Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:26 GMT+7

Đắk Nhoong - bình yên trong vòng tay người lính

Biên phòng - Giống như cung đường Trường Sơn huyền thoại xuyên qua miền cực Bắc Tây Nguyên, thật dài, lắm chông gai và vô vàn kỳ tích trong thời lửa đạn, con đường phát triển đi lên của xã Đắk Nhoong, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum cũng “vắt qua” hai thế kỷ, với những bước thăng trầm đong đầy nghĩa Đảng, tình quân, lòng dân. Giữa muôn vàn khó khăn thử thách, người Đắk Nhoong vẫn luôn vững tin hướng về phía trước, bởi đồng hành bên họ là sự quan tâm, chăm lo sâu sắc của Đảng, Nhà nước và ý chí, lòng quyết tâm của những người lính Cụ  Hồ…

Cán bộ Đồn Biên phòng Đắk Nhoong hướng dẫn kỹ thuật trồng cây ăn quả trên đất đồi cho bà con nhân dân. Ảnh: Thái Kim Nga

Nhớ một thời lái đò trên… núi

Chúng tôi bắt đầu câu chuyện về Đắk Nhoong bằng “cú đề pa” từ con số 0 để thấy vinh quang không bao giờ tự đến mà phải đánh đổi rất nhiều thứ, kể cả thế hệ của một lớp người.

Ngày Đắk Nhoong vẫn còn là “vùng trắng” mênh mông trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, ai là người “nhóm lửa” đầu tiên để thắp sáng vùng biên? Câu hỏi này có lẽ Chủ tịch UBND xã Đắk Nhoong đương nhiệm, ông A Nhập là người hiểu rõ nhất. Bởi, hơn 30 năm về trước, A Nhập cùng với những người bạn đồng niên, đồng cấp người dân tộc Dẻ - Triêng bên xã biên giới Đắk Plô (Đắk Glei) như A Hà, A Mon, Y Nghệ, Y Da là những cô cậu học trò nhỏ theo chân người lính Biên phòng học chữ.

Giữa miền biên thẳm xa, lính Biên phòng lúc bấy giờ không chỉ đảm nhận hai mà ba, bốn vai để dìu dắt các chủ nhân vùng biên giới. Những người lính như thế bà con vẫn thường trìu mến gọi là những người thầy giáo, thầy thuốc, cán bộ văn hóa, cán bộ khuyến nông “quân hàm xanh”. Còn với chúng tôi, họ giống tâm thế của người lái đò hơn là những người thầy, người cán bộ, bởi cái cách họ cống hiến đơn giản, mộc mạc và lặng thầm. Hết lần này đến lượt khác, “chuyến đò Biên phòng” cứ thế vượt núi, băng rừng, lội sông đưa dân làng đến bến bờ hạnh phúc.

Cách đây gần 2 năm về trước, ngay tại mảnh đất bên con suối biên giới Đắk Nhoong này, có một cuộc hội ngộ đầy cảm xúc giữa những người “lái đò” trên dãy Trường Sơn với các “vị khách” đến từ buôn làng biên giới trong chương trình “Tết sum vầy - mừng Xuân, ơn Đảng”. Nước mắt lăn trong nụ cười khi cô Y Lai, giáo viên Trường Tiểu học Đắk Nhoong gặp lại người thầy cũ của mình là Trung tá Đinh Thanh Kỳ hiện đang công tác tại Đồn Biên phòng Sông Thanh (BĐBP Kon Tum).

Sau bao năm xa cách, tóc thầy giờ đã phai sương, làn da đã thẫm màu nắng gió, chỉ có ánh mắt và nụ cười thì vẫn vẹn nguyên nét hiền của người chiến sĩ. Họ là đại diện cho thế hệ những người “lái đò” và “khách sang sông” ngồi ôn lại một thời “gieo chữ giữ đất” và cùng khâm phục ý chí vượt khó của chính mình.

Cuộc sống mới trong sắc áo Biên phòng

Trong số 13 xã biên giới của tỉnh Kon Tum, Đắk Nhoong là một trong những địa phương nhận được sự hỗ trợ, đỡ đầu sớm nhất từ những người lính Biên phòng. Trước thời điểm cả nước bắt tay vào Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, BĐBP Kon Tum đã lựa chọn Đắk Nhoong làm điểm xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.

