Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:59 GMT+7

Đam mê điệu khắp quê hương

Biên phòng - Với niềm đam mê và tình yêu sâu sắc với văn hóa dân tộc Thái, bao năm qua, Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Hoàng Thị Mai đã dành nhiều tâm huyết trong việc lưu giữ, bảo tồn vốn văn hóa của dân tộc Thái Sơn La để những giá trị tốt đẹp ấy được gìn giữ, truyền nối hiệu quả.

mjdn_9
NNƯT Hoàng Thị Mai chơi đàn tính và hát khắp Thái mỗi khi có khách đến chơi nhà. Ảnh: Thanh Thuận

Một ngày đầu tháng 4, chúng tôi tìm đến bản Bó, phường Chiềng An, thành phố Sơn La để gặp NNƯT Hoàng Thị Mai. Trong căn nhà rộng rãi, nghệ nhân đang say sưa chơi đàn tính. Những câu chuyện kèm theo các bài khắp Thái cứ thế được kể, được hát đan xen, khiến ai nấy đều vui như vừa được khám phá nét văn hóa độc đáo của người Thái.

NNƯT Hoàng Thị Mai sinh năm 1948, ở xã Viêng Lán, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Từ nhỏ, Hoàng Thị Mai đã được nghe và đắm mình trong những làn điệu bài dân ca, hát ru, hát giao duyên, hát trong đám cưới hỏi... của người Thái. Các bài hát cứ tự nhiên thấm vào tâm hồn bà lúc nào không hay. Từ năm 12 tuổi, bà say mê học hát dân ca Thái. Tình yêu với nền văn hóa dân tộc Thái ngày càng lớn dần trong bà. 

Lớn lên, ngoài học văn hóa, Hoàng Thị Mai còn được nhiều người cao tuổi trong bản hướng dẫn những điệu múa dân gian, lời hát giao duyên và được dạy chữ Thái cổ. Khi vừa tròn 16 tuổi, Hoàng Thị Mai chính thức được tham gia đội văn nghệ nghiệp dư của huyện Yên Châu, đi biểu diễn phục vụ bộ đội trong huyện và đi biểu diễn dọc biên giới Sơn La phục vụ đồng bào.

“Địa bàn những nơi đội văn nghệ của tôi đến biểu diễn thường là đồi núi, rừng thẳm, phải đối mặt với nhiều thử thách, trên cây là vắt xanh, bên dưới đất là vắt đất. Có những chuyến đi biểu diễn phải đi bộ từ tối hôm trước đến sáng hôm sau mới tới nơi” - Bà Mai tâm sự.

Tháng 11-1965, Hoàng Thị Mai được tuyển thẳng vào làm diễn viên của Đoàn Văn công tỉnh Sơn La (nay là Nhà hát ca múa nhạc tỉnh Sơn La), do có năng khiếu văn nghệ và đạt được một số thành tích trong các cuộc hội diễn văn nghệ. Rồi bà vinh dự được có mặt trong đội hình của Đoàn Văn công tỉnh Sơn La đi lưu diễn phục vụ bộ đội tình nguyện nước CHDCND Lào, tháp tùng đoàn cấp cao của tỉnh Sơn La sang thăm hữu nghị các tỉnh Bắc Lào, đi biểu diễn tại Liên Xô và Albani. Điều đó khiến cô gái Thái cảm thấy vô cùng hạnh phúc trên con đường gắn bó với nghệ thuật của mình.

Cũng tại Đoàn Văn công tỉnh Sơn La, Hoàng Thị Mai đã gặp được tình yêu của đời mình và cũng là người chồng của bà sau này. Ông chính là Đoàn phó Đoàn Văn công Sơn La. Sau khi lập gia đình, Hoàng Thị Mai vẫn hăng hái vượt núi, băng rừng cùng Đoàn Văn công đi biểu diễn phục vụ nhân dân khắp vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới các huyện trong tỉnh Sơn La và tham gia lưu diễn xuyên Việt. Với giọng hát trong trẻo, vút cao, cùng với sự đa năng trong biểu diễn là hát được cả tiếng Lào, tiếng Thái, tiếng phổ thông, Hoàng Thị Mai trở thành ca sĩ hát chính của Đoàn Văn công tỉnh Sơn La. Bà đã cùng các diễn viên của đoàn tham gia nhiều hội diễn, liên hoan nghệ thuật toàn quốc và đạt nhiều Huy chương Vàng và Huy chương Bạc.

