Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:52 GMT+7

Đảm bảo sản xuất trong trạng thái bình thường mới

Biên phòng - Những ngày này, các doanh nghiệp (DN) tại phía Nam đang chạy đua với thời gian để thực hiện mục tiêu “kép” - vừa khôi phục kinh tế, vừa đảm bảo quy định phòng dịch trong trạng thái bình thường mới. Theo đó, các DN vừa tăng tốc hoàn thành đơn hàng cuối năm, vừa duy trì các cơ sở y tế tại chỗ để xử lý kịp thời khi có F0.

Người lao động quay trở lại làm việc với công suất tối đa để hoàn thành các đơn hàng cuối năm cho doanh nghiệp. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Duy trì y tế tại chỗ

Theo Tổ công tác đặc biệt phía Nam của Bộ Công thương, tại tỉnh Bình Dương, các DN trong cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã hoạt động trở lại 100%, hiện nay, công suất đã đạt 70% so với trước khi có dịch. Ngoài ra, Sở Công thương tỉnh Bình Dương cũng đã có văn bản hướng dẫn chấp thuận về việc trao quyền chủ động hơn cho DN tái hoạt động, cơ quan quản lý nhà nước sẽ hậu kiểm.

Đại diện Sở Công thương tỉnh Bình Dương cho biết, hiện nay, DN đã quay trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới, vừa duy trì hoạt động sản xuất, vừa đảm bảo quy định phòng dịch. Theo đó, Sở đã cho phép DN tự xét nghiệm và cấp giấy xác nhận để người lao động đi lại; giới thiệu cho DN tiếp cận nguồn kít test đạt chất lượng với giá chỉ vài chục nghìn đồng/test. DN còn được phép gộp từ 3 đến 5 mẫu để giảm chi phí xét nghiệm. Tính đến nay, người lao động ở Bình Dương cũng đã tiêm phủ 100% mũi 2 để quay trở lại làm việc trong trạng thái bình thường mới.

Tương tự, tại thành phố Hồ Chí Minh, bà Lê Bích Loan, Phó Trưởng ban Quản lý khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh (SHTP) cho biết, hiện nay, toàn bộ các DN trong khu đã sản xuất trở lại với quy mô hơn 80%. Phần còn lại cũng được các DN lên kế hoạch phục hồi đến giữa tháng 11.

“Ngày 5-11 vừa qua, SHTP đã chính thức đưa vào sử dụng khu cách ly tập trung, chăm sóc F0 triệu chứng nhẹ. Cơ sở có quy mô khoảng 200 giường, nhưng trước mắt sẽ đưa vào sử dụng khoảng 50% công suất. Cơ sở có ti vi, máy giặt, khu vực tập luyện thể thao... bảo đảm điều kiện sinh hoạt cho người đến điều trị. Cơ sở cách ly này không sử dụng ngân sách mà do chính các đơn vị DN thực hiện xã hội hóa. Mục đích nhằm chăm lo cho công nhân, lao động giúp họ ổn định tâm lý, tạo điều kiện để DN phục hồi cũng như duy trì sản xuất”, bà Lê Bích Loan cho biết.

Ông Ngô Vi Đồng, Chủ tịch HĐQT Công ty Công nghệ HPT thông tin, hiện nay, HPT đang chuyển trạng thái “sống chung với Covid-19” bằng cách tăng cường nguồn lực y tế và vẫn duy trì sản xuất để đảm bảo các đơn hàng dịp cuối năm. Cụ thể, tại khối văn phòng, nhân viên văn phòng sẽ được trang bị thêm một số nghiệp vụ y tế để đảm bảo an toàn phòng dịch khi làm việc. Nhờ công tác duy trì an toàn phòng dịch tại cơ sở từ khi triển khai phương án “3 tại chỗ”, đến nay, các nhân viên đã có thể xử lý các tình huống phát sinh khi có F0 tại đơn vị. Đây cũng là cách DN hình thành tầng 1 trong tháp điều trị Covid-19 ngay tại DN để giảm tải cho các tuyến trên.

Nỗ lực hoàn thành các đơn hàng

Là đơn vị đã trở lại hoạt động 200% công suất trong hoàn cảnh bình thường mới, ông Lê Vũ Chiến, Giám đốc Công ty TNHH may mặc Minh Tiến khẳng định: “Trong thời gian giãn cách xã hội, nếu như DN chỉ duy trì năng suất từ 20 - 30% để hoàn thành những đơn hàng cần gấp, thì khi thành phố trở lại trạng thái bình thường mới, DN liên tục ký được hàng loạt đơn hàng xuất khẩu đi các thị trường châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Vì vậy, công nhân cũng tăng tốc hoạt động với công suất 200% để vừa tiếp xúc khách hàng mới, vừa giữ nhịp điệu dây chuyền sản xuất của đơn vị. Hiện, toàn bộ người lao động đã có thẻ xanh Covid-19, khi làm việc, người lao động được khuyến cáo thực hiện 5K, tuân thủ quy định giãn cách và đeo khẩu trang để đảm bảo phòng dịch...”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ thành phố Hồ Chí Minh (Hawa) cho biết, để khôi phục sản xuất dịp cuối năm, DN trong Hội đang tập trung 2 vấn đề là nhân lực và vật tư để tăng tốc sản xuất. Vì vậy, để hoàn thành các đơn hàng dịp cuối năm, nhiều DN đã đăng tin tuyển lao động mới, một số DN khi đủ nhân lực thì đi tìm khách mua quốc tế để có các đơn hàng mới.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, DN chưa thể đi xúc tiến ở nước ngoài, nên rất cần các nhà quản lý làm cầu nối để các DN cập nhật số liệu nhập khẩu gỗ từ các thị trường cung của Việt Nam như: Mỹ, châu Âu và Trung Quốc... Trong đó, có những đánh giá xu hướng ở thị trường cung, xu hướng và diễn biến giá trong thời gian tới để DN có thể sàng lọc các thị trường phù hợp. Ngoài ra, để khôi phục ngành gỗ, Hawa cũng kết nối với Hiệp hội Logistics Việt Nam chia sẻ xu hướng giá cả logistics, các tuyến vận tải quốc tế chính trong giai đoạn hiện nay và những tác động có thể đến ngành gỗ...

Theo Sở Công thương thành phố Hồ Chí Minh, để hỗ trợ DN thực hiện mục tiêu "kép", Sở đang tiếp tục tăng cường thực hiện chương trình kết nối Ngân hàng - DN, với gói hỗ trợ tín dụng khoảng 70 nghìn tỷ đồng trong quý IV-2021 nhằm hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN thành phố Hồ Chí Minh cho biết, để giúp DN phục hồi sớm trong thời gian tới, Hiệp hội đã có những kiến nghị chính quyền tháo gỡ thủ tục hành chính, sớm ban hành một số chính sách hỗ trợ giúp giảm chi phí sản xuất cho DN như: tạm thời chưa thu phí cảng, hạ tầng cảng biển, giảm tiền điện, nước... cho DN khi trở lại làm việc. Ngoài ra, Hiệp hội cũng đã kiến nghị Chính phủ ban hành gói hỗ trợ cho DN như: Vay vốn không cần thế chấp tài sản, kéo dài hơn thời gian nộp thuế... để có thêm điều kiện thực hiện mục tiêu “kép” - vừa duy trì sản xuất, vừa đảm bảo quy định phòng dịch.

Nguyễn Hoàng

Bình luận

ZALO