Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:23 GMT+7

Dân vận khéo nâng cao hiệu quả tuyên truyền để chấm dứt hôn nhân cận huyết thống và giảm thiểu tảo hôn

Biên phòng - Nhằm giúp người dân đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều nâng cao nhận thức về những hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, thời gian qua, Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số” đã được Đồn Biên phòng Ba Nang, BĐBP Quảng Trị phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể địa phương triển khai rộng khắp trên địa bàn và đạt được nhiều kết quả khả quan.

Cán bộ Đồn Biên phòng Ba Nang thường xuyên đến nhà người dân để tuyên truyền về Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số”. Ảnh: Thành Phú

Nhiều thành quả quan trọng

Địa bàn do Đồn Biên phòng Ba Nang quản lý gồm 2 xã Tà Long và Ba Nang thuộc huyện Đakrông có 1.390 hộ/7.043 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều chiếm tỷ lệ trên 88%. Do phong tục tập quán lạc hậu, trình độ hiểu và nhân thức pháp luật về hôn nhân và gia đình của người dân còn hạn chế nên tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn thường xuyên xảy ra, trở thành vấn đề day dứt tại nhiều bản làng nơi miền biên viễn xa xôi này.

Ngay sau khi Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số” được các cấp triển khai, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Ba Nang đã xây dựng kế hoạch và phối hợp chặt chẽ với địa phương để sớm đưa Đề án đến với bà con vùng bản. Thượng tá Lê Hồng Sơn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ba Nang cho biết: “Qua thời gian triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn, bước đầu thu được một số kết quả khá khả quan. Các cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể các địa phương, trường học đã tích cực phối hợp cùng với đơn vị tích cực triển khai thực hiện Đề án. Cùng với công tác tuyên truyền thì việc phát huy vai trò của già làng, trưởng thôn, người có uy tín... luôn giữ vai trò quan trọng để giáo dục thuyết phục những trường hợp có nguy cơ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại địa phương. Nhờ đó mà tình trạng hôn nhân cận huyết thống đã hoàn toàn chấm dứt, tình trạng tảo hôn giảm mạnh qua từng năm. Năm 2022, xã Ba Nang chỉ còn 5 trường hợp, xã Tà Long còn 8 trường hợp so với gần 30 trường hợp của những năm trước đây”.

Những kết quả trên là tín hiệu đáng mừng, cho thấy nhận thức của người dân về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được nâng lên rõ rệt, từ đó có sự thay đổi trong hành vi góp phần giảm thiểu tình trạng này ở địa phương. Với phương châm “Mọi người dân nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, đơn vị đã trực tiếp và phối hợp với địa phương tổ chức tuyên truyền tập trung được 148 buổi cho hơn 24.716 lượt người tham gia; tuyên truyền bằng các hình thức khác 126 lần cho hơn 8.245 lượt người nghe; tổ chức tuyên truyền đặc biệt cho già làng, trưởng bản, người có uy tín được 68 buổi cho 92 lượt người.

Đồn Biên phòng Na Bang Trao tặng con giống cho hộ gia đình trẻ để họ phát triển kinh tế, ổn định và nâng cao đời sống sau khi kết hôn đủ tuổi quy định của pháp luật. Ảnh: Thành Phú

Từ khi triển khai thực hiện Đề án (năm 2015), đến nay nhìn chung cán bộ và nhân dân trên địa bàn 2 xã Ba Nang và Tà Long đã được trang bị và nâng cao kiến thức pháp luật, đặc biệt là Luật hôn nhân và gia đình. Bước đầu người dân đã chú ý đến việc tìm hiểu và tuân thủ các quy định pháp luật; từng bước nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ đối với cộng đồng, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hạn chế tối đa các vụ việc vi phạm pháp luật do chủ quan, thiếu hiểu biết. Đồng thời việc triển khai thực hiện Đề án cũng đã từng bước thay đổi cách nghĩ và hành vi ứng xử về mối quan hệ hôn nhân và gia đình trong đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, góp phần đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương.

Tiếp tục phát huy trong giai đoạn mới

Kết quả thực hiện Đề án giai trong thời gian vừa qua trên địa bàn 2 xã Ba Nang và Tà Long đã cho thấy, để Đề án đạt được yêu cầu đã đề ra, cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể địa phương với Đồn Biên phòng để thống nhất phương pháp triển khai thực hiện phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn dân cư cũng như chế tài xử lý các trường hợp vi phạm.

Kết quả đạt được của thời gian qua là tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên thực tế hiện nay vẫn còn một bộ phận người dân vẫn chưa có nhận thức đầy đủ về hệ lụy của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Một số hộ gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên muốn cho con tham gia lao động sớm, kết hôn sớm để giảm áp lực về kinh tế cho hộ gia đình. Bên cạnh đó tuy tỷ lệ tảo hôn đã giảm nhưng nhìn chung tuổi kết hôn trung bình của người dân tộc thiểu số Vân Kiều nơi đây vẫn còn thấp, đa số họ kết hôn khi vừa đủ 17 hoặc 18 tuổi đối với nữ và 19 hay 20 tuổi đối với nam.

Một buổi tuyên truyền đặc biệt của cán bộ Đồn Biên phòng Ba Nang cho người có uy tín về vận động, giáo dục không tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong cộng đồng dân cư nơi mình sinh sống. Ảnh: Thành Phú

Để đạt mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo là phấn đấu chấm dứt cơ bản tình trạng tảo hôn, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực trong đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều. Đây là một mục tiêu không hề dễ dàng trong quá trình triển khai thực hiện và còn rất nhiều việc cần phải làm, song cái khó sẽ không thể ngăn cản được quyết tâm của những người chiến sỹ quân hàm xanh luôn vì cuộc sống ấm no của nhân dân.

Thượng tá Lên Hồng Sơn, Chính trị viên đơn vị cho biết thêm “Trong giai đoạn tới để thực hiện Đề án có hiệu cao hơn nữa nhằm hoàn thành mục tiêu đã đề ra, đơn vị sẽ phối hợp chặt chẽ với địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp như: Đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông và tuyên truyền đặc biệt bằng nhiều hình thức sinh động; biên soạn nội dung, in tờ rơi, tờ gấp bằng hai thứ tiếng Kinh và Vân Kiều về pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình, Luật Trẻ em, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Dân số và Gia đình... để cấp phát cho bà con. Xây dựng các câu lạc bộ về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, bạo lực gia đình....Tích cực tham mưu cho chính quyền địa phương và đơn vị trực tiếp triển khai xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi giúp người dân phát triển kinh tế, qua đó giáo dục họ không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống. Làm tốt công tác bám nắm địa bàn, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình”.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự phối hợp chặt chẽ của Đồn Biên phòng Ba Nang, hy vọng rằng tình trạng tảo hôn sẽ được kiểm soát và chấm dứt trên địa bàn 2 xã Ba Nang và Tà Long trong thời gian không xa, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác và chính sách dân tộc của Đảng, của Nhà nước cũng như thực hiện có hiệu quả việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nguyễn Thành Phú

Bình luận

ZALO