Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 31/03/2023 12:55 GMT+7

Đảm bảo quyền trẻ em gái

Biên phòng - Theo Báo cáo “Trẻ em gái khu vực châu Á - Thái Bình Dương 2021” của Plan International (tổ chức toàn cầu thúc đẩy quyền bình đẳng giới cho phụ nữ và trẻ em gái) được công bố mới đây, Việt Nam nằm trong số các nước dẫn đầu khu vực châu Á về đảm bảo sự tham gia của trẻ em gái vào đời sống chính trị và chính sách.

Đánh giá của Plan International được thực hiện tại 19 nước châu Á và 14 nước Thái Bình Dương, đo lường trên 6 lĩnh vực: giáo dục, sức khỏe, cơ hội kinh tế, bảo vệ, khả năng đại diện và tiếng nói chính trị, luật pháp và chính sách.

Cụ thể, Việt Nam dẫn đầu khu vực châu Á trong lĩnh vực luật pháp và chính sách dựa trên các chỉ số về thừa kế, trả lương bình đẳng, quấy rối tình dục, kết hôn trẻ em và bạo lực gia đình. Việt Nam cũng xếp thứ hai khu vực trong lĩnh vực khả năng đại diện và tiếng nói chính trị dựa trên các chỉ số về tỉ lệ đại diện trong Quốc hội, sự bình đẳng khi làm chứng trước tòa và tỉ lệ đăng ký khai sinh cho trẻ em gái.

Ngoài ra, các chỉ số sức khỏe và giáo dục của Việt Nam cũng tăng so với chỉ số công bố năm 2020. Trong khi chỉ số cơ hội kinh tế của trẻ em gái Việt Nam giảm nhẹ, đứng thứ 10 trong khu vực.

Plan International ghi nhận, đảm bảo quyền phụ nữ và trẻ em gái là một ưu tiên hoạt động của Chính phủ Việt Nam trong những năm qua. Trên cương vị Ủy viên không Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam cam kết ưu tiên thúc đẩy các sáng kiến liên quan tới phụ nữ và trẻ em gái tại các cơ chế quan trọng này và sẵn sàng hợp tác với các quốc gia nhằm hướng tới một xã hội thực sự bình đẳng và một thế giới hòa bình bền vững.

Từ năm 2017, Plan International Việt Nam phối hợp với Hội đồng Đội Trung ương thực hiện mô hình Hội đồng trẻ em. Mô hình là đại diện của trẻ em định kỳ bày tỏ ý kiến, nguyện vọng với các đại biểu HĐND, lãnh đạo của địa phương về những vấn đề liên quan đến trẻ.

Đến nay, trên cả nước đã có 14 mô hình Hội đồng trẻ em cấp tỉnh và 21 Hội đồng trẻ em cấp huyện phát huy vai trò cầu nối giúp lãnh đạo các địa phương và các cơ quan chức năng nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của các em, tạo sự chuyển biến về trách nhiệm thực hiện các mục tiêu vì trẻ em.

Trong giai đoạn từ tháng 7-2020 đến tháng 6-2021, 372 trẻ em tiêu biểu (trong đó, 162 em là đồng bào dân tộc thiểu số) của 10 Hội đồng trẻ em, đại diện cho hơn 983.000 trẻ em tại 5 tỉnh đã đóng góp gần 15.000 ý kiến thể hiện tâm tư, nguyện vọng đến các cấp lãnh đạo.

Dù đạt nhiều thành tựu về đảm bảo bình đẳng giới, Plan International khuyến nghị Chính phủ Việt Nam và các tổ chức xã hội cần đặc biệt quan tâm hỗ trợ, bảo vệ trẻ em gái trước các nguy cơ tiềm ẩn, nhất là tình trạng xâm hại tình dục và bạo lực diễn biến phức tạp trong thời gian qua.

6 tháng đầu năm 2021, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận 171.019 cuộc gọi đến, trong đó có 706 ca phải hỗ trợ, can thiệp (tăng 299 ca so với cùng kỳ năm trước). Trong đó có 362 ca bạo lực trẻ em, chiếm 51,27%; 122 ca xâm hại tình dục trẻ em, chiếm 17,28%...

Theo các chuyên gia, tỷ lệ trẻ em bị bạo lực trong gia đình tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020 rất đáng báo động, đòi hỏi các cấp, các ngành phải hành động quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa để nâng cao nhận thức, thái độ và thay đổi hành vi của người dân và cộng đồng về các quyền của trẻ em gái.

Để loại bỏ những thách thức mà trẻ em gái phải đối mặt, ngoài trách nhiệm của gia đình cần sự vào cuộc, chung tay của nhà trường, các tổ chức xã hội để tạo cho trẻ em có môi trường phát triển lành mạnh, bình đẳng; thúc đẩy việc trao quyền cho phụ nữ, trẻ em gái; đồng thời giám sát việc thực thi pháp luật và triển khai các chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực này.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO