Biên phòng - Đứng trước sông Sê Pôn, chúng tôi có thể cảm nhận những cơn gió đã mang mùa Xuân đến với đất trời, cỏ cây, hoa lá nơi đây. Tết đoàn viên đã cận kề, thế nhưng, những người lính Biên phòng trên chốt vẫn mải miết xây “lũy thép biên cương” để hậu phương có những ngày bình yên trong “cơn bão” mang tên đại dịch Covid-19.

Chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch số 38 (gọi tắt là Chốt 38), Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, BĐBP Quảng Trị được dựng ở vùng đất thoai thoải bên bờ sông Sê Pôn, thuộc thôn Bích La Đông, xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Nhìn từ xa, thấy lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới, nổi bật trên nền trời xanh ngắt, tôi lại nhớ “bài học” để đời của cánh phóng viên khi đi tác nghiệp ở biên giới. Ở đây vốn dĩ không có nhiều nhà, đường cũng không có tên để mà hỏi, thế nên, nếu thấy có cờ Tổ quốc thì cứ nhằm hướng đó mà đi. Ở đó, hoặc là trường học, hoặc là trụ sở UBND xã, hoặc là nơi đóng quân của BĐBP. Và hôm nay, đi theo bờ sông vắng, lá cờ Tổ quốc trở thành “hoa tiêu” cho chúng tôi khi lần đầu đặt chân đến dải đất biên cương này.
Không ai có thể nghĩ, chính chỗ này, chỉ trong tháng 10-2020, 3 lần cán bộ, chiến sĩ phải “ôm chốt” chạy lũ. Nửa năm sau, một trận lốc xoáy đã “bốc” cả chốt xuống vệ sông. Ấy vậy mà nay, Chốt 38 lại trở thành chốt kiểu mẫu của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Kể từ lúc có nhà lắp ghép do Bộ Tư lệnh BĐBP cấp, mọi người cùng bắt tay vào việc “chính quy” hóa, từ chỗ làm việc, ăn, ở cho đến tăng gia sản xuất. Con sông Sê Pôn qua những ngày lũ để lại lớp phù sa mềm, xốp và đầy chất dinh dưỡng, vậy nên rau, củ chỉ cần tưới nước vẫn tốt bời bời. Đến nay, Chốt 38 tự đảm bảo được 90% rau xanh. Gà, vịt và cả heo cũng được những người lính chăm chút nên chẳng mấy đã thành đàn. Những lúc rảnh rỗi, các anh lại trồng các loài hoa, nào cúc, nào hồng...
Chốt trưởng Chốt 38 là Trung tá Nguyễn Hoài Thương, đã hơn 30 năm gắn bó với biên giới Quảng Trị. Tháng 2-2022, anh sẽ nghỉ hưu, “bàn giao” biên giới lại cho lớp trẻ. Trung tá Nguyễn Hoài Thương bảo, thật mừng vì thấy ai cũng yêu biên giới, “nhất là những người sinh ra và lớn lên ở biên giới như Trung úy Trí đây”. Nói đoạn, Trung tá Nguyễn Hoài Thương hướng cái nhìn sang cán bộ trẻ gần đó. Biển tên ghi Nguyễn Hồ Minh Trí, nên đúng như chúng tôi dự đoán, anh là người Vân Kiều, quê ở huyện Đakrông. Câu chuyện “hoãn cưới để chống dịch” của anh và cô giáo Lê Thị Thanh Mùi (Trường Trung học cơ sở A Vao, xã A Vao - nơi xa xôi, khó khăn nhất của tỉnh Quảng Trị) khiến ai nấy đều xúc động. Ở hai đầu nỗi nhớ, hai bạn trẻ vẫn luôn yêu thương và động viên nhau cùng vượt qua những ngày vất vả.

Càng trò chuyện, tôi càng nhận thấy cuộc sống ở Chốt 38 không chỉ là đồng chí, đồng đội, mà còn như một gia đình theo cách mạng của những người lính. Trung tá Nguyễn Hoài Thương luôn tâm niệm: “còn gắn bó ngày nào, còn trách nhiệm ngày đó” nên vẫn tận tình chỉ bảo lớp sau. Đại úy Hồ Văn Từ luôn là người anh của Trung úy Nguyễn Hồ Minh Trí. Cả hai học chung phổ thông và Trung cấp Biên phòng 2. Ra trường, hai anh em cùng được phân công công tác tại Đồn Biên phòng A Vao và nay lại tiếp tục sát cánh thực hiện nhiệm vụ bên con sông biên giới. Tình thương của mọi người trên chốt dành phần nhiều cho “em út” là Binh nhất Hoàng Văn Duy. Chỉ còn vài ngày nữa, Duy sẽ hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nên ai cũng muốn chàng lính trẻ sẽ có những trải nghiệm không thể nào quên và lúc nào cũng được sống trong tràn ngập tình đồng chí, đồng đội.
Biên cương có thêm sắc màu mới là Đại úy Lê Xuân Thắng và Thiếu tá Trần Minh Công, cán bộ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh tăng cường làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Chỉ mới hơn 1 tháng, nhưng cả hai đã nhanh chóng bắt nhịp với cuộc sống trên chốt. Những câu chuyện về biên giới khiến các anh luôn ưu tư, trăn trở. Phía đối diện là bản Mỹ Yên (cụm Ka Túp Mã Hạt, huyện Sê Pôn, tỉnh Sa Vẳn Na Khệt, Lào) có những vườn chuối mật rộng bao la.
Trước đây, người dân hai bên biên giới cùng nhau phát triển kinh tế bằng cách bên góp đất, bên góp tiền mua cây giống, phân bón. Có những hộ ở Việt Nam đầu tư vài trăm triệu đồng sang Mỹ Yên thuê đất trồng chuối. Dịch Covid-19 bùng phát, chuối không thu hoạch được, các chủ vườn như ngồi trên đống lửa, nên đánh liều lén lút qua sông chở chuối về bán. Thấu hiểu khó khăn của bà con, nhưng lúc này, dịch diễn biến phức tạp, chỉ một phút sơ sẩy sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường, bởi vậy mà biên giới phải được kiểm soát chặt chẽ.
Tiết trời cuối năm của vùng biên Quảng Trị rất khắc nghiệt. Ban ngày, nắng gió hanh hao làm mặt mũi ai cũng khô, nứt nẻ. Buổi đêm càng vất vả hơn, vì gác trong gió lạnh và lúc nào cũng phải căng mắt quan sát để kịp thời phát hiện “dấu hiệu lạ”. Các đầu nậu tập kết hàng ở sát biên giới phía đối diện, chỉ chờ lực lượng chức năng sơ hở là đưa sang Việt Nam. “Dịp cuối năm, nhu cầu đi lại cũng tăng nên chúng tôi phải tăng cường tuần tra để kịp thời ngăn chặn hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới. Buổi tối, mọi người luân phiên nhau đi tuần tra dọc theo bờ sông Sê Pôn, biên giới phải được gác 24/24 giờ. Giường ngủ ở chốt bao giờ cũng hụt 1, 2 chiếc so với người là vì thế” - Trung tá Nguyễn Hoài Thương chia sẻ.
Từng đợt gió lạnh cứ thổi ràn rạt, sóng sông Sê Pôn vỗ bờ ì oạp cũng không làm bớt đi cái tĩnh lặng của đêm biên giới. Phía trước, người lính Biên phòng đứng đó tựa như dáng hình Tổ quốc nơi biên cương.
Trúc Hà