Biên phòng - Trung đoàn 14 Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP) được thành lập ngày 1-4-1979, tại Tây Ninh. Sau một thời gian ngắn xây dựng đơn vị và huấn luyện khẩn trương, theo yêu cầu giúp bạn Campuchia, Trung đoàn 14 đã hành quân qua biên giới trực thuộc Quân đoàn 4. Nhiệm vụ của Trung đoàn 14 là truy quét, tiễu trừ tàn quân Pôn Pốt, xây dựng các căn cứ, phòng tuyến biên phòng vững chắc giúp bạn ở vùng biên giới Pua Xát, Campuchia suốt hơn 10 năm ròng rã. Trung đoàn 14 đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Ngày 29-3-2009, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 30 Ngày thành lập Trung đoàn 14, các cựu chiến binh từ nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc đã về Thủ đô Hà Nội họp mặt truyền thống. Cho đến nay, đã có thêm 4 lần nữa, ngày họp mặt truyền thống của đơn vị được tổ chức trang trọng và đầy xúc động. Rất vinh dự, tôi được mời tham dự cả 5 lần. Được gặp gỡ, hỏi chuyện các vị nguyên là lãnh đạo, chỉ huy, có vị vẫn đang tại ngũ với cấp hàm Thượng tướng và qua những câu chuyện tâm tình của các cựu chiến binh của Trung đoàn 14, tôi thật sự xúc động.
Hơn 10 năm giúp bạn, Trung đoàn 14 không chỉ chiến đấu giỏi, đánh thắng kẻ địch, mà còn thể hiện bản lĩnh, nghị lực phi thường và phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” để trụ vững và chiến thắng điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt chưa từng thấy cùng với bệnh tật triền miên. Ngày 25-1-1983, Trung đoàn 14 và Tiểu đoàn 218, thuộc Trung đoàn 14 đã được Hội đồng Nhà nước tuyên dương là “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Điều gì đã giúp Trung đoàn 14 lập công xuất sắc, anh hùng như vậy? Có nhiều lý do, nhưng lý do cơ bản nhất, xuyên suốt lịch sử xây dựng, chiến đấu, công tác và công trạng anh hùng của Trung đoàn 14 là do Đảng ủy của Trung đoàn 14 luôn giương cao ngọn cờ lãnh đạo, các vị chỉ huy luôn nêu gương sáng toàn diện trước mọi cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền.
Đảng ủy Trung đoàn 14 có 9 đồng chí, trong đó, Đại tá Đỗ Quang Viết, nguyên Chính ủy, Bí thư đầu tiên của Đảng ủy Trung đoàn được các cựu chiến binh nhớ và nhắc đến nhiều. Trên đường dài hành quân, mỗi khi thấy bộ đội mỏi mệt, gặp nơi thuận lợi, Đại tá Đỗ Quang Viết cho bộ đội nghỉ giải lao. Sau khi bố trí cảnh giới, ông yêu cầu mọi người tham gia biểu diễn văn nghệ như ca hát, ngâm thơ, đọc tấu... Rồi ông làm gương hát mở màn. Hôm thì ông hát “Hành quân xa”, hôm thì ông hát “Qua miền Tây Bắc”. Ông hát khá cảm xúc. Hát xong, ông kể: “Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, tôi là chiến sĩ, thường xuyên phải hành quân bộ ở miền Tây Bắc rừng núi hoang sơ, hiểm trở hơn ở rừng núi Pua Xát này nhiều”.
Tuổi quân của ông với những mốc son lịch sử anh hùng như vậy, cộng với phẩm chất cách mạng trong sáng, mẫu mực và năng lực lãnh đạo thể hiện từng ngày đã trở thành sự tin cậy của toàn Trung đoàn 14. Tính ông lại vui, hay cười, luôn quan tâm đến mọi người trong đơn vị nên anh em thấy dễ gần, dễ mến. Ông đúng là trung tâm đoàn kết của cả Trung đoàn.
Ở chiến trường Pua Xát, Campuchia, nhiều khi lương thực cạn kiệt trong mùa mưa, cán bộ, chiến sĩ phải ăn cháo nấu độn với môn thục hoang dại ở rừng để cầm hơi và chiến đấu. Những lúc như vậy, Chính ủy Đỗ Quang Viết luôn động viên, chia sẻ với mọi người nên không ai cảm thấy bị cơn đói dày vò. Đó là tình thương đối với cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền như tình mẹ thương con, là trách nhiệm của người lãnh đạo cao nhất của Trung đoàn. Chính ủy Đỗ Quang Viết muốn truyền cảm hứng và tinh thần lạc quan cho cán bộ, chiến sĩ. Những đêm, ông lặn lội đến nghĩa trang của Trung đoàn ở chân đồi gần đường 56 để kiểm tra và động viên tổ công tác đặc biệt.
