Biên phòng - Nếu đội ngũ các nhà khoa học khai mở cho xã hội về tri thức thì văn nghệ sĩ khai mở về cái thiện, cái đẹp và tình yêu thương. Trong thời bình hay thời chiến, lúc thuận lợi hay khi khó khăn, văn nghệ sĩ luôn đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng sự phát triển đất nước, tạo tâm thế, cảm hứng cho nhân dân để thực hiện tốt mọi nhiệm vụ, mục tiêu đề ra. Hơn lúc nào hết, văn nghệ sĩ hôm nay cần đến bản lĩnh, nhân cách, khả năng dự cảm, dự báo, góp phần mở đường cho đất nước phát triển, hội nhập sâu rộng với thế giới hiện đại.

Trải qua nhiều thăng trầm của đất nước, có thể nói, lớp lớp các thế hệ văn nghệ sĩ vẫn luôn dấn thân, đồng hành cùng dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước, phát huy tinh thần sáng tạo trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, dân chủ, văn minh. Lịch sử cách mạng Việt Nam đã cho thấy, các văn nghệ sĩ đều có đóng góp đáng ghi nhận vào sự nghiệp chung; mối quan hệ giữa văn nghệ sĩ với Đảng, Nhà nước và nhân dân ngày càng thêm bền chặt, phù hợp nhịp sống và xã hội hiện đại.
Là tác giả của 20 đầu sách có giá trị cùng nhiều giải thưởng cao quý trong sự nghiệp, ở tuổi 94, Đại tá, nhà văn Lương Sĩ Cầm, Chi hội nhà văn Công an nhân dân vẫn không ngừng cầm bút sáng tác về những chiến công của đồng chí, đồng đội. Trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, như nhiều văn nghệ sĩ khác, ông từng bước giác ngộ cách mạng, nêu cao tinh thần yêu nước thương nòi, dấn thân vào cuộc đấu tranh, trực tiếp tham gia chiến đấu trên tuyến đầu khói lửa.
Câu chuyện của Đại tá, nhà văn Lương Sĩ Cầm là tâm thế chung của đội ngũ văn nghệ sĩ cách mạng kể từ khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Các tổ chức, nhóm phái văn nghệ sĩ tiền chiến đã chuyển hóa “nhận đường”, kiên trì, bền bỉ, tích cực đem tài năng phụng sự cách mạng, cùng toàn Đảng, toàn dân tham gia vào cuộc trường kỳ 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và 20 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ.
Giai đoạn ấy, lớp lớp văn nghệ sĩ-chiến sĩ đã trực tiếp tham gia chiến đấu và hy sinh anh dũng vì độc lập, tự do cho dân tộc, để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng công chúng; minh chứng hùng hồn về lựa chọn lẽ phải, luôn đứng về phía nhân dân, đồng hành với đất nước, một lòng đi theo con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn. Họ cũng đã để lại những tác phẩm văn hóa nghệ thuật đồ sộ, có tầm tư tưởng lớn, nhiều tác phẩm được lựa chọn là “bảo vật quốc gia” như bức tranh “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của họa sĩ Nguyễn Gia Trí, “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của họa sĩ Nguyễn Sáng...
Bước sang thời kỳ đổi mới, vở kịch nói “Tôi và chúng ta” của nhà thơ Lưu Quang Vũ là một trong những tác phẩm xuất sắc của đội ngũ văn nghệ sĩ giai đoạn này, góp phần thức tỉnh, dự báo, ghi dấu sự chuyển đổi nhận thức và thúc đẩy tinh thần lạc quan, hướng tới tương lai. Có thể kể đến các tác phẩm như tiểu thuyết “Thời xa vắng” của nhà văn Lê Lựu, phim tài liệu “Chuyện tử tế” của đạo diễn Trần Văn Thủy, bút ký “Cái đêm hôm ấy... đêm gì” của nhà văn Phùng Gia Lộc, các ca khúc “Tàu anh qua núi” của nhạc sĩ Phan Lạc Hoa, “Một đời người một rừng cây” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn hay “Em ở nông trường em ra biên giới” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn...
