Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 11:45 GMT+7

Đảm bảo bình đẳng trong tiếp cận thành quả của sự phát triển

Biên phòng - Trong nhiều thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và phát triển vùng dân tộc thiểu số (DTTS). Tuy nhiên, phụ nữ DTTS vẫn còn những khoảng cách trong tiếp cận và thụ hưởng thành quả của sự phát triển. Chính vì vậy, vấn đề lồng ghép giới vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng DTTS, miền núi giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 được coi là chiếc “chìa khóa” giải quyết vấn đề trên.

7g98_17a
Phụ nữ vùng DTTS thường phải gánh vác rất nhiều công việc trong gia đình.  Ảnh: Bình Minh

Nhiều “rào cản” kìm hãm phụ nữ dân tộc thiểu số

Tại Hội thảo tham vấn “Đề xuất lồng ghép giới và xây dựng tiểu dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển bền vững KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”, bà Lò Thị Thu Thủy, Trưởng ban Dân tộc Tôn giáo, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết: “Khoảng cách giới và các vấn đề giới của phụ nữ DTTS đang nghiêm trọng hơn so với phụ nữ dân tộc Kinh và là yếu tố cản trở phát triển KT-XH toàn diện, bền vững”.

Theo đó, phụ nữ DTTS đang gặp vấn đề khó tiếp cận được hệ thống giáo dục phổ thông, tỷ lệ đi học đúng cấp có sự khác biệt giữa các dân tộc và thấp hơn nhiều so với người Kinh, đặc biệt ở bậc trung học phổ thông. Có 3 dân tộc có tỷ lệ nữ học bậc trung học phổ thông dưới 10% và có tới 16 dân tộc có tỷ lệ chỉ ở mức dưới 20%. Một số dân tộc có tỷ lệ nữ đi học rất thấp như Chứt, Mảng, Stiêng, Mông, Dao... 

Đồng thời, phụ nữ DTTS còn khó tiếp cận các dịch vụ y tế, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Phụ nữ DTTS sinh nhiều con, sinh sớm, sinh dày, tảo hôn; tỷ lệ mang thai và sinh con ở tuổi vị thành niên ở vùng DTTS đặc biệt cao. Phụ nữ một số DTTS chưa sử dụng thẻ bảo hiểm y tế do không thông thạo tiếng phổ thông, e ngại khi đi khám, chữa bệnh và phải phụ thuộc vào chồng khi làm các thủ tục khám, chữa bệnh. 

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh chia sẻ: “Những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em DTTS hiện nay là tình trạng nghèo dai dẳng trong đời sống, nhất là những nhóm dân tộc rất ít người; sự hiểu biết về pháp luật còn hạn chế; tỷ lệ cán bộ là nữ quá thấp so với nam giới; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống còn diễn ra... Từ thực tế đó, chúng ta cần quan tâm đến vấn đề lồng ghép giới vào chương trình mục tiêu quốc gia. Đặc biệt là hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ DTTS để có nền tảng vững chắc cho mọi sự tiến bộ khác”.

Thêm vào đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân trẻ dưới 5 tuổi của DTTS là 22%, cao hơn gần 7% so với bình quân chung cả nước. Ngoài ra, phụ nữ DTTS phải đối mặt với gánh nặng lao động, bạo lực gia đình, mua bán phụ nữ và trẻ em gái... Trong khi đó, họ chưa được tiếp cận với các kênh thông tin do không biết tiếng phổ thông, mù chữ. 

Ở khía cạnh khác, theo bà Thủy, bạo lực trong gia đình DTTS xảy ra khá phổ biến, đặc biệt ở những dân tộc phụ hệ: 58,6% phụ nữ DTTS từ 15-49 tuổi cho rằng chồng có quyền đánh vợ. Tình trạng bạo lực đối với phụ nữ trong cộng đồng các dân tộc thường có xu hướng bạo lực kép: “Người phụ nữ phải gánh chịu đồng thời nhiều hình thức bạo lực và thường chấp nhận, cam chịu các hành vi bạo lực do chồng gây ra. Các hành vi bạo lực trong gia đình ở các DTTS diễn ra khá phức tạp” - Bà Thủy lo ngại.

Theo bà Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam: “Khoảng cách đối với phụ nữ DTTS sẽ ngày càng lớn khi xã hội Việt Nam đang trên đà phát triển nhanh, mạnh, trong khi nhóm phụ nữ DTTS đang bị ngăn cản bởi rất nhiều rào cản đã ăn sâu, bám rễ trong sự bất bình đẳng về cơ hội phát triển. Nghèo về kinh tế, ít các cơ hội tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản là những rào cản cơ bản dẫn tới phụ nữ DTTS đang bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển”.

Lồng ghép giới để thu hẹp dần khoảng cách

 Được biết, nhằm giải quyết vấn đề trên, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã đề nghị các cấp có thẩm quyền bổ sung vấn đề lồng ghép giới vào các chính sách hỗ trợ có điều kiện với phụ nữ DTTS vào các dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Cụ thể như các dự án: “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ DTTS nghèo”, “Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết”, “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp phát huy tiềm năng thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị”; dự án thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết với phụ nữ và trẻ em...

5y2m_17b
Vấn đề hỗ trợ sinh kế có vai trò nền tảng để phụ nữ DTTS vươn lên. Ảnh: Bình Minh

Bà Bùi Thị Hòa cho rằng, vấn đề lồng ghép giới trong các chính sách, chương trình phát triển KT-XH là một trong những yêu cầu bắt buộc theo quy định của Luật Bình đẳng giới (năm 2006) và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Bà Hòa chia sẻ thêm: “Vấn đề lồng ghép giới trong chương trình mục tiêu quốc gia sẽ đảm bảo chính sách của Nhà nước giải quyết được các vấn đề và nhu cầu khác nhau, có sự tác động tích cực đến đời sống của cả nam và nữ vùng DTTS, đồng thời, tạo điều kiện cho cả nam và nữ ở khu vực này có quyền ngang nhau trong việc tiếp cận, tham gia và thụ hưởng chính sách”. 

Đặc biệt, bà Hòa khuyến nghị, các chương trình, dự án phát triển hỗ trợ giảm nghèo, không hỗ trợ giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới thì mục tiêu giảm nghèo bền vững không thể đạt do vẫn còn khoảng cách giữa nam và nữ.

“Hiện nay, để giải quyết các vấn đề bất bình đẳng giới ở vùng DTTS, chúng ta cần lồng ghép giới trong các chủ trương, chính sách, pháp luật, có những giải pháp khả thi để tạo ra những chuyển biến mang tính hệ thống và hiệu quả” - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh.

Bình Minh

Bình luận

ZALO