ nghèo bình quân giảm 6%/năm. Đến năm 2020, cơ bản các mục tiêu, chỉ tiêu về giảm nghèo tại các nghị quyết, kế hoạch đã đạt và vượt so với mục tiêu đề ra. Thành tựu đó là kết quả của việc triển khai linh hoạt, sáng tạo nhiều chính sách, giải pháp giảm nghèo, trong đó có vai trò rất lớn của cán bộ, đảng viên.

Trung tá Kim Đình Tư thường xuyên tới thăm, tư vấn, giúp đỡ hộ nghèo phát triển sản xuất. Ảnh: Kim Đình

Mèo Vạc là một trong những huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Hà Giang. Địa phương này có địa hình hiểm trở, chia cắt mạnh và có độ dốc lớn, chủ yếu là núi đá, diện tích đất canh tác nông nghiệp ít. Thêm vào đó, thời tiết, khí hậu ở đây rất khắc nghiệt. Trong khi đó, trình độ canh tác, khả năng ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất của người dân còn hạn chế. Những yếu tố khách quan và chủ quan đó đã ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện biên giới này và cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho tỉ lệ nghèo đói ở đây cao hơn trung bình cả nước.

Do đó, để tạo ra sự đột phá, cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hộ nghèo, người nghèo có thêm cơ hội để vươn lên thoát nghèo, cũng như đổi mới cách tiếp cận, giúp đỡ hộ nghèo, những năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Mèo Vạc đã ban hành kế hoạch về việc giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo hằng năm và phân công cán bộ, đảng viên giúp đỡ hộ nghèo. Ngoài việc sử dụng hợp lý nguồn ngân sách do Nhà nước cấp, huyện Mèo Vạc đã chủ động, vận động, kêu gọi nguồn kinh phí xã hội hóa và nguồn đóng góp của nhân dân, với số kinh phí trên 98 tỉ đồng để thực hiện công cuộc giảm nghèo của huyện.

Để có cái nhìn thực tế về chủ trương “Đảng viên, đơn vị giúp đỡ hộ nghèo” đang được triển khai ở huyện Mèo Vạc, chúng tôi đã trò chuyện với Trung tá Kim Đình Tư, cán bộ Đồn Biên phòng Xín Cái, BĐBP Hà Giang được tăng cường giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã Xín Cái. Anh Tư đã nhiều năm gắn bó với đồng bào các dân tộc trên biên giới, thế nên, cũng là điều dễ hiểu khi anh luôn trăn trở với những khó khăn trong cuộc sống của người dân biên giới. Khi đảng ủy xã triển khai phân công đảng viên giúp đỡ hộ nghèo, anh Tư không ngần ngại nhận giúp đỡ 4 hộ gia đình bắt đầu từ năm 2019.

Việc đầu tiên anh Tư làm là tìm hiểu hoàn cảnh, điều kiện phát triển kinh tế của các hộ gia đình mà mình giúp đỡ. “Trên cơ sở điều kiện thực tế của người dân, tôi động viên, tư vấn giúp họ lựa chọn cây trồng, vật nuôi và các hướng phát triển kinh tế khác nhau” - anh Tư chia sẻ. Với sự giúp đỡ của anh Tư, đến nay, đã có một hộ dân thoát nghèo, đó là gia đình anh Hoàng Mí Cấu, thôn Lù Thàng. “Gia đình anh Cấu thuộc diện hộ nghèo sau khi tách khẩu ra ở riêng. Thu nhập của đôi vợ chồng trẻ này chỉ có nương, rẫy, ở trong ngôi nhà tạm cũ nát. Tôi đã tư vấn cho họ mở cửa hàng bán tạp hóa để tăng thêm thu nhập. Cùng với đó, hai vợ chồng vay mượn thêm tiền mua một chiếc xe ô tô tải cũ để chở hàng. Nhờ chăm chỉ làm ăn, tích góp, đến nay, gia đình anh Cấu đã thoát nghèo, xây được nhà mới, trả hết tiền vay nợ mua xe ô tô” - anh Tư kể.

Với 3 hộ gia đình còn lại, anh Tư tư vấn họ trồng cây ăn quả, trồng cây lanh dệt vải, rồi anh kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà giúp họ. Bản thân anh cũng thường xuyên bỏ tiền túi hỗ trợ các hộ này mua cây giống, con giống. Đến nay, cả 3 hộ dân đã đủ ăn. Mục tiêu thoát nghèo vẫn còn ở phía trước, nhưng anh Tư tin rằng, với nỗ lực của mình và sự cố gắng của người dân, mục tiêu đó sẽ sớm được hoàn thành.

Câu chuyện cụ thể của anh Tư cho thấy, nếu có cách làm phù hợp thì việc giúp dân xóa nghèo không còn là vấn đề nan giải. Quay trở lại việc phân công đảng viên, đơn vị giúp đỡ hộ nghèo của huyện Mèo Vạc, có thể thấy, quá trình triển khai thực hiện rất chặt chẽ, sát sao.

Trên cơ sở phân công phụ trách các xã, thị trấn, các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy Mèo Vạc, lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành được giao phụ trách các xã đã xuống cơ sở, phối hợp với Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn triển khai họp và tổ chức phân công cho từng cơ quan, đơn vị, cá nhân thực hiện, sau đó, xuống tận hộ gia đình, tiến hành rà soát, đánh giá nguyên nhân, nguyện vọng của hộ nghèo, qua đó, xây dựng phương án hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp nhằm giúp các hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững.

Để đảm bảo việc giúp đỡ các hộ gia đình thoát nghèo có hiệu quả, các cơ quan, cá nhân được giao phụ trách đã tiến hành lập biên bản, cam kết hỗ trợ các hộ gia đình, ngược lại, các hộ gia đình cũng ký cam kết thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ khi được giúp đỡ.

Những nội dung mà cán bộ đảng viên tập trung giúp đỡ hộ nghèo bao gồm: Hỗ trợ công cụ, phương tiện, vật tư sản xuất, cây con giống, vốn; hướng dẫn cách làm ăn, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh; tư vấn học nghề và tư vấn giới thiệu việc làm; hỗ trợ cải thiện nhà ở, tiếp cận các dịch vụ xã hội như tín dụng ưu đãi, hỗ trợ giáo dục, hỗ trợ y tế, hỗ trợ pháp lý.

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, các cá nhân được giao phụ trách đã hướng dẫn người dân xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, cách chi tiêu hợp lý... để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Sau 5 năm thực hiện chủ trương “Đảng viên, đơn vị giúp đỡ hộ nghèo” trên địa bàn biên giới huyện Mèo Vạc, đã có trên 6.900 hộ nghèo được giúp đỡ, hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần.

Trong đó, 4.882 hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo bền vững nhờ sự giúp đỡ này. Đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân ngày một nâng lên rõ rệt, nhất là những hộ nghèo, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Với kết quả bước đầu đáng ghi nhận ở huyện Mèo Vạc, chủ trương “Đảng viên, đơn vị giúp đỡ hộ nghèo” được xem là cách làm hiệu quả, làm cơ sở để nhân rộng ra các địa bàn khác.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO