Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:48 GMT+7

Kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2021) và 32 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2021)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - “Tư lệnh của các tư lệnh”

Biên phòng - Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người “anh cả” của QĐND Việt Nam, người học trò xuất sắc, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được mệnh danh là “Tư lệnh của các tư lệnh”, “Chính ủy của các chính ủy”, “Vị tướng của nhân dân”... Quán triệt sâu sắc tư tưởng và phương pháp luận Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hội tụ đầy đủ những đức tính “Trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung” của “đạo làm tướng” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (thứ 2, từ phải sang) quan sát trận địa Điện Biên Phủ trước khi phát lệnh nổ súng tấn công. Ảnh: Tư liệu

Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn thể hiện một tư duy quân sự sắc sảo và xử lý thực tiễn linh hoạt, sáng tạo. Trong Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947, khi có cuộc đấu trí, đấu lực lớn đầu tiên với quân đội nhà nghề được trang bị vũ khí, kỹ thuật hiện đại, trên cương vị Tổng Chỉ huy và Tổng Chính ủy, đồng chí đã chỉ huy đội quân non trẻ giành thắng lợi giòn giã. Chiến thắng oanh liệt này là một kỳ tích trong lịch sử quân sự của thế giới, với một vị chỉ huy chưa qua bất kỳ một lớp đào tạo quân sự nào và chưa được mang một cấp bậc hàm nào trong Quân đội.

Cho tới Chiến dịch Biên giới Thu - Đông 1950, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra một quyết định sáng suốt chuyển mục tiêu tiến công mở đầu chiến dịch từ Cao Bằng sang Đông Khê. Năm 1954, bằng tư duy quân sự sắc sảo, bản lĩnh của người cầm quân, Đại tướng đã đưa ra một quyết định lịch sử, đó là thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Genève, công nhận độc lập, chủ quyền của Việt Nam, mà còn là nguồn động viên, cổ vũ nhân loại tiến bộ, yêu chuộng hòa bình và chống đế quốc trên toàn thế giới.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, từ sự chỉ đạo sắc bén của Đại tướng, Tổng Tư lệnh, các cơ quan, đơn vị của QĐND Việt Nam tích cực chuẩn bị các kế hoạch chiến lược; tham mưu để Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng chỉ đạo toàn quân “nắm thời cơ, tạo thời cơ và chớp thời cơ” đánh những đòn quyết định giành thắng lợi cuối cùng, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đại tướng luôn thể hiện tinh thần quyết đoán, song cũng rất dân chủ, nhân văn. Điểm cốt lõi xuyên suốt trong tư tưởng Võ Nguyên Giáp “dùng binh là việc nhân nghĩa, muốn cứu nước, cứu dân” để giải phóng dân tộc thoát khỏi ách thống trị tàn bạo của thực dân, đế quốc, mang lại cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Mục tiêu đó mang tính chính nghĩa, tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc và làm nên “phong cách cầm quân” riêng của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Đại tướng cho rằng, những thắng lợi trên chiến trường, xét cho cùng là do những con người trực tiếp chiến đấu quyết định.Vì vậy, Đại tướng rất coi trọng phát huy dân chủ, luôn lắng nghe, chọn lọc và trân trọng những sáng kiến, cách đánh hay của cán bộ, chiến sĩ và trong nhân dân, tạo nên một khối đoàn kết vững chắc, một sức mạnh vô địch của cuộc chiến tranh toàn dân. Đặc biệt, Đại tướng quý từng giọt máu, từng sinh mạng của người lính, không phiêu lưu, mạo hiểm, không cho phép đánh đổi bằng bất cứ giá nào, quyết đánh thắng kẻ thù nhưng cần phải làm thế nào để ta thương vong thấp nhất, đổ xương máu ít nhất.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn tâm niệm và làm theo lời dạy của người thầy vĩ đại và gần gũi - Chủ tịch Hồ Chí Minh là tinh thần “Dĩ công vi thượng”, “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Học và làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng duy trì lối sống giản dị, thanh cao, chan hòa tình cảm với nhân dân, cán bộ, chiến sĩ. Bản thân Đại tướng là tấm gương sáng về không ngừng phấn đấu, rèn luyện, học tập tư tưởng, đạo đức, tác phong, lối sống, thực hành nói và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, luôn thể hiện rõ phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; sống giản dị, khiêm tốn; giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của Đảng và nhân dân lên trên hết, trước hết.

Trên cương vị Tổng Tư lệnh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có công lớn trong việc tạo dựng hình ảnh đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân. Đại tướng áp dụng một cách nhuần nhuyễn những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng QĐND, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu; xác định nhiệm vụ trọng tâm của Quân đội “trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì CNXH. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Trước mọi thử thách, khó khăn, Đại tướng luôn kiên nhẫn, tỉnh táo, sáng suốt, đặt vận mệnh đất nước, cuộc sống của nhân dân lên trên hết; luôn làm theo lời dạy của Bác: Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại đến dân thì hết sức tránh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa là nhà chính trị, nhà quân sự, nhà văn hóa, nhà khoa học, nhà lý luận quân sự uyên thâm của Việt Nam, xứng đáng là học trò gần gũi và xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại tướng đã giành trọn niềm tin yêu, kính trọng của toàn Đảng, của toàn dân, toàn quân ta; của bạn bè quốc tế, nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, của nguyên thủ nhiều nước và của cả những người trước đây từng là đối thủ của Đại tướng trên chiến trường.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ một người yêu nước trở thành một người cộng sản chân chính; từ một thầy giáo dạy lịch sử, trưởng thành từ thực tiễn chiến trường để trở thành “Tư lệnh của các tư lệnh”, “Chính ủy của các chính ủy”. QĐND Việt Nam nói riêng và toàn thể nhân dân Việt Nam vinh dự, tự hào có một trong những danh tướng nổi tiếng thế giới: Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cuộc đời, nhân cách và những cống hiến to lớn của Đại tướng kính yêu luôn in đậm trong lòng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân và sẽ mãi còn ghi dấu trong lịch sử dân tộc.

Hải Đăng

Bình luận

ZALO