Hơn 500 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 14 đã ngã xuống trên chiến trường vì nghĩa vụ quốc tế. Pháo của địch nhiều khi muốn “dò la” nơi đóng quân và kho tàng của ta đã dã man câu vào nghĩa trang này. Việc cất bốc thi hài liệt sĩ, tử sĩ để vận chuyển về quy tập tại nghĩa trang trong nước phải tiến hành vào ban đêm. Bác sĩ Nguyễn Chí Niên, Chủ nhiệm Quân y Trung đoàn lúc đó chịu trách nhiệm chỉ huy chung, đồng thời đảm trách về kỹ thuật. Nhiều cán bộ, chiến sĩ luân phiên làm nhiệm vụ. Có những đêm mưa gió mịt mù, tổ công tác đặc biệt vẫn mải miết làm việc. Chiến sĩ Nguyễn Văn Đáo và chiến sĩ Ngô Văn Nam có khi trượt ngã, toàn thân bê bết bùn đất vẫn không nỡ để rơi xương cốt đông đội. Những lúc như thế, Chính ủy Đỗ Quang Viết không cầm được nước mắt. Hẳn cũng vì tình thương đối với những đồng đội đã hy sinh cũng như những người còn sống đang có những nghĩa cử anh hùng, đầy nghĩa tình cao cả trước mắt ông.
Thiếu tướng Nguyễn Kim Khanh, nguyên Phó Tư lệnh BĐBP, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội (khóa XI), một thời là Phó Bí thư Đảng ủy, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 14 trên chiến trường Campuchia. Trong những lần họp mặt, các cựu chiến binh nhớ và nhắc nhiều kỷ niệm về người thủ trưởng kính mến của mình. “Ông ấy là một vị chỉ huy giỏi, dũng cảm, đồng thời rất giàu tình cảm đối với cán bộ, chiến sĩ”. Nguyên Trung đoàn trưởng của họ rất coi trọng công tác chuẩn bị chiến đấu. Trước khi xuất quân, Trung đoàn trưởng Nguyễn Kim Khanh thường trực tiếp cùng anh em đi trinh sát nắm chắc tình hình địch, địa hình, địa vật. Sau khi xây dựng phương án tác chiến, ông giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị rồi hướng dẫn bộ đội vào vị trí chiếm lĩnh trận địa. Trận nào ông trực tiếp chỉ huy cũng giành thắng lợi oanh liệt. Có những trận, đơn vị chiến đấu theo đội hình phân đội nhằm đảm bảo bí mật, bất ngờ, đánh nhanh, thắng nhanh, ông đều trực tiếp chỉ huy.
Trận đánh vào đầu tháng 4-1983 do Phân đội 2 tập kích cứ điểm của địch trên đèo Gà nhằm mở thông đường lên biên giới đã diễn ra như vậy. Hôm đó, trước khi xuất quân, ông đã nói với các cán bộ phân đội và tiểu đội những điều mà ông đã từng nói trong Đảng ủy, trong Hội nghị quân chính của Trung đoàn: “Trận này đã được chuẩn bị chu đáo, tinh thần bộ đội rất cao. Chúng ta phải giành thắng lợi vang dội. Nhưng dù thắng đến thế nào thì xương máu bộ đội vẫn là quý hơn cả. Cần nêu cao trách nhiệm cá nhân của từng cán bộ, đảm bảo hạn chế thấp nhất thương vong cho bộ đội. Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ cho chúng ta sang đây giúp bạn, còn nhân dân giao con em họ cho chúng ta chỉ huy, quản lý. Nếu thiếu trách nhiệm dẫn đến thương vong thì chúng ta có tội với Tổ quốc, với nhân dân”. Trận ấy quân ta thắng lớn và không có thương vong.
Thời kỳ Thiếu tướng Nguyễn Kim Khanh làm Trung đoàn trưởng, Trung đoàn 14 vừa phát huy sở trường đánh nhỏ lẻ, nhanh gọn, vừa chiến đấu hợp đồng binh chủng trong đội hình các sư đoàn chủ lực của Quân đoàn 4. Công tác huấn luyện rất dày công và vô cùng gian khổ được Trung đoàn trưởng đặc biệt coi trọng. Dạn dày trận mạc qua kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lại được đào tạo cơ bản, hệ thống qua các nhà trường, học viện ở trong nước và nước ngoài. Ông là vị chỉ huy có nhiều năng lực, luôn nêu gương sáng toàn diện, được cán bộ, chiến sĩ rất tin tưởng, mến mộ.
Không hiện diện trong những lần họp mặt truyền thống, nhưng trong diễn văn chào mừng và những lời phát biểu của Ban liên lạc, trong những câu chuyện tâm tình của các cựu chiến binh, hình ảnh và công trạng của các đồng chí khác từng một thời tham gia Đảng ủy Trung đoàn 14 vẫn được nhắc đến nhiều. Đó là một tập thể lãnh đạo gồm những con người xuất sắc, mẫu mực như ông Viết, ông Khanh - những người luôn nêu gương sáng về phẩm chất, đạo đức cách mạng, giàu tình thương đồng đội. Họ là những cán bộ lãnh đạo, chỉ huy đầy bản lĩnh, luôn quán triệt đúng đắn đường lối, quan điểm, nghị quyết của Đảng. Tập thể Đảng ủy Trung đoàn 14 luôn là một khối đoàn kết, nhất trí, là hạt nhân, trung tâm đoàn kết toàn Trung đoàn mạnh mẽ, bền vững hơn cả thép gang, lập công vô cùng xuất sắc, xứng danh “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Lê Thanh Lâm