Sự đầu tư về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực từ những người lính Biên phòng tuy chưa làm thay đổi hoàn toàn diện mạo một vùng biên bước ra từ “vùng trắng”, nhưng cũng đã tạo ra nền móng vững chắc để Đắk Nhoong vững tin hơn khi bắt tay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Bắt đầu từ năm 2010, bên cạnh sự quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất thường xuyên cho địa phương, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Kon Tum chỉ đạo Đồn Biên phòng Đắk Nhoong trực tiếp đồng hành, hỗ trợ cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên mọi lĩnh vực đời sống. 10 năm qua, Đồn Biên phòng Đắk Nhoong vừa đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về mọi mặt cho các chủ nhân vùng biên giới, vừa trực tiếp lao động sản xuất, lao động công ích, cùng với nhân dân xây dựng, chỉnh trang các công trình giao thông, mương máng thủy lợi, trường học, nhà ở, điện thắp sáng, nước sạch sinh hoạt... Cùng với đó, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị tích cực tham mưu cho chính quyền xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao trình độ canh tác và khả năng tiếp cận khoa học kỹ thuật cho bà con.

Điểm sáng trên lĩnh vực này đó là việc phát huy hiệu quả các chương trình hỗ trợ bò giống và giống cây bời lời cho người nghèo do Bộ Tư lệnh BĐBP và Bộ Chỉ huy BĐBP Kon Tum đầu tư. Từ 15 con bò giống ban đầu được những người lính Biên phòng bàn giao, đến nay đã nhân lên được gần 70 con, cùng hàng chục ha bời lời phát triển tốt, hứa hẹn những mùa bội thu.

Xung quanh câu chuyện chuyển đổi cây trồng, có chi tiết chúng tôi cực kỳ ấn tượng, đó là hành trình đưa giống lúa nước từ xã Đắk Plô sang trồng tại xã Đắk Nhoong. Đồn Biên phòng Đắk Nhoong một mặt triển khai xây dựng mô hình điểm tại hộ gia đình, mặt khác cùng với Chủ tịch UBND xã A Nhập sang Đắk Plô xin hỗ trợ giống lúa nước mang về cho dân trồng.

Từ một vài hộ trồng thí điểm ban đầu, đến nay, xã Đắk Nhoong đã nhân rộng được 6ha ruộng nước ở 2 thôn Roóc Mẹt và Roóc Nầm (trong đó, đồn Biên phòng hỗ trợ hơn 200 ngày công giúp bà con khai hoang, phục hóa cánh đồng) đạt năng suất từ 3 đến 3,5 tấn/ha/vụ.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đắk Nhoong giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai. Ảnh: Thái Kim Nga

Ông A Mơ (60 tuổi, dân tộc Dẻ - Triêng), một trong những hộ gia đình đầu tiên ở thôn Roóc Nầm “bắt nhịp” với cây lúa nước vui vẻ cho chúng tôi biết: “Được Chủ tịch UBND xã cho giống, đồn Biên phòng hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ ngày công khai hoang cánh đồng, nhà mình đã trồng được 4 sào lúa nước và thu về được hơn 1 tấn/vụ. Xã mình giờ không còn hộ đói, hộ giàu ngày càng nhiều, nhà nào cũng có điện thắp sáng, có ti vi, xe máy, trẻ em được đi học. Ở đây, cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng như con, cháu trong nhà, luôn hết lòng giúp đỡ bà con...”.

Trên lĩnh vực văn hóa, xã hội, những người lính Biên phòng đẩy mạnh công tác tuyên truyền kết hợp vận động, giáo dục bà con nhân dân thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, đồng hành với chính quyền địa phương các cấp bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Với mô hình tăng cường cán bộ, đảng viên, đoàn viên cho 3 cấp xã, thôn và hộ gia đình, có thể nói, dấu ấn của người lính Biên phòng ở đây là rất đậm nét, hòa vào từng “nhịp thở” vùng biên.

Xã Đắk Nhoong hiện tại có 2 thôn được công nhận thôn văn hóa, 6/6 thôn làng có đội cồng chiêng, đội văn nghệ, bóng chuyền phục vụ giao lưu, biểu diễn nhân các ngày tết cổ truyền, lễ hội truyền thống dân tộc và các hoạt động văn hóa thường xuyên tại cộng đồng. Hằng năm, số trẻ em được huy động đến trường đều đạt 100% và đây cũng chính là tỷ lệ người biết đọc, biết viết hiện nay trong xã.

Mặc dù vẫn còn nhiều việc phải làm để có thể “chạm đích” xây dựng nông thôn mới, nhưng với sự quan tâm chăm lo sâu sắc của Đảng, Nhà nước, tinh thần trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ cơ sở, sự đoàn kết đồng lòng vượt khó của nhân dân và điểm tựa vững chắc từ BĐBP, chắc chắn Đắk Nhoong sẽ có những bước tiến mạnh hơn, xa hơn ở phía trước.

Thái Kim Nga

Bình luận

ZALO