Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:24 GMT+7

Đắk Đoa đẩy lùi tảo hôn, xây dựng nếp sống văn hóa mới

Biên phòng - Huyện Đắk Đoa từng là địa phương có tỷ lệ tảo hôn cao của tỉnh Gia Lai. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ cấp huyện đến cơ sở, lồng ghép nội dung tuyên truyền đến người dân bằng nhiều hình thức, đến nay, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở Đắk Đoa được đẩy lùi. Đồng bào các dân tộc trong các thôn, xã dần hình thành ý thức xây dựng nếp sống văn hóa mới.

Người có uy tín ở xã Ia Pết, huyện Đắk Đoa tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho giới trẻ trên địa bàn. Ảnh: Hoàng Lê

Lấy chồng từ thuở mười ba

Đang học dở lớp 8, em N (sinh năm 2005), ở làng A Dơk Kông, xã A Dơk bỏ ngang việc học để lấy chồng. Đến nay, mới 17 tuổi, em N đã chuẩn bị đón đứa con đầu lòng. Chồng của N là chàng trai cùng làng tên Niên (sinh năm 2001). Kết hôn chưa đủ tuổi nên hiện nay, cặp “vợ chồng trẻ con” này vẫn chưa thể đăng ký kết hôn và cuộc sống sau hôn nhân hoàn toàn phụ thuộc vào cha mẹ hai bên.

Chia sẻ với chúng tôi, N bảo: “Lúc trước, chồng em theo một ban nhạc trong làng phục vụ các đám cưới, nhưng hai năm nay, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, chồng em không có việc làm mà về nhà làm rẫy cùng bố mẹ. Em thì không có việc làm, bây giờ lại đang mang bầu nên chỉ ở nhà làm việc vặt phụ giúp gia đình. Cuộc sống của vợ chồng em hiện tại đang phụ thuộc hết vào bố mẹ. Chờ sinh nở xong, sức khỏe ổn định, em mới tính tìm việc làm”.

Cùng chung tình trạng như N, năm 2018, em A, ở làng Bia Bre, xã Ia Pết cũng bỏ dở việc học để lấy chồng. Thời điểm đó, A đang học lớp 9 thì nảy sinh tình cảm với bạn nam học cùng lớp, cả hai quyết định tiến tới hôn nhân và gác lại việc học. Học lực của A thuộc dạng khá trong lớp nên khi A quyết định dừng lại việc học để tổ chức đám cưới, thầy cô và bạn bè đều nuối tiếc. Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, A đã phải chăm lo cuộc sống gia đình, nuôi con nhỏ. Còn chồng A đã phải làm “trụ cột” gia đình, hằng ngày đi làm thuê kiếm tiền lo cho gia đình, ai thuê gì làm nấy. Mọi chi phí sinh hoạt đều từ tiền công làm thuê của chồng. Em A chia sẻ: “Em chỉ mong, đến bữa có cái ăn cho no cái bụng để chăm sóc con, sau này con lớn rồi tính tiếp”.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc để đẩy lùi nạn tảo hôn

Tình trạng tảo hôn xảy ra phổ biến suốt nhiều năm tại huyện Đắk Đoa, chủ yếu trong các làng đồng bào dân tộc thiểu số. Trước thực trạng đó, huyện Đắk Đoa đã nghiên cứu nhiều phương án, nỗ lực thực hiện Đề án “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020” của Chính phủ. Tình trạng tảo hôn giảm dần theo các năm, nhận thức về nạn tảo hôn trong nhân dân cũng có sự chuyển biến rõ rệt.

Theo báo cáo của Phòng Dân tộc huyện Đắk Đoa, từ năm 2016-2021, toàn huyện có 364 cặp tảo hôn, tập trung chủ yếu ở các xã A Dơk, Ia Pết, Hà Bầu, Kon Gang, Hnol, Hải Yang và Hà Đông. Trong 6 tháng đầu năm 2022, huyện Đắk Đoa không có trường hợp nào tảo hôn, đây là một tín hiệu rất đáng mừng.

Bằng những cách làm cụ thể, hằng năm, Phòng Dân tộc huyện Đắk Đoa phối hợp với Phòng Tư pháp, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn tổ chức các buổi tập huấn, tuyên truyền; lồng ghép các nội dung tuyên truyền về Đề án “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số” với nhiều hình thức khác nhau. Phòng Dân tộc huyện phối hợp với các đoàn thể tổ chức ngoại khóa tuyên truyền trong trường học về hậu quả của nạn tảo hôn. Đồng thời, thành lập các câu lạc bộ tư vấn tiền hôn nhân ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn. Nhờ vậy, số cặp tảo hôn từng bước giảm dần so với giai đoạn trước.

Bà Lê Thị Hương, Trưởng phòng Dân tộc huyện Đắk Đoa cho biết: Huyện Đắk Đoa có hơn 55% đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó, tỉ lệ hộ nghèo chiếm gần 12,8%. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn diễn ra dai dẳng ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện trong những năm qua một phần do trình độ dân trí của người dân còn thấp, cuộc sống của đồng bào ở đây còn nhiều khó khăn. Người dân còn nặng suy nghĩ cho con lấy vợ, lấy chồng sớm để có thêm lao động. Hơn nữa, việc thực thi pháp luật về hôn nhân và gia đình trong quản lý, đăng ký kết hôn chưa nghiêm; chế tài xử phạt vi phạm chưa đủ tính răn đe...

Ngoài ra, cũng phải thừa nhận rằng, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, giáo dục giới tính, tư vấn sức khỏe sinh sản vị thành niên chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến một bộ phận trẻ vị thành niên chưa nhận thức đầy đủ về hôn nhân, hạnh phúc gia đình, nên yêu đương, quan hệ tình dục sớm để xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Tảo hôn để lại rất nhiều hệ lụy. Cuộc sống của những cặp tảo hôn thường khó khăn do chưa có kiến thức và hiểu biết, chưa đủ khả năng lo cuộc sống hôn nhân và gia đình. Hệ lụy từ kết hôn, sinh con sớm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ vị thành niên gái và những đứa trẻ sinh ra không được nuôi dưỡng, chăm sóc tốt nên bị suy dinh dưỡng và gặp những vấn đề về thể chất.

Hoàng Lê

Bình luận

ZALO