Biên phòng - Biên giới quốc gia của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng và an ninh của đất nước.
Từ trước đến nay, nhiệm vụ bảo vệ biên giới quốc gia không chỉ thể hiện tư duy của Đảng ta trong các nghị quyết đại hội, mà còn trở thành một trong những nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, lâu dài đối với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, được xác định là nhiệm vụ chiến lược đặc biệt quan trọng trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Dân tộc Việt Nam hàng ngàn năm qua có truyền thống đấu tranh bảo vệ chủ quyền bờ cõi của đất nước. Tư tưởng chiến lược bảo vệ bờ cõi đã được vị vua khai sáng triều Lê là Lê Thái Tổ (1428 - 1433) khẳng định và sai khắc vào bia đá để lưu giữ ngàn đời về quyết tâm sắt đá bảo vệ chủ quyền bờ cõi thiêng liêng của đất nước “Biên phòng hảo vị trù phương lược; xã tắc ưng tu kế cửu an”.
Vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) cũng đã hoàn thành xuất sắc lời răn dạy đời sau của Lê Thái Tổ, tuyên bố: “Kẻ nào dám để mất một tấc đất của vua Thái Tổ để lại sẽ bị tru di”. Vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của quốc gia không chỉ là việc trong triều chính mà nó còn đến cả “trong từng giấc ngủ” của vua Thiệu Trị thế kỷ 19 (1841 - 1847).
Truyền thống kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia đó cũng được truyền cho muôn dân và nó đã trở thành “căn tính tộc người” để gìn giữ tài sản thiêng liêng hàng ngàn năm tổ tiên ta đã đổ biết bao máu xương để gìn giữ và trao truyền lại cho các thế hệ con cháu.
Một Trạng nguyên Lê Văn Thịnh (thời Lý) đã tranh biện ngoại giao khôn khéo để đòi lại được những vùng đất bị ngoại bang lấn cướp ở phía Bắc; một sứ thần Giang Văn Minh (thời Lê) sẵn sàng hy sinh cả mạng sống của mình hiên ngang, đanh thép cảnh cáo trước triều đình phong kiến nước ngoài “Đằng giang tự cổ huyết do hồng”, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, khiến quan quân nước ngoài phải nể sợ, là những bằng chứng hùng hồn của các thế hệ người Việt Nam quyết tâm bảo vệ bờ cõi thiêng liêng của quốc gia.
Kế thừa truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc Việt Nam về bảo vệ biên cương của đất nước, ngay từ khi mới ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thể hiện tư tưởng nhất quán, sự quan tâm sâu sắc đến nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia.
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhưng miền Nam nửa nước còn lại vẫn nằm trong nanh vuốt kẻ thù, trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới Tổ quốc, ngày 19-11-1958, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 58/NQ-TW thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang.
Trải qua các thời kỳ lịch sử khác nhau, do yêu cầu của tình hình nhiệm vụ cách mạng, cho đến nay Bộ Chính trị đã 6 lần ra nghị quyết, kết luận về nhiệm vụ và tổ chức lực lượng bảo vệ biên giới quốc gia, khẳng định sự quan tâm đặc biệt đến nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và xây dựng lực lượng chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia của Đảng ta.
Trong tình hình thế giới hiện nay, bên cạnh hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, cùng với quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, cũng đã xuất hiện xu hướng tranh chấp chủ quyền lãnh thổ còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang, chiến tranh cục bộ.
Một số nước lớn tiếp tục điều chỉnh chiến lược, cạnh tranh quyết liệt; tận dụng ưu thế kinh tế, quân sự, khoa học - công nghệ, sử dụng “sức mạnh mềm”, không gian vũ trụ, không gian mạng để đẩy mạnh can dự, gây sức ép về chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, xâm phạm biên giới địa lý của các quốc gia khác, thậm chí mưu toan “vẽ lại” đường biên giới. Chủ nghĩa cường quyền áp đặt, chủ nghĩa dân tộc cực đoan tác động ảnh hưởng trực tiếp đến chủ quyền, lãnh thổ.
Các thế lực thù địch, phản động và các nước có tham vọng lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo tiếp tục đẩy mạnh chống phá ta về nhiều mặt. Việc quản lý, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên Biển Đông và việc quản lý, bảo vệ vùng biển phía Tây Nam còn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.
Để chủ động nghiên cứu, đánh giá, dự báo chính xác, đề ra đối sách đúng đắn, kịp thời; có quyết tâm, chủ trương, biện pháp mạnh mẽ, chủ động phòng ngừa, kiên quyết ngăn chặn, xử lý thắng lợi các tình huống, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, không để bị động bất ngờ về chiến lược, ngày 28-9-2018, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 33-NQ/TW về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia.
Đây là chiến lược chuyên ngành quốc gia, cụ thể hóa nghị quyết của Đảng về nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, nhất là Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, trực tiếp là Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự, Chiến lược an ninh quốc gia, Chiến lược đối ngoại; là sự kế thừa kinh nghiệm dựng nước và bảo vệ bờ cõi của ông cha ta; đồng thời tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm bảo vệ biên giới của các quốc gia trên thế giới.
Chiến lược xác định mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể, các quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, nguyên tắc, phương châm chỉ đạo, xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp toàn diện, đồng bộ, có lộ trình, bước đi phù hợp để bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ, biên giới quốc gia, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ hội nhập.
