Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:14 GMT+7

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời - Bước ngoặt trong lịch sử cách mạng Việt Nam

Biên phòng - Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, cách mạng Việt Nam rơi vào tình trạng bế tắc, khủng hoảng về đường lối cứu nước và giai cấp lãnh đạo cách mạng. Các phong trào yêu nước theo hệ tư tưởng phong kiến hay khuynh hướng dân chủ tư sản lần lượt thất bại. Trước yêu cầu của lịch sử, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã xuất hiện đúng lúc để đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua thời kỳ lịch sử đen tối này.

xo-viet-nghe-tinh
Xô Viết - Nghệ Tĩnh, cao trào cách Mạng do Đảng Cộng Sản Đông Dương lãnh đạo năm 1930-1931. Nguồn minh họa: Báo Nhân Dân

Sau thời gian nghiên cứu lý luận và khảo sát thực tiễn tại nhiều nước, năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lê-nin. Người tìm thấy ở đây con đường cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam và đã lựa chọn con đường cách mạng vô sản. Trong những năm 1920-1924, Nguyễn Ái Quốc hoạt động tích cực trong Đảng Cộng sản Pháp và Quốc tế Cộng sản. Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu, Trung Quốc.

Tháng 6-1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Chương trình và Điều lệ của Hội nói rõ mục đích của mình là làm cách mạng dân tộc và cách mạng thế giới, sau khi cách mạng thành công, sẽ tiến lên xây dựng xã hội cộng sản. Đường lối chính trị của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ra đời trong bối cảnh đó, có sức hút rất lớn đối với những thanh niên yêu nước cũng như tác động đến các đảng phái theo khuynh hướng dân chủ tư sản lúc bấy giờ, đặc biệt là Tân Việt và Việt Nam Quốc dân Đảng.

Ngay sau khi ra đời, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tập trung vào việc đào tạo, rèn luyện cán bộ thông qua các lớp huấn luyện chính trị. Kết thúc khóa học, những thanh niên này được cử về nước hoạt động, tuyên truyền lý luận cách mạng giải phóng dân tộc, phát triển hội viên. Năm 1927, các bài giảng trong các lớp huấn luyện chính trị được tập hợp lại và xuất bản thành cuốn sách Đường kách mệnh. Trong đó, chỉ rõ cho nhân dân ta con đường và cách thức tiến tới thắng lợi: Cách mạng phải do giai cấp công nhân, mà đội tiền phong của nó là Đảng Cộng sản lãnh đạo; cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, công nông là gốc của cách mệnh, còn học trò, nhà buôn, điền chủ nhỏ là bầu bạn của công nông. Cách mạng Việt Nam phải có mối liên hệ với cách mạng thế giới.

Sự ra đời và hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên có tác động rất lớn đến sự phát triển của cách mạng Việt Nam. Sự hoạt động tích cực, có hiệu quả của các hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đặc biệt là quá trình thực hiện chủ trương “vô sản hóa”, đưa hội viên vào hoạt động trong các nhà  máy, xí nghiệp, hầm mỏ để cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với giai cấp công nhân đã góp phần quan trọng vào việc phát triển phong trào cách mạng cả nước nói chung, phong trào công nhân nói riêng. Ý thức chính trị, ý thức giai cấp của công-nông được nâng lên.

Tư tưởng chính trị của Hội có hấp lực rất lớn đối với nhiều đảng viên của Quốc dân Đảng và Đảng Tân Việt, nên nhiều đảng viên của 2 tổ chức này quyết định thoát ly để gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Trong nội bộ của các đảng phái, đặc biệt là Tân Việt đã diễn ra quá trình phân hóa, chịu ảnh hưởng đường lối chính trị của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên... Tất cả những điều đó đã tác động tích cực đến sự phát triển của phong trào cách mạng Việt Nam cuối những năm 20 thế kỷ XX.

