Biên phòng - Trên tuyến biên giới huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, các “thầy thuốc mang quân hàm xanh” đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho đồng bào các dân tộc mỗi khi ốm đau, bệnh tật.

Nhà cách trung tâm y tế huyện hàng chục cây số, trước đây, mỗi lần trái gió trở trời, ông Nguyễn Văn Lũ, ở thôn A Tin, xã Lâm Đớt, huyện A Lưới lại nơm nớp nỗi lo. Từ ngày Trạm quân dân y kết hợp A Đớt, Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt, BĐBP Thừa Thiên Huế đi vào hoạt động (tháng 4-2015), ông Lũ và nhân dân ở đây đã yên tâm hơn khi có các thầy thuốc Biên phòng thăm khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe.
Ông Nguyễn Văn Lũ chia sẻ: “Bây giờ tôi già rồi, đi lại khó khăn, lại thường xuyên đau ốm nữa. Cũng nhờ có Trạm quân dân y kết hợp A Đớt mà bất kể ngày hay đêm, đau ốm gì, tôi và bà con dân bản đều đến khám. Các anh BĐBP ở đây rất nhiệt tình, trách nhiệm với nhân dân. Bất kể mưa gió, khi người dân gọi thì các y, bác sĩ ở Trạm quân dân y kết hợp A Đớt không quản khó khăn đến tận thôn, bản để kịp thời sơ cứu, điều trị cho người dân. Ở đây ai cũng mến phục, xem các anh như người thân trong gia đình”.
Nhờ có trang thiết bị, nguồn thuốc chữa bệnh do Bộ Tư lệnh BĐBP bảo đảm và sự hỗ trợ của Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế nên Trạm quân dân y kết hợp A Đớt đã có điều kiện để cấp cứu và sơ cứu ban đầu cho người dân. Hằng năm, Trạm quân dân y kết hợp A Đớt cũng như các Trạm quân dân y kết hợp trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào còn tổ chức nhiều đợt khám, chữa bệnh, tư vấn, cấp phát thuốc cho hàng nghìn lượt người dân, gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện giao thông đi lại khó khăn. Bên cạnh đó, cán bộ quân y Biên phòng còn tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, thực hiện ăn chín, uống sôi để bảo vệ sức khỏe.
Thiếu tá Nguyễn Văn Chi, nhân viên Trạm quân dân y kết hợp A Đớt cho biết: “Dân cư ở khu vực biên giới đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn thấp nên nhiều người còn chủ quan về sức khỏe. Ngoài tuyên truyền cho người dân khi đến khám, chữa bệnh, mỗi lúc rảnh, chúng tôi thường đến nhà các hộ dân tại các thôn, bản để tuyên truyền, hướng dẫn bà con vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là các loại bệnh như tiêu chảy, sốt xuất huyết và một số bệnh truyền nhiễm khác”.
Hiện nay, trên tuyến biên giới huyện A Lưới có 5 Trạm quân dân y kết hợp. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, các Trạm quân dân y kết hợp đã trở thành chỗ dựa tin cậy, phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh miễn phí cho hàng trăm lượt cán bộ và người dân ở khu vực biên giới cũng như người dân tại các bản làng biên giới của nước bạn Lào. Nhiều trường hợp đã được thầy thuốc mang quân hàm xanh hỗ trợ cấp cứu, điều trị kịp thời.

Đại úy Un Kham, Chính trị viên Đại đội Bảo vệ biên giới 531, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sê Kông, Lào là người nhiều lần đưa người dân bản Ka Lô, huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông bị bệnh sang Trạm quân dân y kết hợp A Đớt để cấp cứu, điều trị. Đại úy Un Kham chia sẻ: “Từ chỗ đơn vị chúng tôi đóng quân vào đến trung tâm huyện Kà Lừm rất xa, đường sá đi lại khó khăn. Khi có vấn đề gì về sức khỏe, người dân bản Ka Lô cũng như cán bộ, chiến sĩ Đồn Công an Tà Vàng và Đại đội Bảo vệ biên giới 531 đều đến Trạm quân dân y kết hợp A Đớt để được khám, tư vấn, hướng dẫn, chăm sóc sức khỏe. Các y, bác sĩ tại đây rất nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi”.
Ngoài thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh, lực lượng quân y tại các Trạm quân dân y kết hợp còn tích cực tham gia cùng với hệ thống y tế huyện A Lưới triển khai các đợt tiêm chủng, phòng, chống dịch bệnh; phối hợp với cán bộ y tế địa phương thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai.
Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết: “Trạm quân dân y kết hợp của lực lượng BĐBP đã góp phần nâng cao năng lực của tuyến y tế cơ sở, nhất là tại các xã biên giới để người dân dễ tiếp cận khám, chữa bệnh. Với tinh thần, trách nhiệm và chuyên môn của mình, các y, bác sĩ đã góp phần bảo vệ, nâng cao sức khỏe cho cán bộ, nhân dân, được đồng bào các dân tộc yêu quý. Đặc biệt, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, thời gian qua, các thầy thuốc mang quân hàm xanh đã nỗ lực cùng chính quyền địa phương tầm soát, khoanh vùng, dập dịch và đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn”.
Có thể nói, bằng trái tim của người thầy thuốc và tinh thần của người lính mang quân hàm xanh, các cán bộ quân y Biên phòng luôn tận tụy, chu đáo với bệnh nhân như đối với người thân của mình. Những việc làm đó không chỉ thể hiện sự tri ân của lực lượng BĐBP với người dân biên giới, mà còn tô thắm thêm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ nơi phên dậu của Tổ quốc.
Võ Tiến