Trên mọi lĩnh vực văn học nghệ thuật, trào dâng một khí thế mới và đối mặt với thực tại mới, cuộc sống mới, là sự hòa trộn những tiếng nói hùng tráng thời trận mạc và giọng điệu đa thanh thời dựng xây, kiến tạo, đổi mới. Chính tinh thần “cởi trói”, không khí dân chủ và định hướng văn nghệ đúng đắn của Đảng đã góp phần quyết định mở đường cho sự ra đời những nhà văn tên tuổi lớn, tác phẩm lớn... từng bước đưa văn học nghệ thuật Việt Nam giao lưu, kết nối, hội nhập cùng bè bạn bốn phương.
Những thành tựu, đóng góp quan trọng của các thế hệ văn nghệ sĩ trong suốt 76 năm qua đã được khẳng định và lưu dấu trong lòng công chúng cả nước. Đồng thời, cũng đặt ra nhiều gợi mở, thách thức cho văn học, nghệ thuật trước những vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước như là: Xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; phòng, chống dịch Covid-19; bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo; quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng... Và đặc biệt là mong muốn có được tác phẩm lớn “xứng đáng với nhân dân ta, thời đại ta”.
Nhìn ở khía cạnh tích cực thì bối cảnh đời sống với những thử thách, bộn bề sẽ tạo nên nguồn chất liệu phong phú, cảm hứng sáng tạo cho văn nghệ sĩ. Nền văn học, nghệ thuật nước nhà cần những tác phẩm đề cao vẻ đẹp đất nước, con người, trong đó, nhân phẩm, đạo đức, niềm tin, lòng tự trọng của dân tộc là những yếu tố quan trọng, cấp thiết, gắn với sứ mệnh người cầm bút... Nhưng câu hỏi đặt ra là: Đời sống, xã hội đã và đang có rất nhiều biến động mạnh mẽ, sâu sắc, vậy tại sao nền văn học, nghệ thuật vẫn chưa xuất hiện tác phẩm xứng tầm?
Đa số văn nghệ sĩ cho rằng, nhiệm vụ của nhà văn không phải mô tả hiện thực mà cần nhìn nhận, lý giải ở chiều sâu văn hóa, nghệ thuật và tư tưởng. Trong giai đoạn cả nước chống chọi với đại dịch Covid-19, xuất hiện nhiều tác phẩm cổ động, tuyên truyền cho cuộc chiến chống dịch, nhưng vẫn thiếu vắng tác phẩm nổi bật mang giá trị nghệ thuật cao. Ông Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng lý luận văn học nghệ thuật Trung ương cho rằng, trong rất nhiều lý do thì một lý do nổi bật là người viết đang đi cùng nhịp với diễn biến của cuộc sống, trong khi lẽ ra, với tư cách người sáng tạo, họ phải có độ lùi hoặc vượt lên phía trước đời sống để quan sát, chiêm nghiệm, dự báo về những vấn đề phổ quát hơn được đặt ra từ hiện thực...
Để làm được điều đó là không hề đơn giản, nhất là trong giai đoạn hiện nay, nhiều văn nghệ sĩ chưa ý thức rõ bổn phận của mình đối với đất nước, chưa tâm huyết học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ. Cá biệt, còn một số cá nhân, nhóm trí thức, văn nghệ sĩ chưa mạnh dạn, thẳng thắn, ngại bày tỏ chính kiến, thậm chí né tránh hoặc lợi dụng danh nghĩa để đưa ra các ý kiến, quan điểm trái chiều. Đây là điều chúng ta cần suy nghĩ về trách nhiệm xã hội của văn nghệ sĩ đối với xã hội, nhất là đòi hỏi thực tiễn về sáng tạo văn học, nghệ thuật của công chúng.
Đồng thời, vai trò của các cơ quan chức năng cũng đặc biệt quan trọng nhằm quan tâm, tôn trọng, bảo đảm quyền sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi nhằm phát huy tính độc lập, đổi mới về nguồn lực, mở rộng về không gian, định hướng trong tư duy, thẩm mỹ... để phát huy thế mạnh của lĩnh vực mang tính đặc thù như văn học, nghệ thuật.
Đặng Đức Hải