Bối cảnh đó, yêu cầu cấp thiết đặt ra lúc này là phải sớm thành lập Đảng Cộng sản để lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Nhưng, trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã diễn ra sự phân hóa. Bộ phận Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Bắc Kỳ thành lập Đông Dương cộng sản Đảng vào tháng 6-1929. Bộ phận Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên hoạt động ở Nam Kỳ và Trung Quốc thành lập An Nam Cộng sản Đảng, vào tháng 8-1929. Sau đó không lâu, vào tháng 1-1930, những đảng viên tiên tiến trong Đảng Tân Việt cũng thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, ở Việt Nam đã xuất hiện 3 tổ chức cộng sản.

Việc 3 tổ chức cùng tồn tại một lúc, đều tự nhận là tổ chức cộng sản chân chính, cùng thừa nhận Cương lĩnh và Điều lệ của Quốc tế Cộng sản và đều ra sức tranh thủ sự công nhận của Quốc tế Cộng sản đã làm cho phong trào cách mạng trong nước bị chia rẽ. Hơn nữa, trong khi tuyên truyền, vận động, lôi kéo quần chúng về phía mình, các tổ chức này đã đả kích nhau, tranh giành ảnh hưởng trong quần chúng.

Trước tình hình đó, Quốc tế Cộng sản đã dành nhiều thời gian để chỉ đạo phong trào cách mạng Đông Dương. Trong tài liệu với nhan đề Về việc thành lập một Đảng Cộng sản ở Đông Dương, đề ngày 27-9-1929, Quốc tế Cộng sản chỉ ra rằng, ở Đông Dương đã hội đầy đủ mọi điều kiện cho sự thành lập một Đảng Cộng sản. Quốc tế Cộng sản yêu cầu những người cộng sản ở Đông Dương phải khắc phục ngay sự chia rẽ giữa các nhóm cộng sản và thành lập một Đảng Cộng sản duy nhất.

Thấy được sự chia rẽ của những người cộng sản Đông Dương, với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản, có đủ quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến phong trào cách mạng Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc đã chủ động triệu tập và chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị đã bỏ mọi thành kiến xung đột, đặt tên Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng. Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt được thông qua là Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng.

cach-mang-thang-8
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã nổi dậy giành chính quyền tháng 8-1945, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ảnh: Tư liệu

Cương lĩnh xác định phương hướng chiến lược của cách mạng Việt Nam là chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản; xác định nhiệm vụ cụ thể của cách mạng Việt Nam là: Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến; làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập; lập chính phủ công nông binh, tổ chức quân đội công nông. Các nhiệm vụ trên đây đã phản ánh đúng mâu thuẫn cơ bản của xã hội Việt Nam lúc này là giành độc lập cho dân tộc và ruộng đất cho nông dân. Nhiệm vụ quan trọng nhất được Cương lĩnh xác định là đánh đổ thực dân Pháp và tay sai phản động, giải phóng dân tộc.

Đảng đã chủ trương tập hợp, đoàn kết lực lượng cách mạng toàn dân tộc trong cách mạng giải phóng dân tộc. Bên cạnh xác định công nhân và nông dân là hai lực lượng chính, Cương lĩnh còn chủ trương “hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, thanh niên, Tân Việt, v.v... để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp. Còn đối với phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ đứng trung lập. Bộ phận nào đã ra mặt phản cách mạng thì phải đánh đổ”. Cương lĩnh phù hợp với nguyện vọng thiết tha của đại đa số nhân dân ta là nông dân và đoàn kết được những lực lượng yêu nước khác, tạo thành sức mạnh to lớn cho cách mạng Việt Nam.

Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930 là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lê-nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Nó chứng tỏ giai cấp công nhân Việt Nam đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sự kiện lịch sử trọng đại, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối và giai cấp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, là sự chuẩn bị cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong các giai đoạn sau này.

Yên Hòa

Bình luận

ZALO