Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 24/09/2023 04:50 GMT+7

“Đàm phán” đưa hàng thủy sản vào hệ thống siêu thị

Biên phòng - “Tôi thường hay nhắc nhở nhiều doanh nghiệp phân phối của thành phố (TP) Hồ Chí Minh, ráng nhịn một chút, chăm sóc các doanh nghiệp, hợp tác xã còn non trẻ ở miền Trung, để họ sản xuất ra những sản phẩm tốt. Ngược lại, doanh nghiệp sản xuất nông thủy sản cũng ráng một chút, để sản phẩm của mình đạt được ngưỡng chất lượng, rộng đường đi vào hệ thống siêu thị, lên sàn thương mại điện tử”.

Chị Lê Thị Thu Hà (bên phải) đang chào bán chả cá với đại diện nhà phân phối TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Lệ Giang

Đó là chia sẻ của ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, tại chương trình kết nối giao thương giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ tại Khánh Hòa. Ông Hoan nói tiếp: “Nhớ lần đầu tiên tổ chức gặp gỡ, kết nối giao thương giữa các nhà phân phối lớn TP Hồ Chí Minh với nhà sản xuất ở một tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, lúc đầu, do chưa hiểu nhau, giống như “hai mặt trận”, “hai chiến tuyến”. Bên nhà sản xuất đưa ra cái “lý” của họ, bên nhà phân phối đặt ra tiêu chí để bảo vệ người tiêu dùng. Cứ giằng co không bên nào chịu bên nào, không ai chia sẻ cho nhau”.

“Chợ đầu mối” từ xa của TP Hồ Chí Minh

Qua đợt dịch Covid-19 vừa rồi, vì phải bị đóng cửa phòng chống dịch, TP Hồ Chí Minh nhờ các tỉnh cung ứng hàng hóa mà tồn tại. Khi dịch vừa kết thúc, TP vực dậy phát triển, tăng trưởng hơn 9% năm 2022. Rõ ràng, nguồn lực từ các địa phương rất lớn, ngược lại, các địa phương cũng dựa vào TP để cùng phát triển. “Quan điểm của TP là mở rộng giao thương, mở rộng kết nối, cùng nhau phát triển. Thị trường tiêu thụ ngày nay cũng khác. Chính vì vậy, chúng ta kết nối lại thành chuỗi cung ứng, vì sự tồn tại của các thành viên trong chuỗi, có tác động và lợi ích lẫn nhau” - ông Hoan gợi mở.

Tham gia chương trình kết nối giao thương, có rất nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất đến từ các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ. Mỗi cơ sở đều mang theo sản phẩm của mình sản xuất đến TP biển Nha Trang chào bán với các nhà phân phối lớn của TP Hồ Chí Minh. “Đây là chả cá của huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), nguyên liệu làm từ những loại cá tươi được đánh bắt ở vùng biển Lý Sơn. Sản phẩm làm theo truyền thống, còn giữ nguyên độ đạm trong từng miếng chả” - chị Lê Thị Thu Hà, chủ cơ sở sản xuất chả cá Hải Hà, Lý Sơn giới thiệu với anh quản lý kênh phân phối siêu thị.

Chị Hà mang theo 20kg sản phẩm chả cá bán thử, các loại giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, OCOP được để bên cạnh sản phẩm như chứng minh với mọi người, cơ sở sản xuất chả cá Hải Hà làm ăn bài bản, chuyên nghiệp. Chị Hà tâm sự: “Đây là lần đầu tiên, tôi mang sản phẩm đi xa chào bán với mấy “sếp” hệ thống siêu thị, mấy anh kiểm tra sản phẩm kỹ lưỡng quá trời, quá đất. Họ nói phải có bộ phận đi kiểm tra thực tế ở đảo Lý Sơn, sau đó mới ra quyết định có đưa vào bán ở hệ thống siêu thị TP Hồ Chí Minh hay không. Nếu mọi chuyện thông suốt, siêu thị sẽ ký hợp đồng với tôi, cung cấp sản lượng chả cá hàng ngày cho siêu thị, sản tượng 6 - 7 tấn/tháng”.