Nghị quyết chỉ rõ mục tiêu của Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia nhằm “bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ hòa bình, an ninh, văn hóa, pháp luật, tính uy nghiêm và biểu tượng quốc gia tại biên giới, cửa khẩu. Xây dựng biên giới hòa bình hữu nghị, ổn định, hợp tác; bảo vệ, phòng thủ vững chắc biên giới quốc gia; góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở khu vực biên giới và cả nước”.
Trong bảo vệ biên giới quốc gia, vấn đề giải quyết về chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia giữa Việt Nam với các nước là một vấn đề lớn, nhạy cảm, phức tạp, vì vậy cần nắm vững nguyên tắc chiến lược là “Sự nghiệp bảo vệ biên giới quốc gia đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước; sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và chỉ huy của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng”.
Vì vậy, từng cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang, các đơn vị Quân đội nói chung, BĐBP nói riêng phải thường xuyên quán triệt nắm vững và cụ thể hóa đường lối, quan điểm của Đảng về nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới thành các chủ trương, chính sách, xác định rõ cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện để tham gia quản lý, bảo vệ biên giới theo chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, từng địa phương, đơn vị.
Các đơn vị Quân đội, BĐBP quán triệt nghiêm túc, triển khai thực hiện có hiệu quả sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, đồng thời làm tốt tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong quá trình quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện ở địa phương, đảm bảo thường xuyên “giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia”.
Đồng thời cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thực, trách nhiệm, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao về tư tưởng, hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị trong bảo vệ biên giới quốc gia.
Về xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới, nghị quyết nêu rõ “Xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới toàn dân rộng khắp, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, BĐBP là một quân chủng thuộc Bộ Quốc phòng, lực lượng chuyên trách, cách mạng, chính quy, tình nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới” và “mỗi người dân khu vực biên giới là một cột mốc sống”.
Đây chính là sự kế thừa, tiếp nối quan điểm toàn dân, toàn diện; là sự khẳng định vai trò, sức mạnh to lớn của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng. Đặc biệt nhân dân biên giới, họ chính là chủ thể của biên giới quốc gia, là những cột mốc sống để quản lý, bảo vệ sự toàn vẹn của chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia.
Đối với lực lượng nòng cốt, chuyên trách, nghị quyết nêu rõ: Xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, BĐBP là lực lượng chuyên trách, trọng tâm là xây dựng Bộ đội Biên phòng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ. Tập trung đầu tư phương tiện, trang bị tiên tiến, hiện đại, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, công tác của Bộ đội Biên phòng theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu quả.
Muốn vậy mỗi cán bộ, chiến sĩ BĐBP phải không ngừng học tập, rèn luyện để có bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng, giỏi về quân sự, am hiểu về pháp luật, tinh thông về nghiệp vụ, thành thạo ngoại ngữ, tiếng các nước láng giềng, tiếng đồng bào dân tộc. Thường xuyên “bám trụ, bám dân, bám địa bàn”, thực hiện “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”, bảo vệ biên giới.
Đảng ủy, Bộ Tư lệnh và cấp ủy chỉ huy các đơn vị cần quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án “Tổ chức lực lượng BĐBP giai đoạn 2017 - 2021 và những năm tiếp theo”; Đề án “Quy hoạch hệ thống đồn, trạm biên phòng đến năm 2021 và những năm tiếp theo”, Đề án “Nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia của BĐBP”, đồng thời tiếp tục làm tốt tham mưu xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia, tham mưu sớm ban hành Luật Biên phòng Việt Nam...
Như vậy, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia của Đảng ta hiện nay là sự kế thừa các chủ trương, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ biên giới quốc gia của Đảng ta từ trước đến nay, được đề cập đầy đủ, toàn diện hơn, được nâng lên tầm cao mới trong bối cảnh tình hình mới.
Được ban hành trong giai đoạn hiện nay, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia đã đánh dấu bước phát triển mới trong sự nghiệp bảo vệ biên giới quốc gia và bảo vệ Tổ quốc; có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn đất nước phát triển, hòa bình, ổn định.
Trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, nòng cốt là lực lượng vũ trang, chuyên trách là BĐBP là phải tổ chức, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia. Để làm được điều đó, cần quán triệt sâu sắc, nghiêm túc tinh thần cơ bản của chiến lược trong các tổ chức đảng, ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương và toàn quân theo phạm vi, lĩnh vực, nhằm trang bị cho mọi tầng lớp nhân dân, cả hệ thống chính trị nhận thức đúng đắn về nội dung chiến lược, đổi mới tư duy, phương pháp, tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý chí, trách nhiệm, biến quyết tâm thành hành động cách mạng.
Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị căn cứ Kế hoạch của Chính phủ, Chương trình hành động của Quân ủy Trung ương để xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện kiên quyết, nghiêm túc, thường xuyên kiểm tra, giám sát với quyết tâm chính trị cao, tổ chức chặt chẽ và có phương pháp khoa học đảm bảo để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi Chiến lược, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Nghị quyết số 33-NQ/TW về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia là dấu mốc lịch sử quan trọng trong 60 năm xây dựng, phát triển của lực lượng BĐBP, đồng thời là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và nhân dân đối với sự nghiệp quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia.
Để thực hiện thắng lợi nghị quyết của Bộ Chính trị, lực lượng BĐBP cần phải tiếp tục tăng cường tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc về chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia; vận động đồng bào cả nước, trực tiếp là đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới cùng BĐBP đưa nghị quyết vào cuộc sống, thực hiện thắng lợi nghị quyết để bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, phục vụ đắc lực hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP