Biên phòng - Ngày 27-5, Quốc hội (QH) đã thảo luận về Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” theo Nghị quyết số 81/2019/QH14 ngày 14-6-2019 của QH. Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng, các vụ việc xâm hại trẻ em được phát hiện mới chỉ là bề nổi của “tảng băng chìm”, tình hình tội phạm xâm hại trẻ em, nhất là tội phạm xâm hại tình dục trẻ em đang ngày càng trở nên nhức nhối. Xâm hại trẻ em xảy ra ở mọi lúc, mọi nơi, đối tượng thực hiện hành vi thường là người có quan hệ khá gần gũi với các em.

Để hạn chế tình trạng xâm hại trẻ em, nhiều đại biểu kiến nghị cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, kịp thời đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nâng cao ý thức pháp luật, bảo vệ trẻ em. Quá trình thảo luận, các đại biểu đều bày tỏ sự đau lòng khi nghe số liệu trong 4 năm qua (2015-2019) có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý, với 8.709 trẻ em bị xâm hại, trong đó, có 6.432 trẻ bị xâm hại tình dục, 857 trẻ bị bạo lực, 106 trẻ bị mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt…
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cảnh báo tình trạng nhức nhối khi trẻ em bị xâm hại tình dục, không chỉ xuất hiện ở nông thôn, vùng sâu xa, vùng dân tộc thiểu số, mà còn ở nơi kinh tế - xã hội phát triển, để lại hậu quả nặng nề đối với người bị hại, gia đình và xã hội. Dẫn số liệu từ báo cáo của đoàn giám sát nêu ra trung bình 1 ngày có 7 trẻ bị xâm hại, trong hơn 4 năm có hàng nghìn trẻ em bị xâm hại tình dục, hàng trăm trẻ tử vong, nhiều vụ chưa được phát hiện kịp thời. Đây là con số đau lòng cho thấy “khoảng tối” trong công tác bảo vệ trẻ em.
Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), báo cáo thể hiện nhiều vấn đề nóng và rất buồn, đòi hỏi sự quan tâm hơn nữa của cả hệ thống chính trị. “Cử tri nhắc đến, ai cũng rùng mình, bức xúc, căm ghét, ám ảnh và mong muốn các hành vi xâm hại trẻ em sớm được phát hiện, xử lý nghiêm khắc. Không ngờ đối tượng xâm hại lại là người thân quen, thậm chí bố mẹ ruột, với thủ đoạn dã man” - Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương bày tỏ.
Qua giám sát cho thấy, còn nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý, nhất là các hành vi bạo lực gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho trẻ em. Nhiều vụ xâm hại trẻ em xảy ra nơi kín đáo, biệt lập; nhiều vụ xảy ra tại gia đình, ít có tố giác; nhiều vụ xâm hại xảy ra trong thời gian dài mới bị phát hiện; có vụ cha mẹ biết con bị xâm hại nhưng không tố giác vì lý do khác nhau… “Liệu còn bao nhiều trẻ bị xâm hại, bao nhiêu kẻ tàn ác phạm tội mà chưa bị xử lý. Tổn hại về thể chất với các em có thể đong đếm, nhưng về tinh thần là lâu dài, có thể khiến các em suy sụp” - đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đặt câu hỏi.
Cũng theo các đại biểu, internet, mạng xã hội có sự phát triển nhanh ở Việt Nam, nên nguy cơ trẻ em bị xâm hại trên môi trường internet, mạng xã hội. Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho biết, với sự phát triển của internet, mạng xã hội thì trẻ em đã trở thành những "công dân số" từ rất sớm. Mạng xã hội thay đổi cách thức kết bạn, sự giao tiếp với xã hội của các em cũng như trẻ em có nhiều mối quan hệ trên mạng. Không thể phủ nhận vai trò của internet, mạng xã hội đối với trẻ em, mang đến nhiều cơ hội học tập mở mang kiến thức giải trí, nhất là với những trẻ em ở vùng sâu, vùng xa. Nhưng những tác động xấu, mặt trái của môi trường mạng đang đặt ra nhiều nguy cơ rủi ro cho trẻ. Mỗi ngày có hơn 720 nghìn hình ảnh xâm hại trẻ em được đưa lên mạng với hầu hết là các hình ảnh bạo lực, xâm hại tình dục. Kết quả khảo sát cho thấy, cứ 4 trẻ được khảo sát thì có một trẻ chia sẻ từng có trải nghiệm đau buồn khi sử dụng mạng xã hội. Có tới 1/3 số trẻ cho biết, các em từng là nạn nhân bị bắt nạt trên mạng và số trẻ em gái bị bắt nạt thì cao gấp 3 lần số trẻ em nam...
Từ sự nhức nhối trong tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, các đại biểu đã đề xuất những giải pháp, kiến nghị: Các bậc phụ huynh cần dành thời gian thỏa đáng để quan tâm đến con, em, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa nội dung giảng dạy kỹ năng trên môi trường mạng vào giờ học tin học; kiến nghị Bộ Công an thông tin đầy đủ các phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này để trẻ em và gia đình đề cao cảnh giác, đồng thời tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, xử lý từ sớm.
Theo đại biểu Hoàng Thị Hoa (Bắc Giang), trong khi đó, pháp luật về vấn đề này vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ; vai trò, hiệu quả chưa cao của các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý, quản lý; các công ty, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng chưa được phổ biến, hướng dẫn, tập huấn đầy đủ về trách nhiệm, cách xử lý kịp thời, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, nên khi có sự việc xảy ra chưa chủ động phát hiện, cảnh báo, hạn chế sự phát tán trên môi trường mạng. Chính phủ xây dựng chiến lược dài hạn về bảo vệ trẻ em, đặc biệt bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, tăng cường hợp tác quốc tế; phân công cụ thể đơn vị chủ trì ở Trung ương chịu trách nhiệm về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng nhằm điều phối, thúc đẩy hợp tác của các cơ quan.

Đồng tình vơi ý kiến trên, các đại biểu đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cần phối hợp Bộ Công an, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh... tổ chức các chương trình truyền thông giúp trẻ em có những kỹ năng sử dụng internet an toàn và hiệu quả. Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông xã hội, nhà trường, gia đình để giúp các em nhận biết; cảnh báo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin về những nội dung không phù hợp với trẻ em; tăng cường vai trò của các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong việc tạo dựng một môi trường mạng an toàn cho trẻ em.
Danh Anh