Biên phòng - Các nhà lãnh đạo châu Âu đã yêu cầu Vương quốc Anh nhượng bộ hơn về các quy tắc thương mại để hai bên có thể khơi thông các cuộc đàm phán đang bế tắc.
Ngày 15-10, các nhà lãnh đạo châu Âu đã yêu cầu Vương quốc Anh nhượng bộ hơn về các quy tắc thương mại để hai bên có thể khơi thông các cuộc đàm phán đang bế tắc.
Đề nghị này đã làm Anh tức giận và có thể khiến “số phận” các cuộc đàm phán rơi vào tình thế nguy hiểm.
Theo phóng viên TTXVN tại Anh, các nhà lãnh đạo của 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã bày tỏ lạc quan thận trọng khi đến dự Hội nghị thượng đỉnh ở Brussels.
Thế nhưng trong văn bản kết luận của hội nghị, họ đã thúc giục EU và các nước thành viên chuẩn bị cho kịch bản Anh ra đi mà không có thỏa thuận.
Trong một thông điệp trên Twitter, Trưởng đoàn đàm phán Anh David Frost cho biết ông thất vọng về những kết luận của Hội nghị thượng đỉnh và hiểu rằng EU không còn giữ cam kết tăng cường đàm phán để đi đến quan hệ đối tác tương lai như đã hứa.
Cũng theo ông Frost, việc EU nói rằng chỉ có Anh nên nhường bước là “cách tiếp cận bất thường” và Thủ tướng Anh Borris Johnson sẽ quyết định về bước đi tiếp theo vào ngày 16-10.
Tuy nhiên, trong một tín hiệu khác, Anh đã đưa ra đề nghị tiếp tục thảo luận với EU vào tuần tới ở London và tuần sau đó tại Brussels.
Trưởng đoàn đàm phán của EU Michel Barnier cho biết ông sẽ liên lạc với người đồng cấp Frost và sau đó đến London cả tuần để đàm phán.
Ông Barnier cho rằng các cuộc đàm phán có thể kéo dài đến cuối tháng 10, mốc được EU ấn định để các Quốc hội thành viên có đủ thời gian thông qua thỏa thuận trước khi quá trình chuyển đổi Brexit kết thúc vào ngày 31-12.
Những động thái trên diễn ra trong bối cảnh Thủ tướng Johnson trước đó đã cảnh báo rằng nước Anh sẽ rút khỏi các cuộc đàm phán trừ khi Hội nghị thượng đỉnh EU đạt kết quả đột phá.
Về phần mình, EU đã yêu cầu Thủ tướng Johnson hợp tác để hai bên có thể đi tới thỏa thuận khi thời gian kết thúc.
Trước đó, khi điện đàm với Thủ tướng Johnson trước thềm cuộc đàm phán căng thẳng, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cảnh báo "vẫn còn rất nhiều việc phải làm ở phía trước" và rằng EU muốn có một thỏa thuận nhưng "không phải bằng bất cứ giá nào."
Anh và EU đã tiến hành nhiều vòng đàm phán kể từ khi Anh rời EU từ đầu năm nay nhưng vẫn vướng mắc trong một loạt vấn đề chính như quyền đánh bắt cá, cơ chế giải quyết tranh chấp và cạnh tranh công bằng.
Tuy nhiên gần đây Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ám chỉ khả năng đạt được thỏa hiệp trong các vấn đề hóc búa về quyền đánh cá. Ông khẳng định sẵn sàng tìm kiếm một "thỏa hiệp tốt" để đảm bảo quyền tiếp cận của ngư dân Pháp tới các vùng biển của Vương quốc Anh.
Theo kế hoạch, nếu Anh và EU không đạt được thỏa thuận về quan hệ tương lai hậu Brexit, hai bên sẽ phải áp dụng các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Cả hai phía đều khẳng định đã sẵn sàng cho khả năng này và các chuyên gia dự báo kinh tế sẽ bị xáo trộn nghiêm trọng.
Theo TTXVN