Lần này, lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh đưa đoàn doanh nghiệp, hệ thống phân phối bán lẻ siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nhà máy chế biến xuất khẩu, các sàn thương mại điện tử... phải nói là hùng hậu. Các chuyên gia tỏa đi gặp trực tiếp, thiết lập mối quan hệ với các nhà sản xuất nông thủy sản ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ.

“Thị trường TP Hồ Chí Minh có trên 10 triệu dân, hàng ngày cần nguồn hàng rất lớn để cung ứng cho người dân. Đó là chưa kể cung cấp riêng cho nhiều nhà máy sản xuất chế biến, đóng gói phục vụ xuất khẩu ra thị trường thế giới. Các doanh nghiệp TP phải tạo lập nhiều điểm cung cấp hàng hóa khác nhau, theo từng mùa vụ, thời tiết, ở nhiều tỉnh, mới cung ứng cho TP đủ lượng hàng hóa quanh năm. Các tỉnh Nam Trung Bộ có sản lượng thủy sản rất lớn, vừa khai thác tự nhiên, vừa nuôi trồng. Một số doanh nghiệp đã đặt trạm thu mua tại các cảng cá lớn, tàu đánh cá vừa cập cảng, đưa cá lên xe ô tô chở thẳng vào TP ngay” - ông Bùi Thanh Sơn, đại diện Công ty MM Mega Market Việt Nam nêu vấn đề cụ thể.

Đầu tư xây dựng nhiều kho chứa

Về sản xuất nông sản, vùng duyên hải Nam Trung Bộ còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tính liên kết chặt chẽ giữa các hộ nông dân lại với nhau, giữa các hợp tác xã và doanh nghiệp. Nhà sản xuất - phân phối đều hiểu sâu sắc, bên nào cũng có nỗi lo, khó khăn của riêng mình. Nhà sản xuất phải bỏ ra nhiều tâm huyết, công sức để làm ra một sản phẩm chất lượng. Các hệ thống phân phối cũng phải cạnh tranh với nhau, chịu áp lực lớn về doanh số của từng mã hàng đặt trên kệ siêu thị, phải cân nhắc rất kỹ trước khi mua một sản phẩm nào đó, giới thiệu cho người tiêu dùng đón nhận.

Các cảng cá duyên hải Nam Trung Bộ thường xuyên cung ứng lượng lớn thủy sản cho người dân TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Lệ Giang

“Nhìn tổng thể, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ sức chống chịu ở thị trường còn yếu ớt. Tôi thường hay trao đổi với lãnh đạo các doanh nghiệp phân phối lớn của TP, hãy cố gắng giúp đỡ anh chị em ở ngoài miền Trung. Bằng cách ngồi lại với nhau, xem nhà sản xuất đang thiếu, yếu chỗ nào, từ đó, nhà phân phối đưa những tiêu chí, tiêu chuẩn hàng hóa để được đưa vào bán ở hệ thống siêu thị hoặc trên các sàn thương mại điện tử. Giúp đỡ nhau là quan trọng nhất, trên cơ sở bình đẳng, đôi bên cùng có lợi, vì mục tiêu chung, không ép ai cả. Tư tưởng kinh doanh của chúng ta là như thế” - ông Võ Văn Hoan tâm sự.

Các doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực nông thủy sản ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ cần ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nuôi trồng để nâng cao hiệu quả kinh tế. Các tỉnh, TP tạo điều kiều kiện cho các doanh nghiệp, nhà phân phối của TP Hồ Chí Minh xây dựng những kho chứa lớn, khu sơ chế…

Ông Hoan đưa ra giải pháp: “Các tỉnh ở xa thị trường tiêu thụ lớn của TP, đến mùa vụ thu hoạch, cần có kế hoạch lưu trữ, cách vận chuyển bằng những xe tải lớn, thậm chí cả đoàn tàu lửa, có như vậy mới giảm được cước phí, tăng lợi nhuận trên sản phẩm. Phương án này cũng cần có sự thống nhất, chia sẻ giữa các tỉnh với nhau, rất cần có sự phối hợp chặt chẽ, phân công, phân nhiệm đầy đủ, rõ ràng. Đây là chuỗi cung ứng, cần làm thật tốt để bên nào cũng được hưởng lợi”.

Lệ Giang

Bình luận

ZALO