Đi đến đâu, lời ca, tiếng hát của bà cũng để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho người nghe. Ngay cả khi mang bầu đến tháng thứ tư, bà vẫn đi biểu diễn bên Lào. Đến khi có con, do không có người trông con, bà đã địu con trên lưng cùng đi biểu diễn khắp nơi. Từ người con đầu tiên đến người con thứ tư đều như thế. Kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời làm nghệ thuật của bà là được đi theo quân tình nguyện Việt Nam sang Campuchia, biểu diễn cho bộ đội xem. 

Trong các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc Thái, bà Mai tâm đắc nhất là hát khắp Thái (lời hát có vần điệu như thơ nhưng có âm vực cao và tiết tấu rất nhanh). “Điệu khắp hình thành và phát triển từ thực tế cuộc sống, được lưu giữ qua truyền miệng, phản ánh những tâm tư tình cảm, khát vọng vươn tới một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Người Thái có thể khắp đối đáp khi lao động sản xuất trên nương, dưới ruộng, khi chia sẻ nỗi buồn cùng khổ đau, hạnh phúc... với nhau” - Bà Mai tâm sự.   

Những bài khắp Thái luôn được bà Mai biểu diễn trong niềm say mê. Những lúc hát các làn điệu dân ca Thái, trong đôi mắt bà như có hai đốm lửa đam mê: “Hát vào núi đá hóa thành vôi trắng/ Hát vào suối cạn, dâng thành sông Đà/ Hát cùng chài gấp nên tấm lụa/ Hát cùng rau non, lớn vụt thành sen/ Hát cùng chồng người bỏ vợ quên tình/ Hát cùng đầu bạc, xanh lại thời tuổi trẻ” (dân ca Thái).

Về nghỉ hưu, bà Mai vẫn thường xuyên được mời đi biểu diễn tại các sự kiện văn hóa của tỉnh Sơn La. Bên cạnh đó, bà Mai đã gây dựng được 8 đội văn nghệ tại bản Bó. Bà còn sáng tác, dàn dựng nhiều chương trình, tiết mục văn nghệ cho các cơ quan, trường học đóng trên địa bàn thành phố Sơn La.

Các hoạt động chung của bản và ngày lễ, tết dân tộc, những bài khắp, điệu múa truyền thống Thái mà bà thể hiện, dàn dựng, được người dân trong bản, đặc biệt là lớp trẻ tìm hiểu, tiếp thu. 

Với tình yêu, sự say mê và tâm huyết với việc bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình, bà Mai đã cùng chồng mở lớp truyền dạy chữ Thái cổ, các làn điệu dân ca Thái cổ cho những người yêu thích nghệ thuật dân tộc Thái, tại nhà văn hóa thành phố Sơn La.

Bà chia sẻ: “Thời gian qua, tôi đã truyền dạy cho trên 50 người và sẽ tiếp tục đem những kiến thức văn hóa dân tộc trao truyền cho thế hệ sau, đặc biệt là giới trẻ, bằng những cách gần gũi nhất. Đến khi nào tay run, chân không vững, không còn giọng hát, tôi mới thôi, để nét đẹp dân tộc Thái còn được gìn giữ mãi mãi”.

Nghệ nhân Hoàng Thị Mai mong muốn ngành văn hóa quan tâm và có sự hỗ trợ trong việc mở các lớp dạy hát, dạy múa truyền thống, để bản sắc dân tộc Thái được lưu giữ và tiếp tục phát huy trong đời sống ngày nay. 

Thanh Thuận

Bình luận

ZALO